Phạm nhân được hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội

Luật Thi hành án hình sự vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua gồm 16 Chương, 207 Điều, đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung nhiều quy định mới về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, tổ chức lao động cho phạm nhân...

Về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật trình Quốc hội thông qua cho biết, nhiều ý kiến tán thành quy định phạm nhân chỉ được hưởng các quyền được quy định trong Luật Thi hành án hình sự, đồng thời bổ sung đầy đủ các quyền của phạm nhân được hưởng vào Luật này.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị, ngoài quy định các quyền, nghĩa vụ cụ thể của phạm nhân thì cần có quy định mang tính nguyên tắc: “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ phạm nhân”.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH đã tổ chức xin ý kiến đại biểu Quốc hội, kết quả đa số ý kiến tán thành phương án quy định theo hướng phạm nhân chỉ được hưởng các quyền quy định trong Luật Thi hành án hình sự.

Theo Luật Thi hành án hình sự mới được thông qua, phạm nhân được tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh nguồn internet

Đồng thời, Điều 27 của Luật đã được rà soát, bổ sung các nhóm quyền như: được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại; được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội…

Đáng quan tâm, về tổ chức lao động cho phạm nhân, khi thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành phương án quy định cho phép DN hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam. Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến không nhất trí phương án quy định này.

Theo UBTVQH, việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là cần thiết. Pháp luật hiện hành cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân; các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam.

Riêng đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do DN bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động thì đây là vấn đề mới. Qua xin ý kiến, kết quả chưa đạt 50% tổng số đại biểu đồng tình nên nội dung này không được bổ sung vào trong Luật.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tán thành với quy định tại Điều 51 về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép con dưới 36 tháng tuổi được theo “bố” vào trại giam để giải quyết trường hợp phát sinh trong thực tiễn.

Theo UBTVQH, việc quy định cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam trong một số trường hợp được cân nhắc kỹ trên cơ sở thiên chức của phụ nữ và nhằm bảo đảm tốt nhất cho trẻ em (như việc nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc trẻ em mới sinh...).

Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định của dự thảo Luật, nếu phát sinh trường hợp trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo bố vào trại giam thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.

Luật Thi hành án hình sự sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Đối với bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà đến thời điểm Luật này có hiệu lực chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì áp dụng các quy định của Luật này để thi hành.

Riêng đối với việc thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ mà bản án được tuyên theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì áp dụng các quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

Tương tự, với việc thi hành bản án, quyết định theo Luật Thi hành án hình sự 2010 nhưng đến thời điểm Luật này có hiệu lực mà còn khiếu nại, tố cáo thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được áp dụng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/pham-nhan-duoc-huong-che-do-chinh-sach-ve-bao-hiem-xa-hoi-152488.html