Phản hồi bài báo “Thực trạng các di tích ở TPHCM - Vui một, buồn mười!”: Sẽ có những chuyển biến

Báo SGGP số ra ngày 19-7 có bài “Thực trạng các di tích ở TPHCM – Vui một, buồn mười!”, phản ánh tình trạng nhiều di tích bị xâm hại, chưa phát huy hết giá trị… Trước thực trạng này, đồng chí Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM, đã nhìn nhận như sau:

Từ trước đến nay, TPHCM cũng làm được khá nhiều việc cho trùng tu di tích. Chẳng hạn như trùng tu lăng Lê Văn Duyệt với nguồn vốn 13,7 tỷ đồng và đến quý 3-2009 sẽ hoàn thành; ngày 23-7 sẽ bàn giao đình Nam Chơn vừa mới được trùng tu với kinh phí 1,2 tỷ đồng; rồi các công trình lăng Võ Tánh, lăng Võ Di Nguy… cũng được trùng tu lại. Nếu tính từ đầu năm 2007 đến tháng 6-2009, TPHCM đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để trùng tu di tích. Điều đó cho thấy TPHCM rất quan tâm đến việc bảo tồn các di tích trên địa bàn. Trước đây có một số điều vướng mắc nhưng Bộ VH-TT-DL đã tháo gỡ khá nhiều. Chẳng hạn như việc đưa số địa điểm có điều kiện xếp hạng di tích vào trong danh mục kiểm kê và xin ý kiến UBND TPHCM để có trách nhiệm trong việc quản lý giống như di tích, rất thuận lợi, giữ được di tích sẽ được xếp hạng. Gần đây, các di tích sau khi được xếp hạng thì không bị lấn chiếm như trước đây. Hiện nay, di tích bị lấn chiếm nặng nhất là chùa Gò ở Q11; di tích bị xâm hại là trụ sở Báo Dân Chúng trên đường Lê Thị Hồng Gấm; nơi đại hội thành lập Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội năm 1928 trên đường Lê Lợi; nơi thành lập An Nam Cộng sản Đảng năm 1929 ở đường Nguyễn Trung Trực… Những năm gần đây, chúng ta có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường… nên việc phát hiện, quản lý di tích có tốt hơn. Với di tích chùa Gò, UBND TPHCM đã giao cho UBND Q11 khảo sát, lập dự án và có kế hoạch để đền bù giải tỏa di dời. Đến giờ phút này đã khảo sát được 132 hộ dân, có phân tích hộ nào giải tỏa một phần, hộ nào giải tỏa hết… Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nguồn nhà để giải quyết cho các hộ dân phải giải tỏa. Còn di tích Lò Gốm, Hưng Lợi, Q8, chúng tôi đã làm việc với Q8 khảo sát, khoanh vùng bảo vệ. Riêng căn nhà của cụ Vương Hồng Sển, UBND TPHCM đã tìm được nhà khác để hoán đổi làm chỗ ở cho các con cháu của cụ Vương, rồi lấy địa điểm căn nhà của cụ Vương làm di tích. Tuy nhiên, các con cháu của cụ không chịu, kiện lên tòa án, đòi quyền thừa kế nên phải chờ tòa án giải quyết. Với chùa Giác Viên, UBND TPHCM cũng đã giao UBND Q11 rà soát lại xem có bao nhiêu hộ dân phải di dời. Hiện nay, Sở VH-TT-DL đang xin Cục Di sản và Bộ VH-TT-DL có thể đưa chùa Giác Viên và địa đạo Phú Thọ Hòa vào danh sách xin kinh phí từ nguồn đầu tư phát triển của Bộ VH-TT-DL để tu bổ. * PV: TPHCM có khá nhiều di tích, nhưng vấn đề phát huy giá trị di tích thì hãy còn quá ít… * Đồng chí VŨ KIM ANH: Vấn đề phát huy giá trị di tích, thực ra nhiều nơi làm tốt. Chẳng hạn quần thể di tích ở Q5 (các hội quán…), địa phương này đã chủ động di dời các hộ dân trong hội quán đi nơi khác. Rồi ở quận Tân Phú có CLB những người làm di sản văn hóa; các di tích địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, Hầm chứa vũ khí của biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập ở Q3, Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trên đường 3-2, Q10... cũng đều thu hút khách tham quan * Với di tích Láng Le – Bàu Cò, một địa danh khá nổi tiếng, nhưng lúc nào cũng khóa cổng và Khu dân công hỏa tuyến ở Vĩnh Lộc, nơi 32 dân công tuổi 18 - 20 hy sinh, thì còn quá đơn sơ, không có tư liệu hay người thuyết minh, giới thiệu? * Tôi cũng đã làm việc với huyện Bình Chánh và yêu cầu mở cửa để học sinh có thể dễ dàng đến tham quan di tích, chứ không giao Công ty Dịch vụ công ích quản lý rồi khóa cổng mãi như thế này được. Khi đi thực tế ở lăng Võ Di Nguy, chúng tôi đã gọi điện thoại ngay cho Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận yêu cầu phải mở cửa thường xuyên chứ không thể nào một năm chỉ có mở cửa hai lần để cúng. Trước thực tế này, Sở VH-TT-DL TPHCM đã có văn bản gởi UBND TPHCM kiến nghị thành lập Ban quản lý các di tích cấp quận, huyện do phó chủ tịch UBND quận, huyện làm trưởng ban, để có thể đưa các hoạt động vào làm phong phú thêm di tích, cũng như bảo vệ di tích tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay trong 51 di tích lịch sử thì chỉ có 6 di tích được UBND TPHCM cấp hỗ trợ 650.000 đồng/tháng. Trong văn bản gởi UBND TPHCM, sở cũng đã kiến nghị cấp hỗ trợ hai di tích này 2 suất để người bảo vệ di tích có thể giúp chúng ta giới thiệu về di tích. Đồng thời, để phát huy giá trị của các di tích, ngành văn hóa cùng ngành giáo dục và Thành đoàn cũng đã triển khai giới thiệu rộng rãi các địa điểm di tích. Với ngành văn hóa, lúc nào cũng rộng cửa mời gọi các thầy cô giáo có thể đưa học sinh, sinh viên đến các di tích, các bảo tàng để qua đó giảng dạy lịch sử, giúp cho việc dạy và học lịch sử càng sinh động hơn. * Chúng tôi còn một điều phân vân, đa phần các di tích nằm rải rác nhiều nơi và nhỏ lẻ nên khó phát huy giá trị? * Hiện nay, Sở VH-TT-DL TPHCM cũng đã giao các cán bộ sở lập ra các chuỗi di tích về lịch sử, chuỗi di tích về kiến trúc nghệ thuật, để hướng tới giới thiệu với các công ty du lịch chào mời, đưa vào tour khách tham quan. Điều này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên cũng sẽ mất thêm một thời gian nữa mới thành hiện thực. ĐỖ HẠNH thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/7/197553/