Phân chia thẩm quyền giữa các cấp chính quyền cần rõ ràng, cụ thể hơn

Viện Khoa học tổ chức Nhà nước - Bộ Nội vụ vừa phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS - Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo khoa học 'Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay'.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã đưa ra 6 nguyên tắc về phân định thẩm quyền, trong đó có nguyên tắc vừa bảo đảm tính thống nhất của TƯ, vừa bảo đảm tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, việc phân định thẩm quyền còn đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết. Thời gian qua, có khá nhiều thông tin đã phản ánh về hiện tượng nhiều địa phương tìm cách đẩy công việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất có thể thấy đó là sự phân chia thẩm quyền giữa các cấp chính quyền chưa đủ rõ ràng, mạch lạc.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung phát biểu tại hội thảo.

Một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quy định rõ, vẫn còn một số nhiệm vụ cả cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp huyện, cấp xã cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp trong quản lý… Vì vậy, cần sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu chiều dài của lịch sử Việt Nam hiện đại được chia thành 4 giai đoạn, ứng với 4 thời kỳ: Bắc thuộc, Pháp thuộc, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam và hiện nay thống nhất đất nước. Cả 4 thời kỳ này, chưa bao giờ chính quyền địa phương được quy định là chính quyền tự quản. Tất cả các cấp chính quyền đều là phần nối dài của chính quyền Trung ương. Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được Quốc hội thông qua thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhưng vẫn không thể hiện được tinh thần của nguyên tắc chính quyền địa phương tự quản.

Theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Anh, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã đề cập vấn đề phân quyền nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung chung. Theo các quy định cụ thể về thẩm quyền của từng cấp chính quyền, thì đa số các loại quyền hạn vẫn đang tồn tại dưới dạng thức “chia sẻ” giữa nhiều cấp địa phương, hay giữa địa phương (cấp tỉnh) và Trung ương. Cùng với đó, cơ chế kiểm soát quyền lực Trung ương – địa phương chưa được quy định tương thích với ý tưởng phân quyền.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, khi đã xác định các địa phương có thể thực thi các quyền tự chủ, cần quy định rõ các thẩm quyền của địa phương đó. Đối với địa phương tự quản, luật cần đổi mới cơ chế giám sát hoạt động của địa phương, việc giám sát hành chính của cấp trên nên giảm bớt tối đa.

GĐ Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Nguyễn Viết Trọng đề nghị đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công, đồng thời phân cấp cho chính quyền địa phương được quyết định biên chế, vị trí việc làm công chức, viên chức. Theo ông Tạo, Chính phủ chỉ quy định khung biên chế tối đa theo phân loại đơn vị hành chính (loại đặc biệt, loại I, II, III)... Còn Phó GĐ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thơm đề nghị phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thi nâng ngạch công chức từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự và tương đương; từ ngạch nhân viên, cán sự và tương đương lên ngạch chuyên viên và tương đương, không phải qua khâu thẩm định, phê duyệt của Bộ Nội vụ trước khi thực hiện…

Cần xác định cụ thể hơn những lĩnh vực Trung ương sẽ phân cấp hoặc không phân cấp cho chính quyền địa phương là kiến nghị của Phó GĐ Sở Nội vụ TP HCM – ông Đỗ Văn Đạo. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Trung ương đối với việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện phân cấp quản lý.

Theo ông Đạo, việc phân cấp quản lý giữa chính quyền ở TP trực thuộc Trung ương, TP, thị xã trực thuộc tỉnh không thể giống như phân cấp ở chính quyền huyện thuộc cấp tỉnh, huyện cũng như giữa phường, thị trấn và xã cũng khác nhau. Đồng thời, dù phân cấp quản lý Nhà nước theo hướng nào, mức độ nào thì quyền lực Nhà nước phải thống nhất, tập trung, thông suốt, có sự phân công phối hợp thực hiện giữa quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam cho rằng, phân cấp, phân quyền và tự quản địa phương là xu hướng chung của các quốc gia hiện đại, để các địa phương chủ động, giúp tăng hiệu quả quản lý Nhà nước và các địa phương phát huy được sức sáng tạo và thế mạnh của mình.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phan-chia-tham-quyen-giua-cac-cap-chinh-quyen-can-ro-rang-cu-the-hon-148052.html