Phấn Nụ Hoàng Cung sáng danh nhờ hậu duệ F4

Là hậu duệ đời thứ 4 được truyền thụ bí quyết làm Phấn Nụ Hoàng Cung, nhưng chính Nguyễn Phương Khanh là người đã làm cho danh tiếng hãng mỹ phẩm gia truyền này nổi danh. Dưới triều Nguyễn, nhu...

Là hậu duệ đời thứ 4 được truyền thụ bí quyết làm Phấn Nụ Hoàng Cung, nhưng chính Nguyễn Phương Khanh là người đã làm cho danh tiếng hãng mỹ phẩm gia truyền này nổi danh.

Dưới triều Nguyễn, nhu cầu làm đẹp của các cung tần, mỹ nữ chốn hậu cung là một nhu cầu không thể thiếu. Người thị nữ được giao nhiệm vụ chế biến phấn nụ để phục vụ cho các bậc mẫu nghi chốn cung đình đóng một vai trò khá quan trọng. Năm 1945, khi triều Nguyễn cáo chung, một trong những thị nữ đã mang phương pháp bí truyền này ra bên ngoài làm kế mưu sinh. Bà chính là bà cố của Nguyễn Phương Khanh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Mỹ Phẩm Hoàng Cung. Cô gái cũng chính là thế hệ sau này của hoàng tộc, bởi ông cố nội của Phương Khanh chính là phu quân của công chúa Ngọc Sơn.

Từ bảo bối gia truyền

Nghề làm phấn nụ là nghề gia truyền, vốn chỉ được truyền cho con gái đời tiếp theo. Những người được chọn theo nghiệp phải là người có cái tâm trong sáng, chịu thương chịu khó và có duyên với nghiệp gia đình. Bà cố của Nguyễn Phương Khanh đã truyền nghề lại cho con gái là bà Trần Thị Thiểu. Và bà đã làm nên thương hiệu phấn nụ cung đình nổi tiếng đất cố đô khi đó. Sinh hạ được nhiều con, nhưng bà Thiểu chỉ chọn 2 cô con gái hội đủ các tố chất cần thiết để nối nghiệp gia truyền, đó chính là bà Tùng và bà Phương. Sau này, bà Tùng qua Mỹ định cư, nghề gia truyền đã không được bà lưu giữ. Trong khi vì sự mưu sinh ở đất Sài Gòn, ban đầu bà Phương cũng không nghĩ tới việc sẽ làm phấn nụ. Nhưng một dịp tình cờ, những người bạn Huế xưa của bà vào Sài Gòn và ngỏ ý nhờ bà làm lại loại mỹ phẩm từ thiên nhiên bán cho họ để làm đẹp. Bà Phương đã quyết định quay lại nghề gia truyền.

Phương Khanh không nhớ rõ mẹ đã khởi sự lại nghiệp làm phấn nụ từ khi nào, chỉ biết rằng từ cuối những năm 1980, khi Phương Khanh còn bé tí cô đã chứng kiến mẹ nấu và đem phơi nắng những viên phấn trắng có hình nụ hoa. Những lần phụ giúp mẹ đã gieo vào lòng cô niềm yêu thích và sự gắn bó với nghiệp gia truyền lúc nào không hay.

Ngay từ năm 2007, khi thương mại điện tử vẫn còn là khái niệm xa lạ với nhiều người tiêu dùng và thậm chí cả các chủ doanh nghiệp tại Việt Nam, Phương Khanh khi đó đang là cô sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM đã nghĩ tới việc đưa hàng lên mạng để bán, vừa có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, vừa chẳng tốn tiền mở cửa hàng trưng bày mà lại có tác dụng quảng bá thương hiệu tốt. Năm 2008, nhận thấy việc ký gửi hàng trên một trang web bán hàng trực tuyến mang lại doanh thu tốt, Phương Khanh đã mạnh dạn đầu tư 3.000 USD mở riêng trang web mang tên phannuhoangcung.vn.

Cùng với việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ, Phương Khanh còn mua thêm mấy chục tên miền khác liên quan đến nghề kinh doanh gia truyền để tránh việc phải tốn kém mua lại các tên miền sau đó. Ý thức giữ gìn thương hiệu ngay từ những buổi sơ khai được cô sinh viên đặc biệt quan tâm. Quả đúng như dự đoán, chỉ một thời gian ngắn, việc bán hàng trên mạng cùng với việc bán trực tiếp tại nhà riêng đã mang lại doanh thu vượt bậc cho Phấn Nụ Hoàng Cung.

Đến thương hiệu mỹ phẩm quốc gia

Khi thương hiệu phấn nụ cung đình bắt đầu nổi danh cũng là lúc gia đình Phương Khanh phải đối diện với nạn làm hàng giả, hàng nhái, Cô xác định nếu cứ làm theo phương pháp thủ công và bán hàng nhỏ lẻ, không có phương pháp quản trị và bán hàng chuyên nghiệp, chẳng mấy chốc thương hiệu gia truyền này sẽ bị hàng giả, hàng nhái đánh bật khỏi cuộc chơi. Năm 2012, Phương Khanh đã thành lập công ty, chuẩn hóa quy trình sản xuất và thương mại. Phương Khanh phụ trách chính việc quản lý điều hành doanh nghiệp cũng như công tác mở rộng thị trường. Bà Phương, mẹ Phương Khanh phụ trách chính về khâu sản xuất tại nhà máy đặt tại Huế.

Từ quy mô sản xuất hộ gia đình, đến nay Phấn Nụ Cung Đình đã xây dựng được hệ thống bán hàng rộng rãi, bao gồm cả trên kênh online và offline. Trước đây kênh online bán hàng rất tốt, nhưng với hệ thống 10 showroom bán hàng hiện tại trên toàn quốc (riêng ở TP.HCM có 4 showroom), kênh offline đang mang lại doanh số tốt hơn. Không chia sẻ con số doanh thu cụ thể, nhưng Phương Khanh cho biết, nghề gia truyền này đang mang lại doanh số hàng chục tỷ mỗi năm cho gia đình, với tốc độ tăng trưởng doanh thu lên tới 20-50% mỗi năm.

Không chỉ quan tâm giữ gìn thương hiệu, Phương Khanh còn rất chú trọng đến việc cập nhật những xu hướng tiêu dùng mới, cũng như những quy định mới liên quan đến ngành nghề kinh doanh của mình.

Theo đó, từ ngày tháng 7/2016, các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất mỹ phẩm đều phải đảm bảo tiêu chuẩn CGMP, tức là phải có nhà máy sản xuất đạt chuẩn, có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống lọc, phòng lab đạt chuẩn… “Quy định này có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mỹ phẩm trôi nổi và nạn làm hàng giả, hàng nhái đang tràn lan nên Khanh rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc đầu tư nhà máy sản xuất quy mô với doanh nghiệp Việt không phải dễ để có thể thực hiện ngay được mà cần phải có thời gian chuẩn bị”, Phương Khanh nói và cho biết, cô đã kiến nghị lên bộ chủ quản để gia hạn thêm cho doanh nghiệp có thời gian thích ứng với quy định mới.

Song song đó, Phương Khanh cũng đã lên kế hoạch kêu gọi vốn để có thể xây dựng nhà máy sản xuất đạt chuẩn CGMP vào năm 2017. Cũng trong năm này, khi năng lực sản xuất đã tăng cao, Phương Khanh dự định sẽ xuất hàng đi một số thị trường tiềm năng như Thái Lan, Lào, Campuchia. “Từ trước đó, đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới đặt vấn đề với Phương Khanh về việc hợp tác sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, năng lực sản xuất chưa cho phép do có nhiều công đoạn buộc phải làm thủ công, Phương Khanh cũng muốn mình đứng vững ở thị trường nội địa rồi mới nghĩ tới thị trường xuất khẩu. Nếu phát triển ồ ạt sẽ rất khó kiểm soát được chất lượng”, Phương Khanh cho hay.

Phương Khanh quyết tâm xây dựng bằng được thương hiệu mỹ phẩm quốc gia, có thể cạnh tranh với bất kỳ thương hiệu tên tuổi nào của mỹ phẩm thế giới

Bên cạnh đó, Phương Khanh cho biết, sẽ cho thiết kế lại showroom theo phong cách mỹ nghệ tinh tế và phát triển theo hướng nhượng quyền. Đó không chỉ là nơi bày bán sản phẩm mà còn là địa điểm quảng bá, tái hiện lại nét cung đình Huế xưa. Từ đó có thể nhắm tới đối tượng khách du lịch, mua hàng như một món quà lưu niệm tại Việt Nam. Phương pháp bán hàng này không chỉ giúp Phương Khanh kiểm soát được chất lượng mà còn đảm bảo những bước đi chắc chắn từ việc xây dựng được đội ngũ bán hàng kiêm tư vấn viên chuyên nghiệp cho khách hàng.

Tất cả các nguyên liệu để làm ra mỹ phẩm Phấn Nụ Hoàng Cung đều là các thảo dược từ thiên nhiên, không có bất kỳ một loại hóa chất hay chất bảo quản nào, do đó, việc bào chế ra các dòng sản phẩm mới là điều không dễ, đòi hỏi thời gian nghiên cứu và thử nghiệm lâu dài. Cơ cấu các dòng sản phẩm của Phấn Nụ Hoàng Cung hiện vẫn chưa đa dạng mà mới tập trung ở những dòng sản phẩm cơ bản với khoảng hơn 20 mã hàng. Phương Khanh cho biết, trong năm nay, cô sẽ cho ra thị trường thêm nhiều dòng sản phẩm mới như cream, kem chống nắng hay nước cân bằng dưỡng ẩm… để đáp ứng nhu cầu làm đẹp đa dạng của phái đẹp.

Bên cạnh đó, quá trình sản xuất vẫn còn nhiều công đoạn buộc phải làm thủ công và phụ thuộc vào yếu tố thời tiết nên quá trình sản xuất bị kéo dài và vẫn còn bị động. Trước đây nước sử dụng làm phấn nụ buộc phải làm từ nước mưa, thường là chọn cơn mưa thứ 2, thứ 3 trong mùa mưa… rồi trữ nước đó dùng cho sản xuất cả năm. Tuy nhiên, với mức độ ô nhiễm như hiện tại, việc sử dụng nước mưa đã không còn phù hợp, Phương Khanh đã phải nhập máy lọc nước về để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Còn một khó khăn lớn cô vẫn chưa thể giải quyết được, đó là việc dùng máy móc để thay thế quy trình phơi nắng, phơi sương. Để đảm bảo hạt phấn vẫn mịn, tơi mà không bị vỡ, cần được phơi nắng ở một độ nhất định, nếu dùng máy dễ làm cho cục phấn bị vỡ.

Đây cũng là khó khăn trong việc nâng năng lực sản xuất do vẫn phụ thuộc vào thời tiết và quy trình làm ra sản phẩm kéo dài đến cả tháng. Phương Khanh cho biết, Huế mưa nhiều nên việc sản xuất cũng phải theo mùa. Có thời điểm nhu cầu khách hàng cao, hàng làm không đủ bán do đúng mùa mưa. Tuy nhiên, khi nhà máy CGMP của doanh nghiệp đi vào vận hành sẽ khắc phục được nhược điểm này.

Cho đến nay, Phấn Nụ Hoàng Cung là một trong những thương hiệu mỹ phẩm hiếm hoi của doanh nghiệp Việt còn tồn tại và phát triển tốt. Tuy nhiên, Phương Khanh quyết tâm xây dựng bằng được thương hiệu mỹ phẩm quốc gia, có thể cạnh tranh với bất kỳ thương hiệu tên tuổi nào của mỹ phẩm thế giới.

Mai Khanh

Con đường dẫn tới thành công của Phấn Nụ Hoàng Cung

– Là hậu duệ đời thứ 4 của gia tộc có nghề gia truyền làm Phấn Nụ Hoàng Cung.

– Ngay từ năm 2007, khi thương mại điện tử vẫn còn là khái niệm xa lạ tại Việt Nam, Phương Khanh đã nghĩ tới việc phải đưa hàng lên mạng để bán.

– Năm 2008, đầu tư 3.000 USD mở trang web phannuhoangcung.vn và đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ.

– Năm 2012, thành lập công ty, chuẩn hóa quy trình sản xuất và thương mại để tránh nạn hàng nhái, hàng giả.

– Doanh số hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tốc độ tăng trưởng doanh thu 20-50%/năm.

Doanh Nhân

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/phan-nu-hoang-cung-sang-danh-nho-hau-due-f4/