Phân khúc đối tượng nhận trợ cấp an sinh qua tài khoản

Dự kiến từ ngày 1/7/2024, việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản sẽ chính thức triển khai nhân rộng trên toàn quốc.

Bác Phạm Như Phước (76 tuổi) - Thương binh bậc 4 trú tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Vương Yến

Bà Vũ Thị Thanh Hà - Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ LĐTB&XH) cho biết, hiện nay, đối tượng chi trả an sinh xã hội thuộc ngành LĐTB&XH quản lý là: người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813-QĐ/TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ LĐTB&XH đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06 (Bộ Công an) để triển khai tại các địa phương, bao gồm: rà soát, làm sạch thông tin cá nhân; tích cực tuyên truyền để các đối tượng chi trả an sinh xã hội chủ động mở tài khoản thanh toán; hỗ trợ các cụ người cao tuổi, già yếu lập tài khoản thanh toán...

Cũng theo bà Vũ Thị Thanh Hà, phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý.

Được biết sắp tới, Kho bạc Nhà nước thực hiện quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự như theo quy trình chi trả lương. Theo đó, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với CQCA để trao đổi xác thực thông tin chính xác về các đối tượng thụ hưởng để lập bảng thanh toán, sau đó cơ quan LĐTB&XH sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh toán với Kho bạc Nhà nước. Sau khi thực hiện công tác kiểm soát xong thì kho bạc sẽ đưa dữ liệu bảng thanh toán lên cổng trao đổi dữ liệu.

Thiếu tá Đào Đình Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, C06 cho biết, Đề án 06 với vai trò của Bộ Công an cùng với Bộ LĐTB&XH đã tạo lập, đối soát, làm sạch toàn bộ dữ liệu về an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đây chính là điều kiện quan trọng nhất để thực hiện việc chi trả đúng người, đúng đối tượng và không bị gian lận trong quá trình chi trả.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thanh Hà, ngành LĐTB&XH và lực lượng CA gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác chi trả do đối tượng quản lý hơi đặc biệt. Đó là người có công với cách mạng qua nhiều thời kỳ kháng chiến, người cao tuổi, khó thay đổi trong quan điểm khi nhận tiền trợ cấp. Các đối tượng nhận bảo trợ thường không có điều kiện mua điện thoại thông minh. Cùng với đó, các cơ quan đã tiếp nhận đơn từ một số tập thể người có công, các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội kiến nghị cho nhận tiền mặt hoặc thông qua tổ chức dịch vụ chi trả để đến bưu cục nhận. Nhiều người cũng lo lắng về số tiền đóng đáy, phí rút tiền và gửi tiền cho mỗi lần giao dịch khi mở tài khoản ngân hàng.

Để đáp ứng yêu cầu chi trả không dùng tiền mặt, ngành LĐTB&XH cùng lực lượng CA đã đi vận động đến từng gia đình tuy nhiên gặp không ít khó khăn. Đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã có những ưu đãi đối với các đối tượng nhận chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán, như đã có 4 hoặc 5 ngân hàng cam kết hỗ trợ toàn bộ các chi phí tối thiểu đối với mở, duy trì tài khoản thanh toán. Tuy nhiên, tỷ lệ đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản rất nhiều, đặc biệt là những người già yếu, mất khả năng kiểm soát về tinh thần, hoặc người khuyết tật không có vân tay, người chưa được cấp căn cước công dân… Đó là những khó khăn để thực hiện tỷ lệ 100% đối tượng được chi trả qua tài khoản của ngành LĐTB&XH.

Được biết, những nội dung này ngành LĐTB&XH đã báo cáo với tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ họp hàng tháng. Bộ LĐTB&XH vẫn tiếp tục đưa những kiến nghị này vào báo cáo như: phân khúc đối tượng để nhận trợ cấp an sinh qua tài khoản ngân hàng để có những giải pháp xử lý theo từng nhóm đối tượng. Với những đối tượng đủ điều kiện mở tài khoản, đơn vị tiếp tục vận động, tuyên truyền để mở ngay.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phan-khuc-doi-tuong-nhan-tro-cap-an-sinh-qua-tai-khoan-375012.html