Phận biển cạn

Những ngày biển động, cửa biển Đá Bạc gió rít từng hồi, từng cột sóng nước đục ngàu xô bờ ì ầm..., hàng chục chủ ghe ngồi nhà đưa mắt nhìn ra biển. Ông Nguyễn Văn Hó, ngư dân lớn tuổi chỉ tay về phía làn sóng cuộn, thở dài: 'Sóng cỡ đó chỉ độ cấp 4, cấp 5, nhưng chúng tôi cũng phải nằm bờ, vì phương tiện khai thác của ngư dân vùng này nhỏ quá...'.

Ông Nguyễn Văn Hó bên chiếc ghe “nhiều không” (không mui, không trang thiết bị an toàn, không số, không đăng ký, đăng kiểm, không có người phụ giúp...). Ảnh: Lê Khoa

Ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hiện có 304 hộ, đa số là dân từ các nơi khác về cư trú, làm ăn sinh sống bằng các nghề làm ruộng, nghề đi biển. Cả ấp có 108 phương tiện, đa phần là phương tiện nhỏ, trọng tải từ 2 đến 3 tấn, hoạt động các nghề như đẩy te ruốc, cá cơm, đặt lú bát quái, số còn lại làm nghề câu ốc mực, lưới ghẹ, lưới cá... Ngoài bờ đê còn khoảng 100 hộ dân sinh sống, phần lớn là người di cư từ nhiều vùng quê nghèo trong tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, gặp cửa sông, cửa biển... che chòi ở tạm để mưu sinh theo con nước biển... Họ có cùng cảnh ngộ, không đất đai, đông con và nghèo khó.

Ông Nguyễn Văn Hó, quê xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau, thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định. Năm 2011, ông dắt díu vợ con sang cửa biển Đá Bạc tìm kế mưu sinh. Thời gian đầu đi làm thuê cho dân cửa biển, sau đó ông vay mượn mua được chiếc xuồng trọng tải hơn 2 tấn ra biển làm nghề đẩy te ruốc.

Gần 60 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng khi biển lặng, ông vẫn một mình đi biển “kiếm cơm” từ 0 giờ đến khoảng 3 – 4 giờ sáng mới quay vào bờ. Trong căn nhà cây lá tạm, trời nắng thì nóng như nung, trời mưa thì nước tạt khắp nhà, trời gió thì mái và vách tôn rách rủ đập ồn ào, sàn nhà bằng gỗ đi không cẩn thận sẽ lọt bàn chân vì mục. Gọi là nhà vì dù ít nhiều cũng là nơi trú ngụ của 5 thành viên trong gia đình ông Hó.

Đưa ánh mắt ra biển xa, ông Hó than thở, sống ở biển, trông chờ vào biển, già yếu cũng phải đi. Một mình lênh đênh trên biển, cực khổ cả đêm nhưng thu nhập mỗi lần chưa quá 400 ngàn đồng, trừ tiền dầu chỉ còn dư khoảng 200 ngàn. Sản phẩm đánh được không dám cân cho vực mà người nhà ông trực tiếp đem ra chợ bán để kiếm thêm vài ngàn đồng. Ông cũng không dám thuê người đi cùng, sợ không đủ tiền trả công.

“Tháng 5-2017, trong đêm tối, một mình đang đẩy te trên biển cách bờ khoảng 2km, một cơn lốc xoáy bất ngờ đánh chìm ghe. Tôi vớ được can dầu, ôm chặt lấy nó cho sóng đẩy đưa trôi dạt trên biển. May sao gió đổi chiều nên sóng đánh dạt vào bờ, thoát chết. Nhưng, gia tài, cuộc sống của gia đình tan tành theo bọt biển. Dân làng và anh em họ hàng thấy khổ nên huy động cho vay tiền mua lại chiếc ghe khác 20 triệu đồng, tiếp tục làm nghề đẩy ruốc và cá cơm” – Ông Hó trần tình.

Nhìn “căn nhà” tuềnh toàng, mong manh không đủ sức chống chọi mưa giông; tài sản có giá trị nhất là chiếc ghe cũ đã phai màu vì sóng và gió biển; chiếc ghe không mui, be bể, thân vá nhiều lỗ không biển số..., tôi thấy ngậm ngùi cho ông Hó.

Cùng cảnh ngộ, bên kia sông, gia đình anh Đặng Thanh Điền vay mượn tiền, mua được chiếc ghe giá 70 triệu đồng, làm chưa được bao lâu thì cuối năm 2017 bị sóng nhấn chìm. Rất may, 3 người đi trên phương tiện được cứu vớt an toàn. Do gia cảnh khó khăn, anh Điền cũng được bà con lối xóm quyên góp hỗ trợ 6 triệu đồng và giúp trục vớt ghe đưa vào bờ sửa lại tiếp tục ra biển. Phương tiện nhỏ, nguồn lợi cạn kiệt, hoạt động nghề của anh Điền, ông Hó và hàng chục hộ dân ở đây chỉ lay lắt qua ngày.

Theo thống kê của địa phương, hơn 100 hộ dân sinh sống ở cửa biển Đá Bạc thì khoảng 80 hộ có phương tiện khai thác nhỏ (dưới 12CV), những hộ còn lại làm thuê cho hộ có ghe lớn, tiền công nhận theo thỏa thuận. Tuy nhiên, do nghề khai thác nơi đây chủ yếu là lưới ghẹ, ốc mực, đẩy te, phương tiện nhỏ, sản lượng ít, giá bán thấp nên cuộc sống của ngư dân khó khăn.

Ông Dương Văn Tường, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hòn cho biết: “Khó thì khó nhưng ngư dân vẫn bám biển. Lo nhất là sự nguy hiểm khi ra khơi. Bởi phần lớn phương tiện hoạt động tại cửa biển Đá Bạc chỉ có tải trọng từ 1,5 đến 3 tấn, thường đi từ 2-4 người, ghe thường không có mui, không có trang thiết bị an toàn cho người..., gặp thời tiết xấu rất nguy hiểm. Chúng tôi thường xuyên vận động bà con đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, nhưng vì cuộc sống khó khăn, nhiều lúc họ phải liều”.

Hầu hết các ghe loại nhỏ đang hoạt động ở cửa biển Đá Bạc đều được người dân cải hoán từ phương tiện thủy nội địa. Không có mui, nên nắng hay mưa, ngư dân đều phơi mình cùng sóng nước. Không trang thiết bị an toàn, không có phương tiện thông tin liên lạc, có chăng chỉ là cái điện thoại “cùi bắp”, gặp giông gió cũng chẳng hay. “Hôm nào biển êm thì làm kiếm tiền lay lắt qua ngày, biển động là thiếu ăn” – Ông Hó phân trần!

Minh chứng cho lời nói với ngữ điệu than thân, trách phận là hậu quả của đêm ông Hó thoát chết do cơn lốc xoáy bất ngờ gây ra năm 2017. Không có điều kiện đóng phương tiện lớn đủ sức chịu sóng to, gió lớn là điều kiện của mỗi gia đình; nhưng sự chủ quan phó mặc mạng sống cho biển cả vì miếng cơm manh áo luôn là nỗi ám ảnh của nhiều ngư dân ven biển.

Dù cơn bão Linda năm 1997 đã đi qua 21 năm, nhưng hậu quả của nó để lại đến nay vẫn còn khá nặng nề. Nhiều người cha, chồng, con, em... của họ bị sóng biển cuốn trôi, không về nữa. Sau lần đó, những người sống sót thề bỏ nghề. Nhưng vì sinh ra và lớn bên biển, họ lại trở lại với biển. Vậy nhưng, ra khơi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.

Cái lo, cái sợ của ông Hó, anh Điền cũng là nỗi lo chung của phần lớn ngư dân vùng biển. Vẫn biết phương tiện nhỏ, khai thác gần bờ với ngành nghề bị cấm, nhưng vì chén cơm manh áo, ngư dân nghèo nơi đây bất chấp, kể cả những hiểm nguy trực chờ theo từng cơn gió, cột sóng dội bờ... Họ luôn mong muốn được ngành chức năng địa phương hỗ trợ vốn để mua sắm phương tiện lớn, trang bị an toàn để chuyển đổi nghề, để được vươn ra biển lớn...!

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phan-bien-can/