Phản đòn Mỹ quá mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ tự hại mình

Quyết thua đủ với Trump, Erdogan khiến Thổ Nhĩ Kỳ không những thiệt hại từ trừng phạt Mỹ, mà còn mất nhiều cơ hội và lợi ích khai thác được từ Mỹ..

Ngày 15/8, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết nước này đã áp thuế với một số sản phẩm của Mỹ, "nhằm đáp trả những cuộc tấn công có chủ đích của chính quyền Mỹ nhằm vào nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ".

Theo Nghị định của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara quyết định tăng thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Thuế suất đối với các loại trái cây là 20%, gạo lên 50%, thuốc lá và mỹ phẩm thì lên đến 60%.

Đặc biệt, thuế nhập khẩu ô tô Mỹ tăng lên đến 120% và rượu lên đến 140%. Thuế suất cũng được nâng lên với một số hàng hóa khác của Mỹ, nhằm tương xứng với mức thuế nhập khẩu tăng gấp đôi mà Mỹ áp đặt với nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ.

Với vị thế hiện nay, Erdogan quyết thua đủ với Trump là làm thiệt hại cho Thổ Nhĩ Kỳ

Như vậy, Ankara quyết "ăn miếng trả miếng" với Washington, Tổng thống Erdogan quyết "ăn thua" với Tổng thống Trump, đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng xoáy trừng phạt-đáp trả với Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Erdogan-Ankara đã hành động không chuẩn xác trong bối cảnh hiện nay, khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ mất rất nhiều, còn Mỹ mất chẳng bao nhiêu trong cuộc chiến này.

Thứ nhất, xét về tương quan, quy mô nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ quá nhỏ bé so với quy mô nền kinh tế Mỹ, do vậy cơ hội và lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ khai thác được từ Mỹ luôn lớn hơn cơ hội và lợi ích mà Mỹ khai thác được từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngược lại, thiệt hại của kinh tế Mỹ khi có xung đột lợi ích luôn nhỏ hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, Washington ra đòn trừng phạt hay đáp trả luôn dễ dàng và có sức mạnh hơn so với Ankara. Đây là nguyên lý khách quan chứ không phải ý muốn chủ quan.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì quy mô nền kinh tế Mỹ năm 2017 có GDP và PPP là 19.115 tỷ USD, còn quy mô nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 có PPP là 2.082 tỷ USD và GDP là 861 tỷ USD.

Rõ ràng, xét về tiêu chí PPP thì quy mô kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chưa bằng 1/9 quy mô kinh tế Mỹ, còn xét về tiêu chí GDP thì kinh tế quy mô Thổ nhĩ Kỳ còn chưa bằng 1/21 quy mô kinh tế Mỹ.

Thực tế quá chênh lệch này đặt ra yêu cầu với Tổng thống Erdogan là phải cực kỳ thận trọng khi quyết tạo sự ngang bằng cho Ankara trong vòng xoáy trừng phạt - đáp trả với Washington.

Tổng thống Erdogan không thể dựa trên những thiệt hại của Thổ Nhĩ Kỳ bởi trừng phạt của Mỹ rồi đưa ra các biện pháp đáp trả để làm sao cho Mỹ cũng thiệt hại tương xứng, vì khi đó lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ phải đánh đổi rất lớn.

Erdogan nên áp dụng cách Putin đáp trả Trump - tương ứng thay vì tương xứng

Giới phân tích cho rằng, Ankara nên thực hiện theo cách mà Moscow đáp trả trừng phạt Mỹ, đó là tương ứng thay vì tương xứng. Khi Mỹ tăng thuế nhôm, thép của Nga thì Nga cũng tăng thuế nhôm, thép của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nên như vậy.

Dù đáp trả tương ứng sẽ có thể không làm cho Mỹ thiệt hại tương xứng với Thổ Nhĩ Kỳ, song lợi ích mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đánh đổi sẽ ít đi. Nếu muốn tương xứng thì cơ hội và lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ khai thác được từ Mỹ sẽ mất đi rất nhiều.

Thứ hai, tiêu dùng nội địa đóng góp tới 70% cho tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế mới nổi, sản xuất và thương mại đóng góp chính cho tăng trưởng, nên kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị tổn thương hơn kinh tế Mỹ khi có xung đột.

Trong cơ chế thị trường tự do, kinh tế tiêu dùng được nhìn nhận là rào cản vững chắc nhất cho nền kinh tế. Bởi tiêu dùng nội đại đồng hành cùng chất lượng tăng trưởng - chất lượng sống của người dân.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các cuộc khủng khoảng kinh tế, kích cầu nội địa luôn là giải pháp ưu tiên nhất trong chính sách của các chính phủ. Bởi nó vừa giúp tăng trưởng thực chất, vừa hạn chế tới mức thấp nhất tác động từ bên ngoài.

Có thể hiểu nôm na, tiêu dùng nội địa là khách hàng thường xuyên của nhà sản xuất, nên khi gặp trục trặc đối với các khách hàng khác thì nhà sản xuất vẫn có thể tiêu thụ được hàng hóa, hạn chế lượng hàng tồn kho.

Khi đã có một nền kinh tế hàng hóa đang dạng mà chi tiêu hộ gia đình lại đóng góp tới 2/3 tăng trưởng, chính phủ Mỹ sẽ rất dễ dàng thực hiện các biện pháp trừng phạt hay đáp trả các thực thể khác.

Washington chỉ lo ngại khi có xung đột với các thực thực thể khác có quy mô kinh tế tương đương, có cơ cấu nền kinh tế tương đồng và có chất lượng tăng trưởng kinh tế tương tự.

Cơ cấu lại kinh tế là quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó trừng phạt Mỹ

Trong khi kinh tế tiêu dùng hiện chưa có đóng góp lớn tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, đóng góp chính cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là sản xuất và thương mại. Đây là điểm yếu lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong xung đột lợi ích với Mỹ.

Do vậy, Tổng thống Erdogan cần phải tránh tối đa các hành động có thể biến Thổ Nhĩ Kỳ thành thực thể mà Mỹ ưa thích trừng phạt. Song dường như nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã làm ngược lại và Washington đã sẵn sàng đưa sự việc đi xa hơn.

Ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra Nghị định đáp trả quyết liệt trừng phạt của Mỹ theo nguyên tắc tương xứng, Phó Tống thống Mỹ Mike Pence đã có cảnh báo cứng rắn với Ankara.

"Mục sư Andrew Brunson là người vô tội bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. Tổng thống Trump và tôi sẽ tiếp tục có quan điểm cứng rắn cho đến khi mục sư Brunson được trả tự do và trở về với gia đình, bạn bè và nhà thờ ở Mỹ", ông Pence viết trên Twitter cá nhân.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phan-don-my-qua-manh-tho-nhi-ky-tu-hai-minh-3363802/