Phạm Văn Tráng & 'vụ tạc đạn Thái Bình'

Ngày 12/4/1913, một quả tạc đạn nổ ngay trên đường phố Thái Bình đã kéo theo cái chết của viên tuần phủ gian ác Nguyễn Duy Hàn. Người thực hiện nhiệm vụ đó là Phạm Văn Tráng, người làng Bát Tràng, Hà Nội.

Hành động dũng cảm đó đã ghi vào lịch sử dân tộc như một tiếng pháo tiếp sức cho công cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập cho dân tộc. Báo chí đương thời lúc đó cũng như sử sách sau này đều ghi và dành cho Phạm Văn Tráng sự kính nể và biết ơn.

Những năm đầu thế kỉ XX, cách mạng Việt Nam được đánh dấu bằng sự thành lập Việt Nam Quang phục hội (vào năm 1912) do chí sĩ Phan Bội Châu đề xướng theo chủ nghĩa dân chủ với mục đích đánh đuổi người Pháp khỏi Đông Dương. Việt Nam Quang phục hội tổ chức thành lập Hiệp hội tử vì nghĩa, với nhiệm vụ là ám sát toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut và một số cộng sự đắc lực là người Việt như Hoàng Cao Khải (tổng đốc Hà Đông), Nguyễn Duy Hàn (tuần phủ Thái Bình)... nhằm "đánh thức đồng bào", "kêu gọi hồn nước".

Bài "Tử hình những kẻ vô chính phủ chống lại nước Pháp” của tác giả H. De Massiac trên báo Tương lai Bắc Kỳ ngày 8/9/1913 đã thuật lại sự việc: Phạm Văn Tráng, tức Chang, 28 tuổi, thầy giáo dạy chữ gốc gác ở làng Bát Tràng tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội). Thời gian dạy học ở làng Hành Thiện, Tráng đã làm quen với các thành viên của đảng cách mạng An Nam và họ đã tuyển dụng y là một trong số các thành viên của Hiệp hội tử vì nghĩa. Đấy là tổ chức gồm những người tự nguyện hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp chung của đảng.

Tháng 12/1912, Tráng sang Trung Quốc và trước đó y đã tham dự Đại hội đại biểu toàn đảng (gồm những người đứng đầu) được tổ chức vào tháng 2/1912(…). Ông Tráng được giao nhiệm vụ giết chết tuần phủ Thái Bình vì tội đã làm tê liệt mọi hoạt động của đảng cách mạng ở vùng này. Đầu tháng 3, ông Tráng được Nguyễn Cẩm Giàng giao mang một quả bom cùng với Nguyễn Khắc Cần cũng mang theo một quả bom trở về Bắc Kỳ. Hai người về nhà Nguyễn Khắc Cần ở Yên Viên trú ngụ một thời gian để chờ hướng dẫn của ủy viên Ủy ban trung ương đảng. Thời điểm thuận lợi xuất hiện vào đầu tháng 4, Tráng lên đường đi Nam Định mang theo một bức ảnh chụp tuần phủ Thái Bình để nhân dạng và các nơi mà tuần phủ thường lui tới. Tráng đã ném quả bom giết chết tuần phủ. Khi hành động xong, Tráng đã hô khẩu hiệu nổi tiếng “Cách mạng An Nam thành công muôn năm”.

Cũng theo tường thuật của bài báo trên, lúc bị bắt và trước khi ra pháp trường, Phạm Văn Tráng thể hiện được chí khí, luôn ngẩng cao đầu không khuất phục trước kẻ thù. Bài báo viết: “Khoảng 4 giờ sáng, lực lượng cảnh sát đến bao gồm những cảnh sát người Âu, những đội cảnh binh và những toán dân phòng để hỗ trợ trật tự. Labalatte - trưởng đội lính gác dẫn đoàn người tiến đến các phòng giam tử tội. Phạm Văn Tráng, tác giả vụ mưu sát Thái Bình là người đầu tiên bị đánh thức. Ông đã mỉm cười đứng nghe lời tuyên đọc rồi đáp: “Thế là tốt”. Bình tĩnh và pha chút giễu cợt, Phạm Văn Tráng, tức Chang, kẻ sát hại tuần phủ Thái Bình đã đề nghị người lính gác tù là sau khi bị tử hình hãy ném xác ông ta hoặc xuống sông Hồng để nuôi cá hoặc ném vào rừng sâu để làm miếng mồi ngon cho hổ chứ đừng đem chôn trong lòng đất. Vì như vậy ông ta sẽ phải gặp lại tên tuần phủ Thái Bình, kẻ thù mà ông không muốn làm lành”.

Năm 1973, khi biên soạn sách "Danh nhân Hà Nội", nhóm tác giả gồm những nhà sử học, nhà văn hóa danh tiếng (như Lê Thước, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng, Hoàng Đạo Thúy, Chu Thiên, Nguyễn Tường Phượng, Trần Quốc Vượng, Tảo Trang (Vũ Tuấn Sán) và nhiều người khác) đã không quên đưa Phạm Văn Tráng vào hàng ngũ những danh nhân của thủ đô. Tác giả Vũ Tuân Sán trong bài “Phạm Văn Tráng và trái bom Thái Bình” in trong sách "Danh nhân Hà Nội", NXB Hội văn nghệ Hà Nội, 1973, tập 1 viết: “Người làm nổ trái bom đầu tiên làm chấn động dư luận là Phạm Văn Tráng, người đã giết tên tuần phủ chó săn Thái Bình là Nguyễn Duy Hàn ở ngay gần tỉnh lỵ, hồi trưa thứ Bảy 12/4/1913. Phạm Văn Tráng vốn quê Bát Tràng, nhưng thuở nhỏ sống ở thành phố Nam Định tại phố Hàng Nâu, là nơi tập trung khá đông những người dân Bát Tràng sang buôn bán. Phạm Văn Tráng còn có tên khác là Nguyễn Thế Trung (tên hoạt động cách mạng, ghi trong sách "Việt Nam nghĩa liệt sử") và chính tên ở làng là Phạm Văn Sáng.

Ông vốn là người gan dạ, có chí lớn, tuy theo đòi bút nghiên mà vẫn luyện tập võ nghệ. Ông từng dạy học tại làng Hành Thiện, biết rõ tông tích và hành vi tội ác của tên Nguyễn Duy Hàn người làng này, và từ 1907 ông đã hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1912 ông trốn sang Trung Quốc tham gia Việt Nam Quang phục hội. Lúc đó Nguyễn Cẩm Giàng tức Nguyễn Hải Thần sau khi nhận tạc đạn để hành thích tên toàn quyền Albert Sarraut trong lúc tên này dự lễ xướng danh tại kỳ thi hương Nam Định (tháng 11/1912) đã do dự không thi hành xong nhiệm vụ. Phạm Văn Tráng khảng khái nhận đi thay để thi hành bản án xử tử hình tên Nguyễn Duy Hàn.

Mùa xuân năm 1913, ông cùng Nguyễn Khắc Cần về nước. Ngày 12/4/1913 ông cùng Phạm Đệ Quý, tức nhì Quý sang Thái Bình. Quý có nhiệm vụ canh gác. Ông chờ Nguyễn Duy Hàn đi qua, vào hồi 11h trưa, liền mau tay liệng quả lựu đạn, miệng hô to “Cách mạng Việt Nam thành công”. Lựu đạn nổ, tên Nguyễn Duy Hàn bị trúng, ngã xuống chết tại chỗ. Phạm Văn Tráng bị thực dân Pháp đưa ra tòa Đề xử cùng 84 người khác và bị chúng tuyên án xử tử hình cùng 7 chiến sĩ Việt Nam quang phục hội (Bản án ngày 5/9/1913). Ngày 23/9/1913 ông ngang nhiên lên máy chém của đế quốc.

Quả bom Phạm Văn Tráng là tiếng nổ đầu tiên của phong trào cách mạng Việt Nam Quang phục hội đã chấn động dư luận đương thời, và là một lời cảnh cáo đanh thép cho bọn quan lại thối nát, bán nước cầu vinh. Với tuần phủ Nguyễn Duy Hàn, có nhiều câu đối viếng tỏ ý mai mỉa, như một câu nhiều người còn nhắc lại: Hành Thiện khởi ưng vì ác báo/Thái Bình hà sự nhạ binh đao (Làm thiện há gây nên ác báo / Thái bình sao lại nổi binh đao). Câu đối trên nhắc lại tên đất: Hành Thiện là quê hương và Thái Bình là nơi tri nhậm của Nguyễn Duy Hàn. Có người còn muốn tìm thêm ở chữ “khởi ưng” có nghĩa “làm việc khuyển ưng” và chữ “hà sự” có nghĩa “phụng sự thế nào”.

Theo "Từ điển Thái Bình" do Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Thái Bình cho xuất bản 2010, chuyện Phạm Văn Tráng giết tuần phủ Thái Bình ghi vào mục “Vụ ám sát Nguyễn Duy Hàn”: “Thực dân Pháp và báo chí đương thời gọi là Vụ tạc đạn ở Thái Bình. Do tổ chức Việt Nam Quang phục hội chủ trương, Phạm Văn Tráng thực hiện ngày 12/4/1913. Bản báo cáo của Chủ tịch Hội đồng đề hình Pháp năm 1913 viết: “Tuần phủ Thái Bình nổi tiếng trong giới bản xứ là người tận tụy với chính phủ bảo hộ, và là người kiên quyết đàn áp các cuộc phá rối trị an. Tráng đã chọn thời cơ thuận tiện giết viên tuần phủ (Nguyễn Duy Hàn) đang đi xe kéo trên đường phố chính vào lúc 11 giờ rưỡi. Khi quả bom nổ, Tráng còn nói “Cách mạng Việt Nam bắt đầu”. Với một sự bình tĩnh hiếm có, Tráng tiếp tục đi và đến gặp Phúc đang chờ cách đó 400m. Sau đó cả 2 về Nam Định. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường trốn sang Trung Quốc để tiếp tục hoạt động, Tráng bị bắt ở Lạng Sơn…” (trang 1080)".

Ngày nay, tại thành phố Đà Nẵng và Nam Định đã có phố mang tên Phạm Văn Tráng. Tại Sài Gòn, có một con phố, nguyên là cuối của đường Đề Thám, chính quyền Sài Gòn nhầm tên Phạm Văn Tráng thành Nguyễn Văn Tráng. Sau giải phóng, chính quyền không thay đổi lại, giữ nguyên đến giờ. Tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm cũng như hành động hi sinh quên mình vì đất nước của liệt sĩ Phạm Văn Tráng cần được giáo dục cho thế hệ trẻ và cần ghi ơn bằng hành động cụ thể hơn nữa. Thiết nghĩ, thành phố Hà Nội cũng cần cân nhắc, xem xét để đặt tên Phạm Văn Tráng cho một con đường ở Thủ đô - quê hương ông.

Lí Nguyễn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/pham-van-trang-vu-tac-dan-thai-binh-post234109.html