Phấn đấu xóa hết nhà tạm, dột nát trong tỉnh

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tỉnh Hòa Bình đề ra mục tiêu phấn đấu, quyết tâm xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công có nhu cầu cải thiện nhà ở. Qua đó, tỉnh đã rà soát, lên phương án, huy động nguồn lực sửa nhà, làm nhà kiên cố, giúp các hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tỉnh Hòa Bình đề ra mục tiêu phấn đấu, quyết tâm xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công có nhu cầu cải thiện nhà ở. Qua đó, tỉnh đã rà soát, lên phương án, huy động nguồn lực sửa nhà, làm nhà kiên cố, giúp các hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ xã Mường Chiềng (Đà Bắc) khảo sát nhà tạm, dột nát trên địa bàn để có kế hoạch hỗ trợ xây mới.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, tính đến tháng 3/2024, toàn tỉnh còn 3.969 hộ nghèo có nhà tạm, dột nát cần được hỗ trợ, trong đó nhiều nhất là các huyện: Đà Bắc (1.369 hộ), Lạc Sơn (903 hộ), Kim Bôi (495 hộ), Tân Lạc (441 hộ)… Đa số là những căn lều, nhà tạm xập xệ, nhiều nơi vẫn là nền đất, tường và mái chắp vá bằng những vật liệu không đảm bảo như ván gỗ, bạt, nhựa, cót ép, mái tranh, vách đất… Thực hiện Đề án tại Quyết định số 541/QĐ-UBND, ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo của tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đến tháng 3/2024, toàn tỉnh đã giải ngân nguồn vốn cho 789 hộ, trong đó 463 hộ xây mới, 326 hộ sửa chữa nhà ở với số tiền 25,04 tỷ đồng. Sau khi được hỗ trợ, sửa chữa, nhà ở phải có diện tích sử dụng trên 30 m2, tuổi thọ 20 năm trở lên, đảm bảo tiêu chuẩn "3 cứng” của Bộ Xây dựng.

Thực hiện Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư về việc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư đã thảo luận và thống nhất phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025; trên cơ sở thảo luận, thống nhất với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư phối hợp Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước.

Việc tổ chức Lễ phát động nhằm kêu gọi, vận động các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám BCH T.Ư Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động...

Tỉnh Hòa Bình được T.Ư chọn là nơi tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước. Sự kiện diễn ra vào ngày 13/4 tại huyện Đà Bắc và được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước với thành phần đại biểu tham dự là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn và một số tỉnh, thành phố. Tại buổi lễ diễn ra các hoạt động: Phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát”; kêu gọi ủng hộ; tiếp nhận ủng hộ và trao hỗ trợ xây nhà cho đại diện các hộ khó khăn; tổ chức lễ khởi công xây nhà cho một số hộ khó khăn trên địa bàn huyện Đà Bắc...

Thông qua lễ phát động nhằm kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể, tổ chức hội xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng đồng lòng, chung sức ủng hộ bằng nhiều hình thức như: đóng góp bằng kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu để thực hiện thành công chương trình.

Từ lễ phát động, tỉnh quyết tâm phấn đấu xóa hết 100% nhà tạm, nhà dột nát bằng các nguồn vốn hỗ trợ và nguồn xã hội hóa. Trong đó, tập trung nguồn lực xóa nhà tạm cho các huyện còn khó khăn như: Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn… Các địa phương có thể huy động nguồn xã hội hóa lớn, số nhà tạm chỉ còn vài chục căn như: thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong… thì tự chủ động bố trí kinh phí, sớm hoàn thành việc xóa nhà tạm trên địa bàn.

Tin tưởng sau lễ phát động, phong trào xóa nhà tạm, dột nát được lan tỏa sâu rộng trong các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cả nước để có thêm nhiều căn nhà được xây dựng, sửa chữa, không chỉ bằng xi măng, sắt thép mà còn bằng tinh thần đại đoàn kết, tình nghĩa đồng bào, tình quân dân thắm thiết… Từ đó, tiếp thêm động lực để người dân vững tin vào cuộc sống, tin vào chính sách của Đảng, Nhà nước, yên tâm "an cư, lạc nghiệp”, ổn định đời sống và phấn đấu vươn lên.

Hoàng Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/188339/phan-dau-xoa-het-nha-tam,-dot-nat-tr111ng-tinh.htm