Phản biện đề án thu phí xe khu vực trung tâm Đà Nẵng: Tạm dừng, chỉ triển khai khi hội đủ các điều kiện

Sáng 31-10, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo 'Đề án thu phí phương tiện tham gia giao thông vào khu vực trung tâm TP' do Sở GTVT TP Đà Nẵng xây dựng với sự tham gia của đại diện các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội, các nhà khoa học trên địa bàn TP. Các ý kiến đi đến thống nhất, tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu...

Sáng 31-10, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Đề án thu phí phương tiện tham gia giao thông vào khu vực trung tâm TP” do Sở GTVT TP Đà Nẵng xây dựng với sự tham gia của đại diện các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội, các nhà khoa học trên địa bàn TP. Các ý kiến đi đến thống nhất, tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu...

Đại diện Sở GTVT TP Đà Nẵng trình bày Đề án thu phí xe tại Hội nghị phản biện.

Đề án thu phí xe là cần thiết

Theo ông Bùi Hồng Trung - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, mục tiêu chính của Đề án thu phí phương tiện tham gia giao thông vào khu vực trung tâm TP (gọi tắt là thu phí xe) nhằm hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TP, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), hướng tới một TP có hệ thống GTVT phát triển hiện đại, bền vững. Đề án thu phí xe đề xuất phạm vi thu phí là vùng lõi khu vực trung tâm TP có lưu lượng giao thông lớn, nguy cơ ùn tắc cao, vượt quá khả năng đáp ứng về hạ tầng. Trước mắt, đến năm 2023, vùng lõi khu vực trung tâm theo ranh giới nghiên cứu thu phí: Nút Điện Biên Phủ- Nguyễn Tri Phương-> Nguyễn Tri Phương-> Nguyễn Hữu Thọ-> Xô Viết Nghệ Tĩnh-> 2 tháng 9-> Bạch Đằng-> 3 tháng 2-> Nguyễn Tất Thành-> Lê Độ. Về loại phương tiện thu phí, đề xuất đến năm 2025, thu phí đối với ô-tô con (kể cả taxi), xe khách và xe tải, không thu phí xe buýt và các loại xe ưu tiên theo quy định; sau năm 2030 nghiên cứu thu phí xe máy...

Mức phí thu xác định theo 3 cơ sở: thu theo khu vực; thu theo loại phương tiện; thu theo thời gian. Cụ thể, về mức thu phí theo loại phương tiện, đề án đề xuất xe khách < 30 chỗ (hệ số 2,5); > 30 chỗ (hệ số 3,5); xe tải < 2,5 tấn (hệ số 2,5), > 2,5 tấn (hệ số 3,5), container (hệ số 4,5). Về mức thu phí theo thời gian, đề án đề xuất mức phí được tính cho chu kỳ 30 phút cho 2 khung giờ cao điểm sáng (6 giờ 45 – 7 giờ 45) và chiều (16 giờ 30 – 18 giờ 30).

Về công nghệ thu phí, Đề án đề xuất áp dụng công nghệ RFID với nguyên tắc hoạt động: lắp đặt các cổng kiểm soát ERP tại các lối vào khu vực thu phí; các phương tiện giao thông muốn vào khu vực hoặc tuyến đường thu phí phải gắn thiết bị trong phương tiện (E-tag), phí điện tử được khấu trừ tự động qua thẻ thông minh thông qua một cảm biến vô tuyến công nghệ RFID gắn trên cổng ERP. Đề án đề xuất tổ chức 12 cổng thu phí ERP trên đường bao; việc thu phí chỉ áp dụng đối với chiều đi vào trung tâm TP, không thu chiều ra; các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng và có một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí...

Đa số ý kiến tạm dừng thông qua đề án, tiếp tục nghiên cứu

Tại Hội nghị, có 14 ý kiến tham gia phản biện, góp ý, đề xuất. Trong đó, có 12 ý kiến phản biện tạm dừng thông qua Đề án thu phí xe để tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn và áp dụng vào thời điểm thích hợp. Theo ông Bùi Văn Tiếng- Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội VHNT TP, trước hết xét về tính pháp lý, khái niệm thu phí xe chưa có trong Luật Phí và Lệ phí 2015, do vậy, phải chờ Quốc hội bổ sung vào luật mới có cơ sở pháp lý triển khai Đề án. Ông Tiếng lưu ý thêm cần hạn chế việc cấp phép xây dựng các dự án nhà cao tầng tại khu vực trung tâm để góp phần chống ùn tắc giao thông. Ông Trần Văn Nam- Phó Chủ tịch không chuyên trách MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho rằng, việc Đà Nẵng triển khai áp dụng thu phí xe để chống ùn tắc giao thông như TPHCM và Hà Nội chỉ là giải pháp chữa cháy, chứ không căn cơ.

Đà Nẵng nên học hỏi kinh nghiệm xử lý vấn đề này ở Nhật vì nước này có mạng lưới đường sá hẹp như ở Việt Nam nhưng rất ít kẹt xe, do đó, mong lãnh đạo TP không thông qua Đề án thu phí xe. “Tạm dừng đề án này, xem đề án chỉ là giải pháp bỗ trợ bởi lý do ùn tắc tại Đà Nẵng chỉ là ùn chứ chưa tắc. Thực tế, trong thời gian qua, Sở GTVT TP đã tổ chức các giải pháp phần luồng giao thông, góp phần giảm ùn tắc. Giải pháp căn cơ để chống ùn tắc giao thông là không cho đậu đỗ ô-tô trên lòng đường, giải phóng mặt đường cho giao thông, đồng thời khiến cho các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe công cộng”, ông Phan Đức Hải- Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng nêu thêm ý kiến phản biện.

Đứng trên góc độ là doanh nghiệp, bà Lê Thị Nam Phương - Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Đà Nẵng cho rằng, việc thu phí sẽ tăng thêm chi phí cho xã hội, giá thành sản phẩm, dịch vụ làm giảm đi sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Để giải quyết ùn tắc giao thông, ông Trần Dần - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường TP Đà Nẵng đề nghị TP sớm triển khai các dự án hạ tầng giao thông như: nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nút giao thông phía Tây cầu Rồng, mở rộng tuyến đường Ngô Quyền - Lê Văn Hiến, xây dựng bến trung chuyển đưa hàng hóa từ Cảng Tiên Sa đến Cảng Liên Chiểu để hạn chế phương tiện lưu thông trên tuyến đường Ngô Quyền - Lê Văn Hiến, các bãi đỗ xe công cộng cũng như phát triển đa dạng các loại hình vận tải hành khách công cộng...

Giao lộ Cầu Rồng - Nguyễn Văn Linh - Bạch Đằng - Trần Phú - Trưng Nữ Vương thường xuyên ùn ứ phương tiện giao thông vào giờ cao điểm.

Chỉ triển khai khi hội đủ các điều kiện

Đánh giá Hội nghị phản biện đối với Dự thảo Đề án thu phí xe đã diễn ra dân chủ, công khai, cầu thị, nghiêm túc, đầy tâm huyết, chuyên môn cao... ông Dương Đình Liễu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng khẳng định Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ tổng hợp những ý kiến phản biện, góp ý, đề xuất tại hội nghị này để trình lãnh đạo TP xem xét đưa ra các quyết sách, chủ trương phù hợp với sự phát triển của Đà Nẵng và nguyện vọng, lợi ích chính đáng của người dân. Đại diện đơn vị xây dựng Đề án thu phí xe, ông Bùi Hồng Trung ghi nhận các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện Đề án. “Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp vào Đề án của nhiều tầng lớp nhân dân và các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn TP. Chỉ triển khai đề án này khi hội đủ các điều kiện cần và đủ. Các điều kiện cần là Đề án phải có cơ sở pháp lý, phải đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, phải được sự đồng thuận của người dân. Còn các điều kiện đủ là TP đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, mạng lưới vận tải hành khách công cộng...”, ông Trung cho biết thêm.

PHÚ NAM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_215257_phan-bien-de-an-thu-phi-xe-khu-vuc-trung-tam-da-na.aspx