Phấn đấu cho một môi trường sản xuất sạch hơn

Là một trong những đơn vị sản xuất phân bón Supe lân và NPK lớn nhất Việt Nam (khoảng 1,6 triệu tấn/năm).

Trạm xử lý nước thải sinh hoạt của công ty CôngThương - Ban đầu từ một nhà máy do Liên Xô cũ giúp xây dựng cách đây gần tròn nửa thế kỷ, những gì còn lại đã quá cũ, lạc hậu, công ty phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường như nước thải, chất thải rắn, khí thải và bụi thải công nghiệp. Ông Quách Đình Diệu - giám đốc công ty cho biết, những năm gần đây, công ty đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác khắc phục môi trường và đạt được kết quả hết sức khả quan: Về nước thải: từ năm 2008, Công ty đã triển khai Dự án xử lý và tuần hoàn nước thải với tổng kinh phí đầu tư 47 tỷ đồng gồm ba hạng mục: nước thải sinh hoạt; nước làm mát các dây chuyền sản xuất axít; nước sản xuất supe lân. Đến tháng 3/2009, hai hạng mục này đã đi vào vận hành ổn định, toàn bộ lượng nước của hai hệ thống khoảng gần 1.900m3/h đã được tuần hoàn tái sử dụng toàn bộ, không còn thải ra môi trường nữa. Hiện tại chỉ còn hạng mục thứ 3 là trạm xử lý nước thải của 2 dây chuyền sản xuất Supe chưa được hoàn thiện, do tính chất phức tạp của nguồn nước này. Ông Diệu cũng cho biết, lượng nước thải của 2 dây chuyền sản xuất Supe khoảng 30-40m3/giờ, lưu lượng này không phải là lớn. Công ty đã và đang tạm thời áp dụng phương pháp xử lý truyền thống theo thiết kế của Liên Xô là dùng sữa vôi để trung hòa đạt pH theo quy định, sau đó lắng cặn trước khi thải nước ra môi trường. Hiện công ty đang gấp rút cùng nhà thầu sớm đưa ra phương án xử lý phù hợp, nhằm hoàn thiện hạng mục nước thải của 2 dây chuyền sản xuất Supe với mục tiêu một vài năm tới sẽ xử lý triệt để nguồn nước thải này. Với chất thải rắn là xỉ pyrite có thành phần chủ yếu là Fe2O3, FeO thì từ tháng 6/2003 đã chấm dứt không còn thải nữa. Bãi chứa xỉ được xây dựng theo thiết kế ngay từ khi xây dựng nhà máy, trước đó là một đầm nước sâu 10-12m. Từ nhiều năm trước, công ty đã bán một lượng khá lớn xỉ này cho các đơn vị dùng làm phụ gia xi măng. Những năm gần đây, để tránh khi trời mưa gió làm xỉ tràn ra ngoài, công ty đã xây bờ bao để cô lập bãi xỉ với bên ngoài, vét toàn bộ số xỉ gần khu vực bờ bao (trong phạm vi 50m) để lấp đất trồng cây, ngăn cách không cho xỉ tiếp xúc trực tiếp với bờ ao. Mặt khác, công ty đã ký hợp đồng với công ty cổ phần chế biến khoáng sản Vĩnh Phú để khai thác, xử lý thu hồi quặng sắt và hoàn nguyên đất đai khu vực bãi xỉ, dự kiến sẽ xử lý hết trong năm 2010. Về khí thải và bụi thải công nghiệp, với phương châm phát triển bền vững, ngay từ năm 1998, Công ty đã đầu tư gần 92 tỷ đồng làm cuộc cách mạng chuyển đổi về công nghệ, từ đốt quặng pyrít sang đốt lưu huỳnh nguyên tố hóa lỏng tại dây chuyền Axit số 1. Năm 2003, chuyển đổi nốt cho dây chuyền Axit số 2, chấm dứt chất thải rắn là xỉ pyrit. Tiếp đó, năm 2007, Công ty tiến hành chuyển đổi từ công nghệ tiếp xúc đơn sang tiếp xúc kép cho cả 2 dây chuyền. Còn dây chuyền Axit số 3, Công ty đã sử dụng công nghệ đốt lưu huỳnh lỏng và tiếp xúc kép ngay từ ban đầu. Ngoài hiệu quả là không có xỉ thải, sau khi chuyển đổi, ở cả 2 dây chuyền, hiệu suất chuyển hóa khí SO2 thành SO3 được nâng từ 98,6% lên 99,7%, hàm lượng khí SO2 thải ra môi trường giảm xuống dưới 1.000mg/m3 khí thải, khí SO3 giảm xuống còn 35-50mg/m3 (thấp hơn TCVN cho phép là 1.500mg SO2 và 100mg SO3). Ngoài ra, Công ty đã đầu tư thêm 1 tháp hấp thụ tại dây chuyền Supe số 1, trị giá hơn 500 triệu đồng, để xử lý khí Fluor, làm cho khí thải chứa Fluor giảm từ 100ng/m3 xuống còn 60-65mg/m3. Vấn đề cuối cùng là bụi thải tại xưởng sản xuất Supe, công ty sử dụng công nghệ thu hồi bụi kiểu sủi bọt, do vậy bụi quặng được thu hồi gần như triệt để, mỗi năm thu về được trên 20.000 tấn bột apatit quay lại làm nguyên liệu cho sản xuất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường. Có tận mắt đến thăm các dây chuyền xử lý môi trường của nhà máy mới thấy công ty đã nỗ lực như thế nào để khắc phục công nghệ cũ, lạc hậu từ một nhà máy do Liên Xô cũ giúp xây dựng. Có được như ngày hôm nay phải trải qua các quy trình cải tiến, đầu tư nâng cấp với rất nhiều công sức và tiền của. Ông Diệu cho biết thêm, với một cơ sở công nghiệp lớn như Lâm Thao, lại ra đời trước cả gần nửa thế kỷ, vừa nâng cao năng lực sản xuất, vừa giải quyết đồng bộ các vấn đề về môi trường ngay trong quá trình sản xuất là một bài toán khó, cần có lộ trình và thời gian mà công ty đã và đang giải quyết ổn thỏa. Nguyễn Duyên Trạm xử lý nước thải sinh hoạt của công ty

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/khoa-hoc-cong-nghe/phan-dau-cho-mot-moi-truong-san-xuat-sach-hon/32/0/22978.star