Phan Đăng - giời đày làm báo

Phan Đăng có gì đó giống trường hợp Nguyễn Bính, thi sĩ biết rõ số phận mình, 'giời đày làm thơ'.

Theo nghiệm sinh riêng tôi, rút ruột từ việc hành nghề báo đã quá nửa đời người, thì đồng nghiệp trẻ Phan Đăng, có lẽ cũng bị giời đày… làm báo. Bị giời đày làm thơ, theo cách lý giải Nguyễn Bính, thoáng tưởng là trực giác cảm tính, nhẹ bẫng như cười một nụ.

Song, nghĩ cho cùng, lại đựng chứa một nhận thức hữu lý, kiểu tư duy Pháp, chứ không ở cái vẻ ngoài bình dân, được diễn tả tươi rói dân gian, theo tư duy trọng tình kiểu Việt, trong mấy chữ khoái hoạt: giời đày làm thơ.

Tôi chưa thấy thi sĩ Việt nào của phong trào thơ Mới (1932-1945) lại cho mình cái quyền luận giải bằng thơ, vừa thông minh rất Pháp, vừa tình tự rất Việt như thế, về cái phận số thi sĩ giời đày của mình, hàm chứa cả bi kịch, do chính nó đưa đến.

Nhưng, lật trái bi kịch ấy lên, thì thấy ngay cái phần sáng sủa, hồng hào kì diệu của nó. Chính là niềm khoái cảm thần tiên, là sự lên hương hoan lạc, lâng lâng hạnh phúc như lên đồng của… làm thơ, nghiễm nhiên đã thành một thú thương đau đặc trưng thi sĩ, dù Nguyễn Bính từng đau đớn mà phổ cái nỗi niềm ấy vào lời mẹ dặn con gái, “nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Khổ lắm con ơi/ bạc lắm con”…

Đem cái lý cắc cớ của chính Nguyễn Bính về số phận thi sĩ mà chiếu vào nghề báo, thì thấy số phận Phan Đăng, nhà báo trẻ của làng báo Việt thế kỉ 21, có thể cũng bị… giời đày làm báo theo cách riêng của chính thế kỉ này!

Giời đày viết báo về túc cầu Việt

Trong mấy tấm ảnh vui tươi mà Đăng hồn nhiên quăng lên Facebook của mình cuối năm Đinh Dậu, tôi chú ý bức ảnh vợ chụp Đăng đội mũ len che kín đầu hói, áo ấm mùa đông bọc kín người, kính cận, cười ngơ ngác, ngồi duỗi chân mỏi mệt, trong một quán café phố cổ Hà Nội áp Tết Mậu Tuất, với lời bình (coment) hài hước, đại ý: tôi đang quá mệt thế này thì dẫu có Tây Thi đẹp nhất nước Tàu đến bên, cũng đành chào thua!

Thực ra, đấy là tâm trạng rỗng không điển hình của một nhà báo trẻ thời hiện đại đã vắt mình cạn kiệt cho việc làm báo, vốn chả kiêng nể năm tháng ngày đêm, ròng rã trên đường gió bụi, với bài vở, với ghi hình, chụp ảnh, phỏng vấn, đối thoại, với tự mình ngụp lặn đọc, học, bơi mải miết trong biển học mênh mang, và chưa bao giờ thôi thao thức trước thời cuộc luôn nảy sinh vấn đề từ dòng thế sự trôi ào ào xung quanh.

Thêm nữa, Đăng đang vào cao trào nghề báo khi tuổi đã tam thập: 34 tuổi (sinh tại Hà Nội năm 1984). Như thể Đăng đang ngừng một nhịp, để chờ… đổ đầy “nội lực tự sinh”. Tát cạn, rồi đổ đầy, Phan Đăng đang nóng lòng tiến tới phía trước, bằng tâm thế tích cực, xả thân vì nghề báo!

Tôi không biết cách nào giời lại đày được Phan Đăng vào viết báo ở một lĩnh vực vốn nóng sốt nhất của thể thao Việt, là bóng đá. Đăng vừa lăn xả vào “rốn bão” của bóng đá Việt, vừa khôn ngoan tách mình ra xa, theo phương pháp “gián cách” riêng, để quan sát, ghi nhận, đánh giá và suy nghiệm về giới cầu thủ Việt đã hàng chục năm. Và để mặc lòng mình hồn nhiên cuốn theo chiều yêu mến các huấn luyện viên người Việt, và không chỉ người Việt.

Bằng trải nghiệm tự thân, Đăng đã tự tạo lập cái nhìn ngạc nhiên trong trẻo, cái tình thiết tha của nhà báo trẻ, yêu bóng đá Việt như mối tình đầu nghề báo. Chẳng tình cờ, Phan Đăng đặt tên sách đầu tay của mình, xuất bản năm 2016, như một reo vui: Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi.

Đọc sách, tôi thấy mình trôi theo cảm xúc lành mạnh, hồn nhiên của Đăng về các nhân vật Đăng ưa thích và cả chưa ưa thích trong làng bóng đá Việt. Phải công nhận rằng những gì Đăng viết về những nhân vật này trên các bài báo lẻ, khi tập kết thành sách, đã kết đọng cả tấm tình chân thành, hồn hậu và tử tế của Đăng trao gửi bóng đá Việt.

Theo Đăng, bóng đá Việt mặc nhiên phải đá theo lối Việt. Dù muốn dù không, khi nghệ thuật túc cầu từ phương Tây đổ bộ vào Việt Nam, phát triển thành bóng đá Việt, thì phải được Việt hóa theo tinh thần Việt. Vì thế, người Việt yêu bóng đá Việt, với lòng tự hào dân tộc, đã được làng bóng toàn cầu đánh giá là công chúng bóng đá nồng nhiệt nhất… thế giới!

Không ngẫu nhiên, tôi nóng lòng chờ đọc bài viết của Phan Đăng về đội tuyển U.23 Việt Nam, vừa lên ngôi Á quân, trên đấu trường bóng đá châu Á ở Trung Quốc. Bài viết ấy của Đăng, theo yêu mến thiên lệch của tôi, là bài ấn tượng nhất về nhận định chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam.

Dưới sự dẫn dắt tài tình của huấn luyện viên người Hàn quốc Park Hang Seo, U.23 Việt đã đạt được thành tựu cao nhất cho bóng đá Việt, kể từ khởi thủy.

Phan Đăng cười hoan hỉ với tôi trong quán café ở góc phố Hàng Gai, cắt phố Lương Văn Can, xuôi xuống nhà Thủy Tạ Hồ Gươm, ngay sau ngày các cầu thủ áo đỏ Việt Nam từ Trung Quốc chiến thắng trở về Hà Nội trong vòng tay nồng nhiệt của người hâm mộ: “Cô ạ, bài của em không bị cắt một chữ. Sếp tổng chỉ sửa một chữ. Mừng quá! Mai bài sẽ lên Văn nghệ Công an. Tẹo nữa cô về nhà, em sẽ mail cho cô”.

Đầy niềm tự hào về U.23 Việt, Đăng vẫn bình tĩnh, sáng suốt phân tích chiến thắng, đặt tên bài đích đáng: Ba bài học lớn từ hiện tượng U.23 Việt Nam.

Tôi thật thích cách rút “tít” và thiết kế thông báo trong bài báo này của Đăng, khi Đăng rút bài học thứ nhất: Phải sạch hóa bóng đá Việt từ bản thân cầu thủ, bởi hai thế hệ cầu thủ trước U.23, đều “dính lỗi trong những trận thua lạ” và đều bị đặt nghi vấn về sự thua lạ.

Bởi thế, Đăng viết như reo: “Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có một lứa cầu thủ mà niềm tin vào sự trong trẻo sạch sẽ lại lớn đến như thế”. Chính lứa cầu thủ này đã chạm đến giấc mơ tại VCK U.23 châu Á, giấc mơ mà “thế hệ đàn anh của họ (tính từ năm 1995) đã từng mơ nhưng không bao giờ chạm đến”.

Và Phan Đăng cắt nghĩa rất có lý: “thế hệ của Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng, Duy Mạnh… đều lớn lên từ những lò đào tạo bóng đá chuyên nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai hay PVF - luôn đặt tiêu chí số một là: “Phải trở thành người tốt trước khi trở thành cầu thủ tốt”.

Vậy, theo Đăng, U.23 chiến thắng, bởi có tiền đề từ “sự sạch sẽ trong trẻo” của cầu thủ. Do đó, bài học trước nhất Đăng rút ra là “bài học về việc phải “sạch hóa bản thân” - “sạch hóa nền bóng đá”. Quả là một nhận định chắc chắn và sắc sảo!

Bài học thứ hai, càng sâu sắc, khi Phan Đăng đụng đến “lối chơi” của bóng đá Việt hôm nay, cần: Phải tìm ra công thức chiến thắng trước các đội mạnh. Và Đăng khẳng định: HLV Park Hang Seo đã làm được điều này.

Bởi chính ông Park đã “chốt lại đội hình cơ bản cho U.23 là 5-4-1. Đội hình ấy luôn chủ động đổ kín người trên nửa sân nhà mình rồi chờ cơ hội phản công nhanh, mà phản công trong đoạn ngắn, dựa trên kĩ thuật, tốc độ của từng nhóm nhỏ 2-3 người. Công thức này được áp dụng ngay từ đợt ra quân gặp Hàn Quốc đến trận cuối cùng gặp Uzbekistan, cho thấy nó là một công thức không thể hợp lý hơn”.

Từ suy luận chặt chẽ ấy, Đăng đề nghị lối chơi bóng đá phòng ngự - phản công của U.23, phải “trở thành một chiến lược chơi bóng của các đội tuyển Việt Nam trong tương lai”…

Và bài học thứ ba, theo Phan Đăng: Phải luôn duy trì một trạng thái tự tin cao nhất. Thiếu tự tin, thừa mặc cảm, từ lâu đã thành gót chân Asin của cầu thủ Việt, nên “cứ gặp Thái là run, gặp Tây là hoảng”.

Theo Đăng, U.23 được đào tạo bài bản, được thử thách ở các giải bóng đá trẻ quốc tế, và nhất là được ông Park Hang Seo, có nghệ thuật truyền lửa cho cầu thủ, xuất sắc nhất trong các HLV nước ngoài đến Việt Nam, nên đã chế ngự được sự thiếu tự tin này.

Đăng nhấn mạnh: Đây là kết quả của quá trình đầu tư bài bản, tạo chân đế vững cho nền bóng đá Việt, “để đến một lúc nào đó Đội tuyển quốc gia (chứ không chỉ là Đội tuyển U.23), cũng có thể đạt được thành công tương tự, và đây là một thành công bền bỉ, có giá trị lâu dài, chứ không chỉ là “một phút lóe lên rồi chợt tắt”.

Đăng đã nhận xét rất đúng. Trong loạt penalty của các trận bán kết và chung kết, cầu thủ U.23 Việt đã lần lượt và bình tĩnh đá vào lưới đối phương cứ nhẹ như không. Không có sự tự tin cao, không thể có lối đá “như không” ấy! Và tôi đồng thuận cùng Đăng: lối đá ấy, có công thiết kế của đạo diễn - HLV Park Hang Seo!

Cùng HLV Park, và khá đông người hâm mộ Việt, Phan Đăng tận tình khuyên nhủ cầu thủ U23, sau ngất ngây chiến thắng, rằng: đã đến lúc họ “cần phải trở lại mặt đất”,“đừng để thành công hôm nay là thành công sau cuối”.

Viết bài báo thứ 2 như tâm thư, gửi tuyển thủ U23 Việt Nam, Đăng nói lời gan ruột: “Các bạn ạ, chiến thắng bằng đôi chân của mình đã là điều gian khó, mà giữ được đôi chân ấy trên mặt đất lại là điều khó khăn hơn nhiều. Tôi nghĩ, những người trẻ hôm nay, hoặc từng là người trẻ như tôi, khi nhìn vào những đôi chân chính trực ấy sẽ có thêm rất nhiều động lực để sống, để tin vào cái đẹp và hi vọng”…

Như thế, thiết tưởng Phan Đăng phải cám ơn giời đày mình vào nghề viết báo về bóng đá và thành danh, được đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến. Nhưng ông giời oái oăm, tiếp tục chơi khó Phan Đăng, đày Đăng vào loại hình báo chí khác hẳn báo viết. Và có lẽ, chính Đăng cũng muốn thử sức và làm mới mình trong loại hình mới mẻ ấy: truyền hình!

Phan Đăng bị giời đày làm… MC truyền hình

Và cái khó nhất là thay MC Lại Văn Sâm, làm MC chương trình “Ai là triệu phú” - chương trình truyền hình nổi tiếng, đã hấp dẫn công chúng hơn chục năm qua, nhờ cái format “tậu” từ nước ngoài, đã được Việt hóa bởi tài dẫn dắt lành nghề của nhà báo Lại Văn Sâm, đã được công chúng Việt đặc biệt yêu thích.

Tôi chợt hài hước nghĩ, Phan Đăng đã bị/được giời đày… bán mình cho chữ và thành danh. Giờ đây, bị giời đày… bán mặt cho hình, đối mặt với thách thức mới thật ghê gớm, tưởng khó mà vượt qua.

Nhưng Phan Đăng là nhà báo bản lĩnh, sẵn lòng chấp nhận giời đày, và chấp nhận đến thích thú cả cái sự run rẩy xúc động của chính mình, khi trải nghiệm tình thế mới của nghề báo.

Và hàng chục chương trình “Ai là triệu phú” đã được phát sóng trên VTV3 vào 20 giờ 30 phút mỗi tối thứ 3, từ đầu năm 2018, với MC mới toanh là nhà báo trẻ Phan Đăng. Tôi nghĩ VTV thật có mắt xanh khi chọn Phan Đăng, chứ không phải ai khác, vào vị trí MC của chương trình “Ai là triệu phú”, và được sự tán đồng của chính chủ sáng tạo format chương trình, là người nước ngoài.

Rõ ra là nhà báo Phan Đăng thích hợp và thích ứng nhanh với vai trò MC của chương trình “Ai là triệu phú”, từ cái vẻ bề ngoài đầy tự tin, với ánh nhìn thông minh, thẳng thắn, nụ cười hóm hỉnh dễ mến, rất ăn hình, chiếm ngay thiện cảm của người chơi, nhất là các nữ nhân vật trẻ, ngồi ghế nóng, đối diện với MC Phan Đăng.

Sau vẻ ngoài ăn hình ấy, chính là bề dày trải nghiệm đời sống, sự chắc chắn của nền tảng kiến thức do Đăng tạo lập cho mình, và độ chín muồi của nghề báo... mới là điều hấp dẫn, phát sáng từ nội tâm bên trong, như một giá trị mới và riêng của Phan Đăng MC, đã cung hiến cho chương trình này.

Và đây cũng chính là dấu ấn riêng của MC Phan Đăng, in đậm trong chương trình “Ai là triệu phú”. Tôi tin là MC Lại Văn Sâm rất mừng vì sự mới mẻ, khác lạ của Phan Đăng trong chính chương trình ghi dấu ấn của mình, đã 13 năm. Về trường hợp này, dân gian Việt nói chắc: “Con hơn cha là nhà có phúc!”...

Nguyễn Thị Minh Thái

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/14cuthang__-phan-dang-gioi-day-lam-bao-480252/