Phản biện xã hội của Mặt trận góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật

Phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp của UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ngay từ khi lập đề nghị và trong suốt quá trình soạn thảo đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa phát biểu trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh).

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa phát biểu trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh).

Ngày 23/5, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, trong thời gian qua, việc lập chương trình xây dựng pháp luật (CTXDPL) ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ. Các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao. Quá trình thẩm tra, tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng được tăng cường.

Đặc biệt, theo đánh giá của ông Nghĩa: Hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ngay từ khi lập đề nghị và trong suốt quá trình soạn thảo đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho rằng, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định CTXDPL còn lớn. Điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của Chương trình chưa cao.

Cụ thể như: Khi lập dự kiến Chương trình năm 2023, chỉ có 2 dự án được đề nghị đưa vào Chương trình kỳ họp thứ 6 để Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, đến nay, theo dự kiến điều chỉnh thì bổ sung thêm 6 dự án Luật trình xin ý kiến vào Kỳ họp thứ 6, gấp 3 lần số dự án đã được quyết định. Đối với lập dự kiến Chương trình năm 2024, cũng chỉ có 2 dự án được đề nghị đưa vào Chương trình kỳ họp thứ 8 để Quốc hội cho ý kiến và gối đầu sang năm 2025. Do đó các cơ quan cần quan tâm hơn về công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn.

Về hoàn thiện thể chế trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Nghĩa lo ngại bên cạnh những cơ hội chưa từng có, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặc biệt là cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo (AI) tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, có ảnh hưởng về nhiều mặt đến đời sống xã hội, có thể gây ra những hậu quả khó lường và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người.

Trên thế giới, mặc dù chưa ban hành được khuôn phổ pháp lý chung toàn cầu nhưng một số khu vực và nhiều quốc gia đã thông qua quy định để tạo hành lang pháp lý nhằm đưa sự phát triển Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi đúng hướng, vừa phát huy sự sáng tạo, vừa phòng ngừa, kiểm soát và hạn chế rủi ro do cuộc cách mạng này gây ra. Trong khu vực tư, nhận thức được rủi ro hiện hữu về việc trí tuệ nhân tạo sẽ vượt tầm kiểm soát, từ ngày 22/3/2023, nhiều cá nhân thế giới đã tham gia Thư ngỏ kêu gọi tạm ngừng phát triển trong 6 tháng bất kỳ hệ thống AI nào mạnh hơn Hệ thống GPT-4. Một trong những mục tiêu của việc tạm dừng này là để các nhà phát triển AI cùng với các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng thiết lập hệ thống quản trị AI hiệu quả. Đến 23h ngày 22/5/2023 đã có 27.565 chữ ký, trong đó có những nhận vật có kiến thức chuyên sâu và có ảnh hưởng toàn cầu về lĩnh vực này tham gia.

Ở nước ta, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định mục tiêu: Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, Nghị quyết 52 cũng yêu cầu: “sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Ngay từ năm 2019, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính nhưng đến nay cơ chế này vẫn chưa được ban hành.

Từ những phân tích đó, ông Nghĩa cho rằng để tạo cơ sở pháp lý cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quốc hội cần xem xét sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để ban hành luật hoặc nghị quyết về: quy định những vấn đề nguyên tắc về cơ chế pháp lý thử nghiệm có kiểm soát để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các Sandbox trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Kinh nghiệm quốc tế thì Sandbox cụ thể do các bộ, ngành ban hành để thử nghiệm trong thời gian ngắn. Tính đến nay có khoảng 80 Sandbox về lĩnh vực tài chính trên thế giới.

Bên cạnh đó, quy định về trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy việc nghiên cứu, sử dụng nhằm tối đa lợi ích đem lại và kiểm soát rủi ro trong quá trình phát triển của trí tuệ nhân tạo. Quy định về địa vị pháp lý; quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng các thiết bị thông minh như robốt, xe tự hành, thiết bị bay không người lái.

“Một hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện là điều kiện tiên quyết để Việt Nam không bị chậm chân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để Việt Nam chủ động hơn trong tận dụng lợi thế và phòng chống rủi ro trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và quan trọng hơn là để Việt Nam không trở thành nơi thử nghiệm cho những sản phẩm công nghệ có tính rủi ro cao, có nguy cơ gây thiệt hại về nhiều mặt trong tương lai”-ông Nghĩa cho hay.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phan-bien-xa-hoi-cua-mat-tran-gop-phan-nang-cao-chat-luong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-5718562.html