Phân biệt xe tăng T-54B và T-55 của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Xe tăng T-54/55 vẫn là loại xe tăng chiến đấu chủ lực phổ biến nhất của lực lượng Tăng - thiết giáp Việt Nam hiện nay. Dẫu vậy, hai mẫu tăng này có nhiều điểm khác biệt mà không phải ai cũng biết.

Hiện nay, xương sống của lực lượng Tăng - thiết giáp Việt Nam là số lượng lớn các xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 nổi tiếng bên cạnh số ít các xe tăng T-62 và hiện đại nhất là T-90 S/SK mới nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không hề biết được sự khác nhau giữa xe tăng T-54 và T-55 là như thế nào. Ảnh: Xe tăng T-54B mang số hiệu 848 của Quân Giải phóng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Xe tăng T-54 là loại xe tăng chiến đấu chủ lực thuộc thế hệ đầu tiên do Liên Xô phát triển, được nước bạn viện trợ cho ta trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ với nhiều phiên bản khác nhau như T-54 Mode 1949, T-54A và nhiều nhất là T-54B cùng số lượng Type-59 - phiên bản T-54 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Xe tăng T-54B của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Xe tăng T-55 là loại xe tăng nâng cấp cải tiến dựa trên thiết kế của T-54B nhưng có nhiều điểm ưu việt hơn và phù hợp với xu thế chiến tranh mới của Liên Xô. Xe chỉ chính thức được viện trợ từ trong giai đoạn Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979. Ảnh: Xe tăng T-55 trong kho chứa của một đơn vị.

Về đặc điểm nhận dạng, cả T-54B và T-55 đều có vẻ ngoài rất giống nhau khi dùng chung thiết kế với pháo chính D-10T cỡ nòng 100mm có bọng hút khói ở gần đầu nòng pháo, 5 cặp bánh tì chịu lực, kíp lái đều có 4 người bao gồm: Trưởng xe, lái xe, pháo thủ và nạp đạn viên (pháo 2), cũng như đều dùng đại liên 12.7mm DShK cho nhiệm vụ phòng không. Ảnh: Xe tăng T-55 của Việt Nam cơ động trên chiến trường.

Tuy nhiên hai thiết kế này vẫn có nhiều điểm khác biệt mà ta có thể dễ dàng nhận ra bằng mắt thường như sau: Mặt trên giáp trước của xe tăng T-54B có một lỗ dành cho súng máy 7.62mm bắn từ trong xe nhưng đã bị loại bỏ trên T-55, ống thông gió nằm ở trên nóc tháp pháo của T-54B cũng bị lược đi ở thiết kế nâng cấp. Sở dĩ có điều này là bởi T-55 được làm kín nhằm tránh khói bụi phóng xạ có thể lọt vào trong xe trong trường hợp chiến tranh hạt nhân xảy ra. Ảnh: Xe tăng T-54B cơ động trên thao trường.

Ngoài ra, ở phiên bản T-55 của Việt Nam, cửa chớp dành cho nạp đạn viên hay còn gọi là pháo 2 nằm ở bên phải tháp pháo được làm hình vỏ sò, khác với cửa hình tròn trên thiết kế T-54B trước đó. Ảnh: Xe tăng T-55 của Việt Nam vừa phá niêm phong, đưa vào trang bị.

Về tính năng kỹ chiến thuật, đầu tiên phải kể đến đó là việc T-55 bổ sung thêm hệ thống phòng vệ NBC (nuclear-biology-chemical/hạt nhân-sinh học-hóa học) nhằm có thể giúp kíp lái tác chiến trong điều kiện chiến tranh hạt nhân ở thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Ảnh: T-54B Việt Nam khai hỏa trên thao trường

Khoang bên trong thân xe T-55 cũng được thiết kế lại giúp nó có thể mang nhiều đạn pháo hơn, từ 34 viên trên T-54B lên 43 viên. Điều này giúp tăng khả năng chế áp hỏa lực của xe lên một cách đáng kể, ngoài ra việc làm lại khung gầm cũng giúp xe có thể mang theo nhiều nhiên liệu hơn cho hành trình, cũng như hệ thống cung cấp nhiên liệu cho xe cũng có điểm khác so với tiền nhiệm Ảnh: Tiếp đạn pháo 100mm cho xe tăng T-54B

Dù dùng chung pháo 100mm nhưng hệ thống ổn định của T-54B chỉ có 2 trục: Ổn định mặt phẳng và ổn định tầm; ở T-55 được nâng cấp với 3 trục: Ổn định mặt phẳng, ổn định tầm và bổ sung ổn định hướng giúp nâng cao khả năng bắn chính xác mục tiêu của T-55 hơn so với T-54B. Hệ thống kính ngắm pháo thủ của T-55 được bổ sung thêm một hàng thước ngắn cho loại đạn xuyên vượt tốc bắn tốt hơn. Ảnh: Xe tăng T-55 phối hợp cùng bộ binh vượt cửa mở

Nhìn chung, T-55 chính là phiên bản nâng cấp toàn diện của T-54B về nhiều mặt như hệ thống kiểm soát hỏa lực, hệ thống NBC, bố trí lại bên trong khoang xe một cách tối ưu nhất. Là sự kế thừa và phát triển vượt bậc của dòng T-54B huyền thoại. Ảnh: Kiểm tra kỹ thuật xe tăng T-54B

Video Xe tăng T-54B Việt Nam dùng trong huấn luyện đua tăng - Nguồn: QPVN

Hùng Dũng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/phan-biet-xe-tang-t-54b-va-t-55-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-1448684.html