Phấn đấu đến năm 2050, Long An là một trong các tỉnh Công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh Long An tầm nhìn đến năm 2025 xác định, Long An sẽ là một tỉnh tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có trình độ phát triển tương đương với các địa phương phát triển khá…

Sáng 25/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến Đầu tư tỉnh Long An.

Dự hội nghị có: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới; Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đông đảo doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, công tác lập quy hoạch tỉnh Long An được Đảng bộ, chính quyền tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025.

Qua 2 năm xây dựng quy hoạch, ngày 13/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Long An là địa phương thứ 10 cả nước và là tỉnh đầu tiên khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An Nguyễn Văn Được phát biểu tại hội nghị.

Về mục tiêu đến năm 2030, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Được khẳng định, Long An sẽ là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL; kết nối chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Long An sẽ là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện. Môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Long An sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Long An sẽ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của Long An sẽ theo mô hình “Một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực”. TP Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hai hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang đường Vành đai 3-4: Bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP Hồ Chí Minh; Hành lang phát triển phía Nam: Bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng những nhà đầu tư tại Long An.

Ba vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng đô thị và công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu; vùng đệm sinh thái. Sáu trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4, Trục động lực quốc lộ 50B, Trục động lực song hành quốc lộ 62, Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, Trục động lực quốc lộ N 1, Trục động lực Đức Hòa.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được cam kết luôn "mở rộng cửa" để chào đón và đồng hành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững tại tỉnh Long An.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Long An.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Long An là nơi hội tụ giao thoa của nhiều nền văn hóa, là trung tâm kết nối vùng, là hành lang kinh tế miền Đông và miền Tây, hành lang trục Bắc-Nam, vành đai kinh tế ven biển. Sau 35 năm đổi mới, Long An đã đạt được một số thành quả nhất định, có nhiều chính sách đổi mới. Nhưng Long An cần phải biết biến tiềm lực thành nguồn lực thực sự để phát triển; phải hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức yếu kém đã tồn tại của mình; phải biết phát huy lợi thế là trung tâm hành lang, vành đai kinh tế. Ngoài ra Long An cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý với những tiêu chí đề ra của tỉnh Long An trong tầm nhìn đến năm 2050 và gợi ý thêm một số giải pháp, yêu cầu Long An khẩn trương triển khai đồng bộ quy hoạch của tỉnh gắn kết với quy hoạch vùng ĐBSCL, nhất là các ngành, lĩnh vực tiềm năng lợi thế của tỉnh.

“ Long An phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát và không ban hành các văn bản làm tăng các chi phí cản trở người dân, cản trở sự phát triển và tập trung đầu tư nguồn nhân lực, nâng cao công tác đối ngoại” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

M.Đức-Lâm Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/phan-dau-den-nam-2050-long-an-la-mot-trong-cac-tinh-cong-nghiep-phat-trien-hang-dau-ca-nuoc-i701536/