Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản chấm dứt bệnh lao

Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong công tác phòng, chống lao, tuy nhiên vẫn nằm trong nhóm nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới. Để hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống lao tại Việt Nam, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia.

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết một vài nét chính về tình hình phòng, chống lao tại Việt Nam hiện nay?

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong giai đoạn 2015-2020. Chương trình chống lao quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)trong sử dụng các test chẩn đoán mới như geneXpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây, đồng thời chương trình cũng thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedaquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn. Nhờ đó, Việt Nam là một trong những nước đi đầu thế giới về phòng, chống lao vì những chiến lược mới và phù hợp. Thế giới có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam là hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ 9 tháng, tỷ lệ thành công có thể lên tới 85%. Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao do bệnh nhân được phát hiện, điều trị sớm. Hằng năm, cả nước phát hiện và điều trị cho hơn 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi là hơn 90% trường hợp mắc mới.

Điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: NGUYỄN TÙNG

PV: Việt Nam vẫn xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến công tác phòng, chống lao còn gặp khó khăn?

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Nguyên nhân khiến công tác phòng, chống lao vẫn gặp khó khăn là do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng, chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người mắc thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng…

Dù đã được tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhưng nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống bệnh lao vẫn còn hạn chế. Nhiều bệnh nhân từ chối điều trị hoặc bỏ điều trị. Tâm lý e ngại và sự kỳ thị của cộng đồng đã khiến người bệnh còn che giấu hoặc không điều trị đúng cách. Trước đây, ai cũng nghĩ lao là bệnh của người nghèo, nhưng nay thì đó là bệnh của bất kỳ ai nếu chủ quan. Sự chủ quan khiến nhiều người đi khám không kịp thời, khi bệnh đã ở tình trạng rất nặng. Hơn nữa, điều trị lao mất thời gian dài và đòi hỏi tuân thủ đúng phác đồ điều trị, thế nhưng, có những bệnh nhân không kiên trì, không điều trị dứt điểm nên bệnh tái phát, thậm chí chuyển sang giai đoạn lao kháng thuốc.

PV: Ông vừa tham gia cuộc họp về phòng, chống lao của WHO được tổ chức tại Mỹ. Nội dung thống nhất tại cuộc họp có ý nghĩa thế nào trong cuộc chiến chống lao ở Việt Nam?

PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Đó là sự kiện quan trọng về y tế trên phạm vi toàn cầu, đã mang đến cho tôi làn gió mới về tư duy, đó là làm thế nào để cộng đồng chủ động tiếp cận với các dịch vụ phát hiện, điều trị mà chương trình chống lao của chúng đang sẵn có và làm thế nào sự sẵn có ấy được bền vững đến khi chấm dứt được bệnh lao.

Tôi rất ấn tượng trước bài phát biểu của một nghị sĩ Anh. Ông cho rằng, thế giới phải xấu hổ vì để nhiều người chết vì lao, trong khi đã có phương tiện để chẩn đoán, có thuốc để điều trị và chi phí cho việc này không lớn. Còn Tổng thư ký Liên hợp quốc thì cho tôi niềm tin khi ông khẳng định chấm dứt bệnh lao là một việc không thể không làm, mặc dù còn nhiều thách thức và đây là trách nhiệm đa ngành chứ không phải chỉ của ngành y tế. Cá nhân tôi luôn mong rằng chúng ta sẽ thực hiện quyết liệt để đến năm 2030, cơ bản chấm dứt bệnh lao như mục tiêu đã đề ra. Để thực hiện mục tiêu này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DIỆP CHÂU (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/phan-dau-den-nam-2030-co-ban-cham-dut-benh-lao-542922