Phân loại, tái chế rác thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Mô hình phân loại rác thải tại chợ Tuy Hòa. Ảnh: MINH DUYÊN

Rác thải là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Từ trước tới nay, các địa phương mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề này nên tiềm ẩn nguy cơ tái ô nhiễm.

Để khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm, các ngành liên quan đã xây dựng quy trình thu gom, phân loại, tái chế rác thải, tạo ra các sản phẩm có ích.

Gom rác chỉ là phần ngọn

Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), phản ánh: Hố rác huyện xây dựng trên địa bàn xã là nơi tập kết rác của bà con trong xã và nhiều xã lân cận. Rác được xử lý bằng cách đốt mỗi tuần/lần. Trong quá trình đốt, khói bụi bay mù mịt khắp nơi. Đặc biệt theo thời gian, rác tích tụ nhiều, thấm vào đất gây mùi hôi thối khó chịu. Mặc dù bãi rác này chỉ là nơi tập kết tạm thời, song trước mắt nó đang ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Cán bộ và nhân dân xã Xuân Quang 2 mong mỏi cấp trên có phương án xử lý hiệu quả để xã giữ vững tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các phong trào thu gom rác thải đã tạo ra hiệu ứng cộng đồng rất lớn. Người dân được tuyên truyền về bảo vệ môi trường và bắt đầu nâng cao ý thức, hình thành thói quen đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Song để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm từ rác thải cần giải pháp chuyên sâu hơn.

Theo Sở TN-MT, cơ sở hạ tầng phục vụ thu gom và xử lý rác thải, chất thải trên địa bàn tỉnh căn bản đã được đầu tư, với 2 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, 1 bãi chứa vật liệu xây dựng tạm thời, 1 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Ngoài ra, tỉnh thực hiện xã hội hóa hoạt động thu gom rác thải thu hút 43 tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt và xây dựng 1 dự án nhà máy xử lý rác thải tại TP Tuy Hòa. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải còn hạn chế nên tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác vẫn xảy ra, bởi vì chưa hình thành được quy trình phân loại, thu gom để xử lý phù hợp.

Thí điểm quy trình xử lý

Mới đây, Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình phân loại rác thải tại chợ Tuy Hòa và xử lý rác thải hữu cơ cho phụ nữ nghèo. Điểm đặc biệt của hai mô hình này là có sự tham gia của các doanh nghiệp cam kết tiêu thụ sản phẩm tái chế từ rác. Ông Lê Văn Viên ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) là công nhân vệ sinh thuộc tổ thu gom rác chợ Tuy Hòa (Trung tâm Cung ứng dịch vụ công ích), cho biết: Nay trước khi thu gom, công nhân còn có nhiệm vụ phân loại chất thải theo 6 dạng đã được hướng dẫn gồm chất hữu cơ dễ phân hủy, nhựa, thủy tinh, giấy, vải và các chất thải khác. Làm vậy mất thời gian hơn một chút nhưng sẽ dễ dàng cho việc tái chế.

Còn theo bà Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học Minh Hồng, mô hình khởi nghiệp cho phụ nữ nghèo bằng các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thành các sản phẩm, nhằm hướng dẫn cho chị em cách tạo ra các sản phẩm sinh học như nước rửa chén, nước lau nhà sinh học bằng công nghệ enzyme, vừa an toàn với sức khỏe con người vừa bảo vệ môi trường. “Sản phẩm chị em làm ra công ty cam kết thu mua toàn bộ với mức giá 3.000 đồng/lít”, bà Hồng nói.

Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Quy trình xử lý rác thải theo phương pháp tái chế sẽ bắt đầu bằng việc phân loại rác thải để biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và tạo ra các sản phẩm tái sử dụng. Sở TN-MT sẽ hỗ trợ tuyên truyền hướng dẫn nhận biết các loại rác thải và phương pháp thu gom an toàn, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị thu mua nguyên liệu và sản phẩm tái chế. Đây sẽ là các mô hình điểm để nhân rộng ra cộng đồng, hướng tới việc phân loại rác thải ngay từ trong gia đình, từ các hộ kinh doanh… Các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng thay đổi cách nhìn, thấy được tiềm năng nguyên liệu từ rác. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được mục tiêu hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường bền vững.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/233060/phan-loai-tai-che-rac-thai-de-giam-thieu-o-nhiem-moi-truong.html