Phán quyết Biển Đông: Cơ sở giải quyết tranh chấp mà không cần Trung Quốc công nhận

Các quan chức và chuyên gia cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông 5 năm trước vẫn là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Phán quyết mà Tòa trọng tài đưa ra ngày 12/7/2016 mang tính chung thẩm. Philippines kiên quyết bác bỏ các nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này.

Trước thềm kỷ niệm 5 năm Tòa ra phán quyết, ngày 25/6 vừa qua, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tuyên bố: “Đây là dịp để nhìn lại quá khứ, đánh dấu thành tựu của hiện tại, nhìn về tương lai và tìm cách làm việc cùng nhau vì lợi ích chung, vì không thể đạt được lợi thế nhỏ nào nếu vi phạm nó”.

Chiến thắng và sự uy nghiêm

Năm năm trước, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về luật Biển (UNCLOS) ra phán quyết rằng, không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc yêu cầu các quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên, vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định, trong các vùng biển nằm ở cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra.

Trung Quốc đơn phương đưa ra cái gọi là 'đường 9 đoạn' nhằm độc chiếm Biển Đông

Trung Quốc đơn phương đưa ra cái gọi là 'đường 9 đoạn' nhằm độc chiếm Biển Đông

Năm thẩm phán của Tòa trọng tài tại The Hague kết luận, Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để đòi các quyền lịch sử đối với phần lớn Biển Đông; yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là vô hiệu.

Tòa cũng kết luận, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quy mô lớn đã gây ra tác hại nghiêm trọng đến rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ của nước này trong việc bảo tồn môi trường biển dễ bị tổn thương. “Tòa không nghi ngờ gì rằng, các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và lâu dài cho môi trường biển”, phán quyết nêu rõ.

Nhận thấy tàu chấp pháp của Trung Quốc liên tục áp sát các tàu của Philippines với tốc độ cao và tìm cách vượt lên phía trước ở khoảng cách gần, gây ra nguy cơ va chạm nghiêm trọng và nguy hiểm cho tàu của Philippines, Tòa cũng kết luận rằng, Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ của mình theo quy định UNCLOS liên quan Quy định quốc tế về ngăn ngừa va chạm trên biển và điều 94 của Công ước về an toàn hàng hải.

Ngày 23/9/2020, lần đầu tiên, Tổng thống Rodrigo Duterte nêu chiến thắng pháp lý của Philippines trước Trung Quốc tại Đại hội đồng LHQ.

“Philippines khẳng định cam kết đó ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Phán quyết giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài tầm với của các chính phủ nhằm giảm bớt hoặc từ bỏ.

Chúng tôi kiên quyết từ chối các nỗ lực phá hoại phán quyết. Chúng tôi hoan nghênh ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết và điều đó đại diện cho chiến thắng của lý trí trước sự hấp tấp; của luật pháp trước sự rối loạn; của thân thiện trước tham vọng. Điều này, như nó phải thế, là sự uy nghiêm của luật pháp”, ông Duterte phát biểu.

Cột mốc trong các văn kiện luật quốc tế

Trong tuyên bố đưa ra ngày 25/6 vừa qua, Ngoại trưởng Locsin nhắc lại phát biểu mạnh mẽ của Tổng thống Duterte, nêu bật nội dung chính và ý nghĩa của phán quyết.

“Phán quyết đã giải quyết dứt điểm về tình trạng, địa vị của các quyền lịch sử và các thực thể ở Biển Đông. Theo phán quyết, không có hiệu lực pháp lý đối với những yêu sách vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các thực thể theo UNCLOS… Phán quyết đã phá tan đường 9 đoạn cùng những thứ khác… Vì vậy, phán quyết của Tòa trọng tài đã trở thành và tiếp tục là một cột mốc trong văn kiện luật quốc tế”, ông nhấn mạnh.

Lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines quan sát tàu Trung Quốc tại một bãi cạn ở Biển Đông. Ảnh: Aseanreports

Theo ông, phán quyết cũng dành cho các quốc gia khác có vấn đề biển đảo, hàng hải như của Philippines, và loại xung đột khỏi cách thức giải quyết vấn đề vì việc chiếm đoạt bằng vũ lực không dẫn đến bất kỳ lợi ích nào về luật pháp.

“Tóm lại, phán quyết cung cấp cho các quốc gia ven biển bản hướng dẫn về vùng biển mà các thực thể của họ, đảo hoặc đá, có thể tạo ra, nơi ngư dân của họ có thể đánh cá, nơi họ có thể thực hiện các cuộc tuần tra thực thi pháp luật, có thể điều tàu tới mà không cần sự cho phép của quốc gia gần nhất, mà không tạo ra nguyên nhân hoặc sự biện minh cho hành động chiến tranh. Phán quyết mang lại lợi ích cho toàn thế giới”, Ngoại trưởng Philippines khẳng định.

Theo ông Locsin, hiện tại mà Philippines cần và tương lai mà đất nước ông cũng như các nước khác mong muốn là một Biển Đông hòa bình.

“Miễn là các quốc gia tuân thủ pháp quyền chứ không tuân theo sức mạnh quân sự, phán quyết là sao Bắc Đẩu giúp chúng ta đi đúng hướng trong hiện tại, dẫn chúng ta trở lại đúng hướng trong tương lai nếu chúng ta, trong một khoảnh khắc yếu đuối hoặc không hành động, bị lạc lối”, ông nhận định.

Trung Quốc gây nguy hiểm cho hòa bình ở Biển Đông

Chuyên gia James Borton tại Trung tâm Stimson (Mỹ) cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đầu tiên về Biển Đông mang lại cơ hội cho các bước đi được đo lường hướng tới hòa bình và an ninh.

“ASEAN có năng lực thể chế chưa mạnh trong việc giải quyết đồng thời các vấn đề chính trị và môi trường phức tạp, nhưng thế giới, bao gồm LHQ và Mỹ, đang theo dõi chặt chẽ cách thức luật pháp quốc tế và việc áp dụng luật pháp quốc tế đối với các yêu sách khác nhau có thể dẫn đến một con đường hòa bình và hợp pháp ở phía trước”, ông nói.

Ngày 25/4/2021, Liên minh châu Âu (EU) nhận định, Trung Quốc gây nguy hiểm cho hòa bình ở Biển Đông và kêu gọi nước này cùng các bên liên quan tuân thủ phán quyết của Tòa năm 2016.

Phán quyết đã bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và Bắc Kinh từ chối tuân thủ. Người phát ngôn EU nói: “Căng thẳng trên Biển Đông, bao gồm sự hiện diện gần đây của các tàu lớn Trung Quốc tại đá Ba Đầu, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Ngày 5/5, hội nghị Ngoại trưởng G7 ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông.

“Chúng tôi nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực cũng như trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự quân sự hóa, ép buộc và đe dọa trong khu vực.

Chúng tôi nhấn mạnh tính chất phổ quát và thống nhất của UNCLOS và tái khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên đại dương và các vùng biển. Chúng tôi coi phán quyết ngày 12/7/2016 do Tòa trọng tài thành lập theo UNCLOS đưa ra là một dấu mốc quan trọng và là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”, thông cáo viết.

Ngày 13/6, các nhà lãnh đạo G7 cũng ra thông cáo chung, trong đó có đoạn: “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao trùm và dựa trên pháp quyền… Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng”.

Thái An (Theo Aseanreports)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/phan-quyet-bien-dong-co-so-giai-quyet-tranh-chap-khong-can-trung-quoc-cong-nhan-754983.html