Phản đòn Trung Quốc: Ông Trump có làm thật?

Theo chuyên gia, lời đã nói ra, ông Trump sẽ làm thật, thậm chí kịch bản tăng thuế lên tới 45% với hàng hóa Trung Quốc có thể được tính đến.

Thế giới đang sôi sục trước những đòn thuế quan trả đũa lẫn nhau của Mỹ và Trung Quốc.

Sau tuyên bố áp thuế trả đũa của Trung Quốc với 75 tỷ USD hàng Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phản đòn khi tuyên bố tăng mức thuế bổ sung với 550 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Động thái của ông Trump vấp phải chỉ trích của nhiều doanh nghiệp nước này, đồng thời nhiều ý kiến cho rằng người tiêu dùng Mỹ chính là người phải chịu thiệt thòi bởi đòn thuế quan này.

Nhận xét nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bị đẩy cao hơn, xảy ra chiến tranh tiền tệ sẽ vô cùng nguy hiểm, bản thân Mỹ cũng phải chịu thiệt hại nặng nề, song PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) tin rằng ông Trump sẽ làm thật bởi lời đã nói ra thì không thể lùi được.

Vị chuyên gia nhắc lại những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt của Tổng thống Trump trên Twitter sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế với 75 tỷ USD hàng Mỹ, thậm chí ông còn thẳng thừng tuyên bố Mỹ không cần Trung Quốc - "sẽ tốt hơn nhiều nếu không có họ". Ông Trump có thể tự tin nếu vẫn được cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ và một số không nhỏ người dân, các nghị sĩ ủng hộ kiềm chế Trung Quốc.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trung Quốc mạnh lên, hung hăng trong không chỉ kinh tế mà cả trong quân sự và công nghệ đang là bài toán hóc búa với thế giới.

Cho nên, dẫu ông Trump đang chịu áp lực lớn trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 và có ý kiến nói rằng thương chiến leo thang ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, làm cho kinh tế Mỹ chịu nhiều thiệt hại sẽ gây bất lợi cho ông Trump trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng thì việc này vẫn mang tác động hai chiều.

Cụ thể, nếu ông Trump đánh thuế, thậm chí lên đến 45% như ông tuyên bố khi ứng cử tổng thống năm 2016 thì điều đó chứng tỏ ông Trump nói là làm và người Mỹ thích một lãnh đạo kiên quyết, nói đi đôi với làm.

Tổng thống Donald Trump đã đưa ra quyết định được xem là "chiến tới cùng" với Trung Quốc

Tổng thống Donald Trump đã đưa ra quyết định được xem là "chiến tới cùng" với Trung Quốc

Rất nhiều người dân Mỹ, kể cả theo đảng Dân chủ hay Cộng hòa, đặc biệt các đại cử tri, những người có tiếng tăm trong hạ viện, thượng viện, dù có thể bất đồng trong nhiều vấn đề nhưng họ lại khá nhất trí trong việc phải kiềm chế Trung Quốc, chỉ có điều phải thực hiện bằng phương cách nào mà thôi.

"Vì thế, ở phương diện nào đó, dẫu ông Trump có thương chiến với Trung Quốc mạnh hơn nữa thì ông vẫn nhận được sự ủng hộ và vẫn có khả năng chiến thắng.

Trước khi Tổng thống Trump ra tay với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ được đánh giá là tốt nhất trong những năm gần đây khi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, tăng trưởng cao nhất, thu nhập người dân tăng lên. Ra đòn với Trung Quốc, Mỹ phải có chi phí bỏ ra và phải chấp nhận điều đó, giống như Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền ra để có thể làm cho nước Mỹ thiệt hại, ông Trump không trúng cử tổng thống được.

Thế nên, kể cả ông Trump có làm thật và kinh tế Mỹ có thể có xáo trộn, thiệt hại nhưng người ủng hộ ông Trump có lẽ không giảm nhiều", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Trước băn khoăn đứng sau đại cử tri là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ mà họ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đòn thuế quan, liệu họ có quay lưng với ông Trump, PGS Thịnh chỉ rõ, các ông lớn của Mỹ có thể kêu ca, phàn nàn ở đâu đó nhưng phàn nàn trực tiếp với Tổng thống Trump về đòn thuế quan chỉ có một người.

Trả lời phỏng vấn ngày 21/8, Tổng thống Donald Trump tiết lộ, CEO Apple Tim Cook là giám đốc điều hành công nghệ duy nhất thực sự gọi điện trực tiếp tới cho ông và cuộc trò chuyện gần đây liên quan đến tác động của thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và ảnh hưởng đối với Apple.

"Phải nhìn thấy một điều: CEO của các tập đoàn lớn cũng phải đắn đo, suy nghĩ, đặt lên bàn cân vấn đề này. Nhiều CEO nghĩ rằng việc làm của ông Trump là vì nước Mỹ, vì doanh nghiệp của họ bởi chính doanh nghiệp Mỹ yêu cầu quyền tiếp cận thị trường phải rộng rãi hơn, thông thoáng hơn và việc xử lý tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc giúp doanh nghiệp Mỹ có lợi thế về KHCN, về sản phẩm và như vậy lợi ích lâu dài của họ tốt hơn nhiều.

Cho nên, các tập đoàn Mỹ có lẽ chấp nhận thiệt thòi bởi thương chiến để đòi lại cái tốt hơn, lâu dài hơn cho hoạt động của mình và như vậy có nghĩa rằng ông Trump thậm chí còn được ủng hộ", ông Thịnh nói.

Nhìn nhận chung về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, một lần nữa vị chuyên gia cho rằng cuộc chiến này có thể sẽ còn dai dẳng. Hai bên có lẽ sẽ vẫn gặp nhau trong tháng 9/2019 nhưng là để thể hiện với thế giới rằng họ muốn có một thỏa thuận thương mại, rằng họ không phải là người phá bĩnh mà có trách nhiệm với thế giới. Còn thực tế, Trung Quốc sẽ tiếp tục câu giờ.

"Trung Quốc có thể không nhập nông sản Mỹ khiến nông dân Mỹ thiệt hại nặng nề và ông Trump phải bỏ tiền ra đền bù cho nông dân. Trung Quốc có thể hạ thấp thuế cho doanh nghiệp các nước khác nhập khẩu vào nhằm đảm bảo cung-cầu trong nước diễn ra bình thường, đồng thời đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường cho hàng hóa Trung Quốc...

Trung Quốc đã làm quen được với thương chiến, nắm được các đường đi nước bước của Mỹ và có các công cụ để khắc phục thiệt hại, tiếp tục tham gia thương chiến. Không thể biết được hai bên còn có những vũ khí gì trong cuộc chiến này, và nó sẽ còn dai dẳng", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/phan-don-trung-quoc-ong-trump-co-lam-that-3386340/