Phân cấp độ để chủ động ứng phó với sự cố, thiên tai, dịch bệnh

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) là phân cấp độ PTDS nhằm xác định mức độ rủi ro để có biện pháp ứng phó hiệu quả, nhất là ứng phó tại chỗ. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương chủ động trước thiên tai, bão lũ, dịch; bệnh hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Tại Điều 21 dự thảo Luật PTDS quy định 4 cấp độ PTDS. Theo đó, cấp độ 1 áp dụng ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, không có khả năng lan sang địa phương khác. Cấp độ 2, áp dụng trên một khu vực nhất định, trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác. Cấp độ 3 áp dụng khi sự cố xảy ra trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có khả năng lan rộng. Cấp độ 4 áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.

Các tiêu chí được đưa ra để đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố và ban hành các cấp độ PTDS gồm:

Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố; đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế-xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng bởi thảm họa, sự cố; diễn biến, khả năng gây thiệt hại và thiệt hại đã có; khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia PTDS.

Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cùng lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ ngư dân tránh bão Noru (tháng 9-2022). Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG

Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cùng lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ ngư dân tránh bão Noru (tháng 9-2022). Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG

Trong bốn tiêu chí trên, ba tiêu chí đầu là tích hợp nội dung của một số luật chuyên ngành. Đây là những tiêu chí mang tính chất khách quan. Dự thảo Luật PTDS đã bổ sung tiêu chí thứ tư "khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia PTDS". Điều này thể hiện năng lực ứng phó của chủ thể (chính quyền, lực lượng chức năng, nhân dân) và trang bị, phương tiện PTDS. Đây là tiêu chí quan trọng, cần thiết để xác định mức độ rủi ro, thiệt hại do thảm họa mà các luật khác chưa quy định.

Cụ thể như, khi thảm họa, sự cố xảy ra trên địa bàn của một xã, căn cứ tiêu chí quy định trong luật, chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện mà xã đó trực thuộc phải kịp thời ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 1 và triển khai các biện pháp ứng phó tương ứng, báo cáo tình hình, diễn biến lên cấp trên để UBND cấp tỉnh chỉ đạo ứng phó và có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Nếu tình huống vượt quá khả năng ứng phó của cấp huyện, có nguy cơ gây thiệt hại và khả năng lan rộng ra địa bàn toàn huyện hoặc sang huyện khác trong phạm vi tỉnh thì chủ tịch UBND cấp tỉnh kịp thời ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 2. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh, thảm họa, sự cố có nguy cơ gây thiệt hại và khả năng lan rộng ra địa bàn toàn tỉnh hoặc một số tỉnh khác thì Thủ tướng Chính phủ ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3, đồng thời áp dụng các biện pháp thích hợp để ứng phó với thảm họa, sự cố.

Bộ đội Hóa học lấy mẫu phân tích đánh giá để tiến hành tiêu tẩy, ứng cứu trong sự cố Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (tháng 8-2019). Ảnh: MINH HƯNG

Từ cấp độ PTDS được quy định rõ ràng sẽ giúp địa phương chủ động trước thiên tai, bão lũ. Đây cũng là cơ sở bước đầu để quy định thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ PTDS như trong dự thảo Luật PTDS. Đối với cấp độ PTDS 1 sẽ do chủ tịch UBND cấp huyện; cấp độ 2 do chủ tịch UBND cấp tỉnh ban bố, bãi bỏ trên địa bàn quản lý. Thủ tướng Chính phủ ban bố, bãi bỏ PTDS cấp độ 3. Cấp độ 4 sẽ căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp.

Việc quy định 4 cấp độ PTDS và giao thẩm quyền ban hành, bãi bỏ cấp độ PTDS cho chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh và Thủ tướng Chính phủ là cần thiết nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tạo sự chủ động, linh hoạt, sát thực tiễn; áp dụng ngay các biện pháp thích hợp ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp thiết, nguồn lực tại chỗ không đủ đáp ứng vẫn có thể điều động lực lượng, phương tiện từ các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành để chi viện.

Cụ thể như vào cuối tháng 8-2019, khi Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông ở địa bàn phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra sự cố với tính chất nguy hiểm, nguy cơ nhiễm độc lan rộng ra các phường lân cận, lực lượng của quận Thanh Xuân kịp thời được huy động khắc phục hậu quả. Ngoài ra, quân đội, công an và TP Hà Nội đã điều động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, giúp công ty và địa phương ngăn chặn, khắc phục hiệu quả sự cố này.

TRẦN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/phan-cap-do-de-chu-dong-ung-pho-voi-su-co-thien-tai-dich-benh-712596