Phân bón Bình Điền giảm hơn 80% lợi nhuận trong quý 4/2022

CTCP Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán BFC) công bố ước tính lợi nhuận quý 4/2022 lao dốc và tiếp tục đặt kế hoạch giảm mạnh trong năm 2023.

Nhà máy sản xuất của Phân bón Bình Điền.

Nhà máy sản xuất của Phân bón Bình Điền.

Cụ thể, trong quý 4/2022, sản lượng sản xuất của công ty là 115.922 tấn, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng tiêu thụ khoảng 103.796 tấn, giảm 26%. Tổng doanh thu đạt 1.901 tỷ đồng, xấp xỉ so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 25 tỷ đồng, giảm 82%.

Cả năm 2022, BFC đạt tổng doanh thu 8.693 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch, tăng 10% so với 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 236 tỷ đồng, vượt 18% mục tiêu đề ra, giảm 36% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ khoảng 155 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch, giảm 24% so với năm trước.

Năm 2022, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.427,62 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 135,2% kế hoạch doanh thu và 118,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Bước sang năm 2023, Phân bón Bình Điền đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.476,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 6,9% so với ước tính thực hiện trong năm 2022.

Riêng trong quý I/2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.354,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 20,4 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận quý I/2023 sẽ giảm 80,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, công ty thông báo ngày đăng ký cuối cùng để tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 là 18/1/2023. Với tỷ lệ tiền mặt 6%, ước tính BFC sẽ chi khoảng hơn 34,3 tỷ đồng cho đợt chi trả này. Ngày thanh toán là 10/2/2023. Năm 2022, công ty thông qua kế hoạch cổ tức không thấp hơn 15%.

Ngành phân bón trải qua 2 quý đầu năm 2022 với kết quả kinh doanh vượt trội, nhờ giá bán tăng cao. Tuy nhiên từ quý 3, giá phân bón có xu hướng giảm khi chi phí khí đốt và nhu cầu của nông dân đều suy yếu.

Giá ure trong năm 2023 được dự báo quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022. Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021. Tuy nhiên, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng đã làm cho giá khí đốt tại thị trường này hạ nhiệt.

Fitch Ratings dự báo giá khí tự nhiên sẽ vào khoảng 40 USD/MMBTU trong năm 2023, thấp hơn 57% so với mức cao lịch sử là 94 USD/MMBTU ở tháng 8/2022. Đơn vị phân tích cho biết, theo dữ liệu của ICSC, giá khí đốt cao đã khiến 63% công suất sản xuất phân bón và hóa chất trong khu vực này ngừng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp.

Việc giá khí tự nhiên hạ nhiệt đã giúp khôi phục sản xuất các ngành này tại châu Âu. Theo đó, Yara, một trong những nhà sản xuất phân bón và hóa chất lớn nhất thế giới, đã quay trở lại sản xuất amoniac với công suất khoảng 65% vào tháng 11.

Bên cạnh đó, năm 2022, Nga và Trung Quốc đều áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón khiến nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, một số tín hiệu cho thấy hai quốc gia này sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế xuất khẩu của mình.

Nga đã cung cấp một hạn ngạch cao hơn cho xuất khẩu các sản phẩm phân bón trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ. Trong khi, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phân bón vào những tháng cuối của 2022.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phan-bon-binh-dien-giam-hon-80-loi-nhuan-trong-quy-42022-post16670.html