Phân loại rác để xử lý hiệu quả

Xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương hiện nay. Phân loại rác ngay từ ban đầu ở mỗi gia đình, cơ quan, trường học... trước khi được đưa đến khu vực thu gom là cách làm cần thiết và khoa học, giúp việc xử lý, tái chế hiệu quả. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa nguồn rác đã phân loại cần có công nghệ xử lý tiên tiến mới tận dụng hết giá trị tạo ra từ rác hiện nay.

Dự án phân loại rác tại nguồn 3R do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ về vốn được triển khai tại 4 phường: Láng Hạ (quận Đống Đa), Nguyễn Du, Phan Chu Trinh (quận Hai Bà Trưng), Thành Công (quận Ba Đình) của TP Hà Nội giai đoạn 2006-2009. Thời gian đầu triển khai, dự án gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cụ thể, hoạt động này dần đi vào nền nếp. Thế nhưng chỉ sau 3 năm, dự án đành phải “đắp chiếu” vì thiếu kinh phí duy trì. Chị Nguyễn Thị Xuân ở phường Thành Công cho biết: "Năm 2009, dự án phân loại rác tại nguồn được triển khai ở phường chúng tôi. Mỗi gia đình đều phân loại rác ra làm hai túi riêng biệt, đến khi có xe rác tới mới mang đi đổ. Nhưng không hiểu vì lý do gì, dự án dừng lại. Thế là người dân chúng tôi lại quay về nếp cũ".

Người dân phân loại rác tại nơi tập kết rác trên phố Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tại TP Hồ Chí Minh, từ cuối tháng 11-2018 bắt đầu thực hiện việc phân loại rác từ nguồn. Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh, việc thu gom rác được thực hiện cách ngày. Rác hữu cơ thu gom vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu và chủ nhật; thứ ba, thứ năm, thứ bảy thu gom rác tái chế và chất thải còn lại. Việc phân loại rác được thực hiện ngay từ mỗi gia đình, công sở, trường học... Quy định này cũng nảy sinh những bất cập khiến dư luận xã hội không đồng tình. Nhiều người dân cho rằng rác sinh hoạt hằng ngày nếu để qua đêm sẽ gây ô nhiễm chính trong ngôi nhà của người dân. Còn ở những nơi tập trung đông người như công sở, trường học thì việc phân loại rác còn khó khăn hơn. Hầu hết mọi người, nhất là các em học sinh vẫn quen vứt tất cả rác vào một thùng mà chưa có ý thức phân loại bỏ vào các thùng như quy định. Như vậy, việc phân loại rác gặp khó khăn ngay từ khâu đầu tiên.

Ở khâu xử lý rác cũng còn nhiều vướng mắc cần có giải pháp xử lý triệt để. Phần lớn rác hiện nay được xử lý bằng cách chôn lấp nên vẫn ảnh hưởng đến môi trường quanh khu vực. GS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, nhận định: "Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác ở nước ta mới đạt 70-80% tổng lượng thải. Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp (quy mô hơn 1ha/bãi), trong đó phần lớn vẫn là những bãi rác chôn lấp thuộc quy mô nhỏ và triển khai ở cấp xã; chỉ có 128 bãi chôn lấp hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ 18,2%. Cả nước có 200 lò đốt rác, công suất dưới 500kg/giờ, nhưng nhiều lò đốt rác thủ công nên gây phát thải không ít chất độc hại vào môi trường không khí.

Như vậy, bài toán đặt ra là phân loại được rác thải nhưng cần phải xử lý hiệu quả nguồn rác phân loại ấy. Hiện nhiều địa phương đã tính toán và hướng đến những giải pháp xử lý rác tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường. TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, các loại chất thải rắn đều được tái chế, xử lý triệt để bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Các dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm của thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ, như: Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) công suất 4.000 tấn/ngày, đêm; nhà máy xử lý rác thải Tả Thanh Oai (Thanh Trì) công suất 2.000-2.500 tấn/ngày, đêm. Tại tỉnh Bình Dương đã hình thành khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát). Tại đây, Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương đã đưa vào tổ hợp phát điện chạy bằng khí biogas thu hồi từ rác thải với công suất 820KW giai đoạn 2...

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, việc xử lý rác thải bằng phương pháp đốt, chôn lấp, hay bất cứ cách nào thì giải pháp phân loại rác từ nguồn vẫn có vị trí quan trọng, tận dụng được nguồn nguyên liệu tái tạo. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc phân loại rác từ nguồn. Khi tất cả người dân hiểu và tự giác thực hiện thì việc phân loại, thu gom và xử lý rác mới thực sự đi vào nền nếp.

Bài và ảnh: HỒNG NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phan-loai-rac-de-xu-ly-hieu-qua-558016