Phân bổ, lồng ghép các nguồn lực hợp lý cho mục tiêu giảm nghèo bền vững

Sáng 30-9, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 18, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục họp, lấy ý kiến về Kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Báo cáo kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện Nghị quyết 76, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ lộ trình thực hiện; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, theo đó đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Đặc biệt, các mục tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm. Ước tính đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu được giao.

Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 76, các đại biểu cho rằng báo cáo đã nêu được nhiều vấn đề. Trong đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá cao sự phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương, được thể hiện rõ nét trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Đồng thời đại biểu cũng đưa ra ý kiến cần nâng cao trách nhiệm người của đứng đầu trong thực hiện các chương trình chính sách; nghiên cứu cân đối các nguồn lực; tập trung xem xét các trường hợp là hộ gia đình, cá nhân hiện nay vẫn chưa có giấy tờ tùy thân hay các giấy tờ chứng minh liên quan để hỗ trợ…

Quang cảnh phiên họp sáng 30-9.

Theo nhiều đại biểu, các chính sách giảm nghèo tuy đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống. Bên cạnh đó, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là các khu vực miền núi, vùng hay bị thiên tai…

Phó trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, điều quan trọng nhất để đạt được mục tiêu đề ra là việc phân bổ, lồng ghép nguồn lực cần thực sự hợp lý và có sự phối hợp, trách nhiệm cao của các địa phương. Trong đó, nên xem xét việc có thể tách các hộ không có khả năng giảm nghèo thành nhóm riêng để đồng thời thu hút các nguồn lực xã hội hóa, giảm gánh nặng cho ngân sách. Ngoài ra, trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi cũng phải nghiên cứu về mức trợ cấp cho người cao tuổi nghèo và người cao tuổi sống trong gia đình khá giả sao cho hợp lý.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ xem xét bổ sung để đưa vào bản tổng kết Nghị quyết 76. Trên cơ sở đó, tập trung hoàn thành các tiêu chí để trình Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn 2021-2030.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời ghi nhận các ý kiến của thành viên Ủy ban. Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh đề nghị: Bộ LĐ-TB&XH sau khi ghi nhận và tiếp thu các ý kiến xem xét bổ sung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đại biểu tiếp tục quan tâm, cho ý kiến để đóng góp trong kỳ họp tới của Quốc hội.

Trong ngày 30-9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục họp, lấy ý kiến về Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020.

Tin, ảnh: LÊ HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/phan-bo-long-ghep-cac-nguon-luc-hop-ly-cho-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung-636494