Phân biệt chính xác sốt siêu vi và sốt xuất huyết giúp nâng cao hiệu quả điều trị

Những triệu chứng ban đầu của sốt siêu vi và sốt xuất huyết như sốt cao, mệt mỏi... khiến nhiều người dễ nhầm lẫn. Thực tế, đây là hai dạng bệnh hoàn toàn khác nhau, việc phân biệt chính xác chúng giúp đề ra hướng điều trị hiệu quả với bệnh nhân.

1. Nguyên nhân

Sốt siêu vi là thuật ngữ chỉ chung những trường hợp sốt do nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau. Phần lớn sốt siêu vi (SSV) không nguy hiểm và có thể tự hết trong vòng 3-7 ngày. Trong khi đó sốt xuất huyết là bệnh cũng do virus, cụ thể là virus Dengue gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây nên dịch và biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

2. Đường lây

Muỗi Aedes. Ảnh minh họa.

Cả hai loại sốt này đều có thể lây lan thông qua vết cắn của muỗi trung gian truyền bệnh Aedes mang virus. Tuy nhiên, sốt xuất huyết không lây qua tiếp xúc trực tiếp, trong khi sốt siêu vi có thể lây qua dịch tiết nước bọt, dịch nhầy ở mũi…

3. Triệu chứng

Biểu hiện của sốt xuất huyết (SXH) là sốt cao 39-40 độ C, bệnh kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, khó hạ sốt. Khi bị SXH, người bệnh bị đau nhức hai bên thái dương và sau gáy, đau nhức hai bên hốc mắt. Bên cạnh đó, người bệnh cũng xuất hiện triệu chứng ho khan, rát họng… Ngoài ra, người bệnh cũng xuất hiện triệu chứng ho khan, rát họng.

Ngoài ra, có thể nhận biết bệnh nhân bị SXH bằng việc quan sát hiện tượng xuất huyết dưới da, người bệnh có thể bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, kinh nguyệt sớm hơn bình thường…

Nổi ban da là một triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết mà không có ở sốt siêu vi.

Dễ thấy biểu hiện của sốt siêu vi là sốt theo từng cơn và sốt ở nhiệt độ cao từ 38-39 độ C, thậm chí có lúc là 40-41 độ C. Người bị sốt siêu vi thường chảy nước mũi, hắt hơi, viêm đường hô hấp. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, mắt đỏ, chảy nước mắt…

4. Chăm sóc và phòng ngừa

Ở nước ta, các tỉnh phía Nam là nơi dễ bùng phát dịch bởi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho sự sinh sôi, phát triển của muỗi Aedes. Ở miền Bắc, từ tháng 7 đến tháng 11 là mùa cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi.

Vì hiện tại chưa có vắc xin và thuốc đặc trị cho cả 2 loại bệnh này nên biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là vẫn là tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh bằng cách giảm thiểu các khu vực có nước đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, thường xuyên phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sử dụng lưới chắn muỗi.

Ngoài ra, những người đang ở trong vùng có dịch bệnh, cũng như người hay di chuyển giữa các vùng, phụ nữ mang thai cần lưu ý để tránh bị muỗi đốt: mặc quần áo dài, mắc màn khi ngủ, sử dụng các sản phẩm chống muỗi đặc thù hiệu quả và an toàn.

Đối với bệnh nhân mắc bệnh cần tuân thủ theo chế độ điều trị của bác sĩ, tránh tự ý xử lý như sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, tự truyền dịch bù nước để xảy ra biến chứng khó lường, lây nhiễm chồng chéo. Chú ý uống đủ nước, ăn đồ ăn lỏng, nấu chín mềm, chia nhiều bữa nhỏ. Bên cạnh đó, người bệnh cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh nơi đông người để phòng lây lan thành dịch.

Linh Vy (tổng hợp)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/suc-khoe/phan-biet-chinh-xac-sot-sieu-vi-va-sot-xuat-huyet-giup-nang-cao-hieu-qua-dieu-tri/20170812012457446p1c784.htm