Phạm Văn Đồng - Nhà văn hóa lớn

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người luôn quan tâm sâu sắc đến văn hóa và liên tục sáng tạo văn hóa, nhấn mạnh văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa, luôn luôn coi trọng và phát huy vai trò động lực của văn hóa với kinh tế và xã hội, có nhiều ý tưởng sáng tạo trong chỉ đạo các mặt hoạt động văn hóa; đối thoại chân tình và giúp đỡ thiết thực các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ và bản thân Thủ tướng đã có nhiều tác phẩm văn hóa nổi tiếng với văn phong trong sáng, mẫu mực.

Từ những công việc khoa học như: Giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt; phương châm hoạt động, sáng tác đến cuộc sống đời thường của anh, chị, em văn nghệ sỹ đều được Thủ tướng quan tâm tìm hiểu và chỉ đạo một cách sâu sắc.

Thủ tướng xác định trách nhiệm của các nhà văn hóa là: “Hiểu biết, khám phá và sáng tạo”. Đồng thời, đòi hỏi văn nghệ sỹ phải “thấm nhuần những tư tưởng lớn của Đảng, đường lối chính trị của Đảng, vì những tư tưởng lớn đó, đường lối lớn đó là thể hiện ý chí lớn, nguyện vọng lớn của dân tộc…”.

Học sinh xã Đức Tân, huyện Mộ Đức tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Với trọng trách là Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Quán triệt quan điểm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo con người “vừa hồng, vừa chuyên”, Thủ tướng yêu cầu giáo dục phải thực hiện phương châm giáo dục toàn diện. Để tạo được mục tiêu đó, Thủ tướng yêu cầu “Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp; thầy ra thầy, trò ra trò; dạy ra dạy, học ra học”. Di sản mà Thủ tướng để lại cho ngành giáo dục là to lớn, tiêu biểu là cuốn sách “Giáo dục - Quốc sách hàng đầu - Tương lai dân tộc”.

Thủ tướng không những tự mình rèn luyện theo tấm gương, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời hy sinh phấn đấu cho Đảng và dân tộc, mà còn có những đóng góp to lớn trong việc giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Thủ tướng đã nghiên cứu và xuất bản những tác phẩm lớn về tư tưởng Hồ Chí Minh, tiêu biểu là: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp; Hồ Chí Minh - Quá khứ, hiện tại, tương lai; những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh…

Theo GS. Hoàng Chương, TGĐ Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, Việt Nam chưa có một lãnh tụ cách mạng nào nói nhiều và viết nhiều về văn hóa dân tộc như Thủ tướng Phạm Văn Đồng và quan trọng hơn nữa là những ý kiến của ông có tác động trực tiếp vào đời sống văn hóa văn học nghệ thuật.

Trong tham luận tại cuộc hội thảo “Phạm Văn Đồng với văn hóa dân tộc” của ông Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa TW, “Phạm Văn Đồng- Dòng sông chảy mãi”, theo ông, Phạm Văn Đồng là con người của thế kỷ XX, nói theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng con người Ông, công lao và sự nghiệp thì vượt cả tầm thế kỷ để sống mãi với đất nước và dân tộc, với thời đại đang tiến về phía trước…

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà chính trị sâu sắc, nhà lãnh đạo kinh tế, nhà ngoại giao tài năng, nhà văn hóa lớn của dân tộc, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, suốt đời chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi.

Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Hải Yến

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/pham-van-dong-nha-van-hoa-lon-post10148.html