Phân luồng học sinh sau THCS: Giải bài toán ''thừa thầy thiếu thợ''

Những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học trung cấp nghề kết hợp học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) ngày càng tăng. Trung bình, mỗi năm có 25-30% học sinh chọn hướng đi này. Điều đó cho thấy công tác phân luồng học sinh sau THCS ở Đồng Nai đang có hiệu quả.

Học sinh nghề may thời trang Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai trong giờ học thiết kế. Ảnh: Hải Yến

Học sinh nghề may thời trang Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai trong giờ học thiết kế. Ảnh: Hải Yến

Thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS cũng chính là lời giải hay cho bài toán “thừa thầy thiếu thợ”, vốn đang là một vấn đề tồn tại ở Việt Nam hiện nay.

* Học sinh học nghề sau THCS không ngừng tăng

3 năm gần đây, năm nào Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cũng tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu hệ trung cấp nghề. Theo đó, trung bình hằng năm, trường này được UBND tỉnh giao chỉ tiêu khoảng 950 học sinh học nghề nhưng số lượng thực tuyển đều lên đến 1-1,1 ngàn học sinh. Học sinh vào học nghề trung cấp tại trường đều kết hợp học chương trình phổ thông hệ GDTX.

ThS Huỳnh Lê Tấn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Những năm gần đây, xu hướng học sinh chọn học nghề sau phân luồng THCS ngày càng tăng. Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính là do phụ huynh đã quan tâm đến việc học nghề của con em mình. Việc lựa chọn học nghề cũng phù hợp với nhiều đối tượng học sinh: học lực không đủ để vào các trường THPT; do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên muốn tiết kiệm chi phí, thời gian học tập; do nhìn thấy được cơ hội việc làm khi tham gia học nghề… Hiện nay, trường chúng tôi đang có hơn 3 ngàn học sinh học phân luồng như vậy”.

Không chỉ Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, các trường cao đẳng có đào tạo hệ trung cấp phối hợp với dạy văn hóa chương trình GDTX ở Đồng Nai đều rất thuận lợi trong tuyển sinh đối tượng học sinh này. Những năm gần đây, số lượng tuyển sinh đầu vào hệ trung cấp của Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) cũng luôn đạt con số trên dưới 1 ngàn em. Do thuộc Bộ NN-PTNT nên trường tuyển sinh học sinh trên cả nước, nhưng có đến khoảng 90% học sinh là con em của Đồng Nai.

Giống như Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi, Trường cao đẳng Nghề Hòa Bình Xuân Lộc (H.Trảng Bom) cũng tuyển sinh trên cả nước. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của trường này cũng đạt 1-1,1 ngàn học sinh.

Từ năm học 2019-2020, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP.Biên Hòa) bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo 9+4. Với hệ đào tạo này, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ vừa học văn hóa chương trình GDTX vừa học nghề hệ cao đẳng. Theo đó, nhà trường xây dựng các module môn học một cách hợp lý, cả về độ khó của nội dung module lẫn việc phân bổ thời gian học lý thuyết - thực hành, sao cho học sinh có thể vừa học tốt các môn nghề, vừa hoàn thành được chương trình GDTX. Việc Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi thực hiện đào tạo 9+4 cũng góp phần thúc đẩy công tác phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh.

Số lượng tuyển sinh trung cấp sau phân luồng THCS tại Đồng Nai những năm gần đây tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2014, Đồng Nai chỉ tuyển được hơn 4 ngàn học sinh trung cấp thì năm 2016, con số này tăng lên gần 7 ngàn em. Năm 2017 ghi dấu sự tăng vọt trong tuyển sinh trung cấp với gần 11.800 chỉ tiêu; năm 2018 là gần 11.900 chỉ tiêu. Năm 2019, số học sinh trung cấp nghề kết hợp học chương trình GDTX là hơn 12.200 em.

* Nhiều hướng đi “hậu” trung cấp nghề

Không phải tất cả các học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề đều tham gia ngay vào thị trường lao động. Tùy theo năng lực và định hướng của bản thân, gia đình, các em có những lựa chọn khác nhau. Theo đó, nhiều em đi làm ngay để phụ giúp gia đình, một số lại lựa chọn học liên thông lên cao đẳng nghề, số ít còn lại sẽ đi học đại học.

Theo TS Trịnh Thanh Toản, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Hòa Bình Xuân Lộc, sau khi tốt nghiệp trung cấp, có khoảng 20% học sinh của trường học liên thông lên cao đẳng nghề, một số em có học lực khá thì chọn vào đại học, khoảng 50% học sinh của trường ngay sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề sẽ đi làm ngay, trong thời gian đi làm, nhiều em vẫn tiếp tục học lên trình độ cao hơn theo chương trình vừa làm vừa học.

Đặc biệt, tại Trường cao đẳng Nghề Hòa Bình Xuân Lộc, nếu học sinh và gia đình có định hướng đi xuất khẩu lao động, các em sẽ tham gia học tiếng Nhật, tiếng Anh tại trường để chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi ra trường. Thực tế, hằng năm Trường cao đẳng Nghề Hòa Bình Xuân Lộc đều có học sinh đi xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp.

Với những học sinh có lực học khá, giỏi ở bậc THCS mà vẫn quyết định học trung cấp nghề, nhiều em xem tấm bằng nghề là một bước đệm để mình tiến xa hơn nữa. Theo đó, sau khi tốt nghiệp trung cấp, các em sẽ học liên thông lên cao đẳng rồi liên thông tiếp lên đại học. Tổng thời gian học liên thông này là 2,5 năm (cao đẳng 1 năm, đại học 1,5 năm). Như vậy, các em tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc so với con đường học đại học thông thường.

Cùng với đó, học sinh trung cấp khi liên thông lên cao đẳng, đại học thường có kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn vì các em được thực hành nhiều trong quá trình học nghề. Do vậy, cơ hội việc làm và mức thu nhập của đối tượng lao động này cũng khá hơn so với đối tượng sinh viên học đại học theo cách thông thường.

Theo TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành), học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp của trường khi đi làm thường có mức lương thấp nhất là 6 triệu đồng, phổ biến ở mức khoảng 8 triệu đồng, cá biệt có nhiều em mới ra trường đã có được mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng.

ThS Trần Văn Thắng, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi cho hay, tại Đồng Nai, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi và Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) được Tổ chức GIZ (Đức) hỗ trợ thực hiện công cụ lần vết học sinh sau tốt nghiệp. Đến nay, nhà trường đã thực hiện được 3 năm. Kết quả cho thấy, đa số học sinh tốt nghiệp trung cấp của trường đều có việc làm ổn định với mức lương khá.

* Từng bước nâng cao chất lượng dạy văn hóa

Không chỉ thực hiện tốt chức năng dạy nghề, công tác dạy các môn văn hóa chương trình GDTX cũng đang được các trường cao đẳng nghề trên địa bàn Đồng Nai làm rất tốt. Nhờ đó, chất lượng dạy - học chương trình GDTX ở các trường nghề đã không ngừng tăng lên.

Về mặt chuyên môn, giáo viên tại các đơn vị đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học; triển khai nội dung tập huấn về đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học theo chuyên đề...

Song song đó, các trường nghề đã tổ chức thực hiện chương trình GDTX cấp THPT đầy đủ ở các môn học theo quy định, không cắt xén chương trình; các trường xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động giáo dục năm học, triển khai các chuyên đề đã được tập huấn, quản lý chuyên cần của học sinh, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy văn hóa và lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà phù hợp với nhu cầu của người học và yêu cầu của ngành GDTX...

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202010/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-lan-thu-xi-nhiem-ky-2020-2025-phan-luong-hoc-sinh-sau-thcs-giai-bai-toan-thua-thay-thieu-tho-3024487/