Phạm nhân nước ngoài tỉ mẩn với nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam

Hầu hết phạm nhân nước ngoài đang chấp hành án tại trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc) đều được đào tạo và làm được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Qua học nghề, nhiều phạm nhân đã lựa chọn con đường đi của mình sau khi được ra ngoài xã hội.

Trại giam Vĩnh Quang, thuộc Cục C10 Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, hiện đang giam giữ khoảng 4000 phạm nhân.

Trại giam Vĩnh Quang, thuộc Cục C10 Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, hiện đang giam giữ khoảng 4000 phạm nhân.

Tại phân trại số 4 có 223 phạm nhân nam của 12 quốc tịch.

Theo Thượng tá Tạ Văn Lương, Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang, phụ trách phân trại số 4, trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam, các nam phạm nhân nước ngoài ở đây sẽ tham gia làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Việc chọn nghề này, theo Thượng tá Lương, giúp họ hiểu thêm về văn hóa truyền thống của người Việt Nam và giúp họ tĩnh tâm hơn trong quá trình cải tạo. Vì mặt hàng này đòi hỏi sự tỉ mỉ trong công việc, và khéo léo của đôi bàn tay.

Chừ Xay (1998) là phạm nhân quốc tịch Lào. Chừ Xay tỏ ra rất chuyên nghiệp với nghề đan cói thành giỏ, một nghề truyền thống của Việt Nam.

“Trước kia ở bên Lào, tôi vẫn là học sinh, về công việc, tôi chưa biết làm gì nhiều. Khi vào đây chấp hành án, tôi mới bắt đầu được học nghề này. Từ việc cầm cây kim, xuyên chỉ luồn kim như thế nào. Tôi thấy công việc rất thú vị và chẳng có gì khó khăn cả. Tôi cũng xin cán bộ ở trại mấy chiếc giỏ này để lúc nào gia đình đến thăm thì tặng cho họ”, Chừ Xay cho biết.

Được đào tạo nghề, Chừ Xay không cảm thấy buồn. Khi bắt tay vào công việc, nam phạm nhân dường như quên hết mọi thứ. Chừ Xay hy vọng, sau khi mãn hạn tù, anh sẽ về quê làm một người nông dân bình thường và không bao giờ trở lại con đường phạm pháp nữa.

Chữ đẹp, thông thạo 3 ngoại ngữ là tiếng bản địa Campuchia, tiếng Anh và tiếng Việt, Chan Sôk (1979, quốc tịch Campuchia) được cán bộ trại giam giao nhiệm vụ quản lý sổ sách, ghi lại sinh hoạt của các phạm nhân hằng ngày. Thỉnh thoảng, nam phạm nhân cũng tranh thủ học tập làm các sản phẩm cổ truyền của Việt Nam.

“Khi được làm các món đồ mang tính bản sắc dân tộc Việt Nam, tôi cũng thấy nhẹ nhàng, tư tưởng thoải mái hơn. Đây là những món đồ dùng trong gia đình, nếu có cơ hội tôi sẽ xin cán bộ 1-2 cái để tặng cho gia đình khi tôi được trở về quê nhà”, Chan Sôk chia sẻ.

Tại phân trại số 4, trại giam Vĩnh Quang, 100% phạm nhân nước ngoài đều làm được mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo Đại úy Đỗ Văn Thắng, quản lý phạm nhân số 14, phân trại số 4, trại giam Vĩnh Quang, quá trình đào tạo phạm nhân nước ngoài học được nghề và làm ra sản phẩm đầu tay cực kỳ khó khăn, vất vả.

“Thứ nhất là phạm nhân ở đây xa quê hương, không có gia đình đến thăm nuôi như các phạm nhân Việt Nam nên họ rất thiếu thốn tình cảm, nhớ nhà, nhớ quê. Thứ 2, khó khăn trong bất đồng ngôn ngữ. Thứ 3 là phong tục tập quán, văn hóa khác nhau nên bỡ ngỡ trong sinh hoạt hằng ngày. Trước khi đào tạo nghề, các cán bộ tại trại luôn động viên để các phạm nhân yên tâm tư tưởng, sau đó mới tiến hành dạy nghề đan lát”, Đại úy Đỗ Văn Thắng cho biết.

Thời gian đào tạo các phạm nhân ở đây kéo dài từ 1 đến 2 tháng là họ có thể làm ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đa số phạm nhân nước ngoài rất khéo tay.

Họ chỉ mất khoảng 3-4 tiếng là làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh.

Có những phạm nhân ở vùng biên giới không có công ăn việc làm. Khi được đào tạo làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, với đời sống hằng ngày, nhiều phạm nhân có ý định sau khi ra ngoài xã hội sẽ tiếp tục làm nghề này.

Việc dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân nói chung, phạm nhân nước ngoài nói riêng bằng nghề truyền thống của Việt Nam có ý nghĩa rất lớn. Điều này không chỉ tạo cho họ thói quen lao động, sự khéo léo mà thông qua việc này góp phần truyền tải văn hóa Việt đến bạn bè thế giới. Đồng thời rèn luyện tính kiên nhẫn, kỹ năng lao động cho phạm nhân. Khi làm ra được sản phẩm, là thành công rất lớn trong công tác giáo dục phạm nhân./.

Hà Phú Hiền/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/pham-nhan-nuoc-ngoai-ti-man-voi-nghe-thu-cong-my-nghe-cua-viet-nam-post1007001.vov