Phan Đăng: 'Các bạn trẻ hãy lấy học tập làm niềm vui'

Nhà báo Phan Đăng đã gửi gắm nhiều tâm huyết đến độc giả trẻ trong cuốn sách mới. Anh cho rằng người trẻ cần hiểu về những giá trị của dân tộc trước khi bước ra thế giới.

Sau cuốn sách 39 câu hỏi cho người trẻ, nhà báo Phan Đăng vừa cho ra mắt ấn phẩm thứ hai dành cho bạn đọc ở độ tuổi thanh, thiếu niên mang tên 39 cuộc đối thoại cho người trẻ. Cuốn sách này tập hợp 39 cuộc đối thoại, trò chuyện của nhà báo Phan Đăng với các nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chính trị gia, nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng và các nhà văn.

Qua những cuộc trò chuyện của tác giả Phan Đăng và các nhân vật, nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện đại sẽ được hiện lên một cách cụ thể, đa chiều dưới những góc nhìn khác nhau, nhờ đó độc giả hiểu hơn về đất nước mình. Cuốn sách này là cầu nối giữa bạn đọc trẻ với nhiều nhân vật nổi tiếng, qua đó các bạn trẻ hiểu hơn về quá trình trưởng thành đầy chông gai của họ và thêm vững bước trước những thử thách trong cuộc sống.

Nhà báo Phan Đăng (phải) trong buổi giao lưu ra mắt sách 39 cuộc đối thoại cho người trẻ. Ảnh: K.Đ.

Hãy lấy việc học làm niềm vui

Trong xã hội hiện đại, lứa tuổi thanh, thiếu niên chịu không ít áp lực từ việc học tập. Khối lượng bài vở nhiều, sự kỳ vọng của cha mẹ và thầy cô đã tạo nên một gánh nặng vô hình cho các em. Nó làm cho nhiều bạn trẻ cảm thấy sợ việc học, sợ đến trường.

Qua những cuộc nói chuyện với các trí thức lớn như: GS Toán học Văn Hà, thầy giáo Lê Bá Khánh Trình, hay anh Lương Tuấn Thành Huy chương bạc Olympic Vật lý 2002, nhà báo Phan Đăng muốn chia sẻ với bạn đọc trẻ: hãy coi việc học là niềm vui, học với niềm hứng khởi và sự say mê. Học tập sẽ tạo nên giá trị cho mỗi con người.

Khi nói chuyện với nhiều trí thức trong quá trình thực hiện cuốn sách này, nhiều nhân vật đã chia sẻ với tác giả rằng việc học không chỉ là để thu nhận tri thức. Nhờ học tập, chúng ta hiểu rõ bản thân hơn, biết được cá nhân mình còn thiếu những gì, nhận ra đâu là điểm mạnh, điểm yếu trong con người mình.

Theo Phan Đăng, việc học không chỉ bó hẹp trong những gì các bạn trẻ được học ở trường. Chúng ta có thể học trong đời sống, học ở bất kỳ đâu và tự học qua sách vở.

Anh đánh giá cao vai trò của việc đọc sách. Với tác giả, đọc sách giúp chúng ta học tập ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và tiếp thu kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Muốn biết bản thân mình có thực sự hứng thú với một lĩnh vực nào đó hay không, các bạn có thể tìm đọc những cuốn sách ở lĩnh vực đó để tham khảo.

Khi được hỏi làm cách nào để duy trì thói quen đọc sách và xây dựng tình yêu với sách vở, theo tác giả các bạn trẻ cần kiên trì. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, chúng ta sẽ có những trải nghiệm đọc khác nhau.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhà báo Phan Đăng không thích đọc các tác phẩm văn học kinh điển. Sau đó, anh đã trưởng thành hơn dần tìm thấy sự hào hứng khi thưởng thức những cuốn sách này.

Hiểu dân tộc mình trước khi bước ra thế giới

Trong thời đại toàn cầu hóa và dân chủ hóa như hiện nay, các bạn trẻ có xu hướng muốn “bơi ra biển lớn”, ra nước ngoài để học tập, du lịch và tìm hiểu về văn hóa. Theo nhà báo Phan Đăng trước khi bước ra với thế giới, chúng ta cần hiểu thêm về đất nước mình, để biết và tự hào về những thăng trầm của dân tộc, những khó khăn mà các thế hệ trước đã trải qua.

Với Phan Đăng, lịch sử Việt Nam rất thú vị. Học lịch sử, không chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ sự kiện và các mốc thời gian. Các bạn trẻ hãy học các “hoài nghi” về những gì xảy ra trong quá khứ. Dùng những suy luận của mình để phân tích xem vì sao vào thời điểm đó, sự kiện ấy lại diễn ra.

Sách 39 cuộc đối thoại cho người trẻ. Ảnh: Q.A.

Với tư cách là một người anh, người từng trải, tác giả Phan Đăng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng anh mong người trẻ hãy học cách đối diện với những nỗi đau và thất bại. Hãy coi đau khổ, thất bại và sự chỉ trích của những người xung quanh là những hạt muối. Các bạn không thể bắt đám đông ngừng ném muối vào bản thân mình.

Nếu lòng bạn chỉ là một cốc nước, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ bị những lời chỉ trích kia đánh bại. Thay vào đó, hãy biến lòng mình thành một dòng sông. Khi có một tấm lòng bao dung cùng tư duy cởi mở, con người ta sẽ dễ dàng vượt qua những nỗi đau, chấp nhận thất bại để vững vàng bước tiếp.

Với vai trò là một người cha, nhà báo Phan Đăng cũng muốn nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ hãy trò chuyện và đối thoại với con cái thay vì áp đặt chúng. Trò chuyện, đối thoại luôn là phương pháp tốt nhất để chúng ta hiểu con trẻ muốn gì và cần gì.

39 cuộc đối thoại cho người trẻ không chỉ là cuốn sách dành cho độc giả ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Những cuộc trò chuyện cởi mở đầy tri thức trong cuốn sách này cũng khá phù hợp và hấp dẫn với độc giả trưởng thành. Nhiều vấn đề nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa cũng được các nhân vật chia sẻ thẳng thắn trong cuốn sách.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phan-dang-cac-ban-tre-hay-lay-hoc-tap-lam-niem-vui-post1361263.html