Phan Sào Nam tin tưởng khi là đối tác của CNC

Tiếp tục phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ, chiều 17-11, Hội đồng xét xử đã xét hỏi Phan Sào Nam, sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty VTC online. Nam bị Viện Kiểm sát truy tố về tội 'Tổ chức đánh bạc' và 'Rửa tiền'.

Phan Sào Nam trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Phan Sào Nam trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.

NDĐT – Tiếp tục phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ, chiều 17-11, Hội đồng xét xử đã xét hỏi Phan Sào Nam, sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty VTC online. Nam bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”.

Trước câu hỏi của Hội đồng xét xử, Phan Sào Nam khai, cuối năm 2014, Hoàng Thành Trung, sinh năm 1978, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội làm Giám đốc Công ty Nam Việt đã chủ động gặp Phan Sào Nam bàn về việc có phần mềm và đội ngũ kỹ thuật giỏi, có thể triển khai phát triển, kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài, nhưng cần đối tác phát hành.

Nam đồng ý và nói còn phải tìm đối tác phát hành vì loại hình game này phải được Bộ Thông tin truyền thông cấp phép và duyệt nội dung, kịch bản. Trung đề nghị Nam nếu được thì tìm pháp nhân cho Trung xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc trực tuyến vì Trung còn đang làm trong Công ty VTC intercom.

Đầu năm 2015, Phan Sào Nam gặp Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV, người đại diện theo pháp luật của Công ty CNC. Tại thời điểm đó, Công ty CNC có trụ sở tại căn nhà 5 tầng số 10 Hồ Giám, quận Đống Đa, TP Hà Nội (nhà thuê của Tổng cục Cảnh sát).

Qua giới thiệu, Nam biết Công ty CNC là công ty bình phong của Cục phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Tổng cục Cảnh sát có chức năng làm nghiệp vụ và trinh sát ngoại tuyến, nên đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài.

Sau khi nghiên cứu dự án, Nguyễn Văn Dương đồng ý, thống nhất nội dung hợp tác với Phan Sào Nam và các bên thực hiện ký kết hợp đồng số 010/ HĐKT/CNC-VTCO ngày 15-8-2015. Trong đó, Công ty Nam Việt có nhiệm vụ cung cấp bản quyền cho VTC online và VTC online sẽ cung cấp bản quyền cho CNC để vận hành, phát hành các game RikVip và Tib.Clb.

Biết rõ game bài này bắt buộc phải có giấy phép thì mới được hoạt động, Dương nói đây là công ty bình phong của C50 nên việc xin giấy phép hoạt động không phải là vấn đề khó. Kể cả trong quá trình hoạt động, game bài RikVip đã bị PC50 Công an Hà Nội và Thanh tra Bộ TT và TT kiểm tra, xong đều được Dương thu xếp ổn thỏa khiến Nam rất yên tâm triển khai hoạt động đánh bạc trên mạng.

Theo đó, giai đoạn đầu từ tháng 4-2105 đến tháng 8-2016 (giai đoạn RikVip), Nam khai, CNC làm tốt việc cổng thanh toán, xử lý kỹ thuật, ký hỗ trợ thuật như tên miền, tổng đài chăm sóc khách hàng, tin nhắn SMS. Trong giai đoạn này, doanh thu từ đánh bạc trực tuyến đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn Tib.Club (tháng 8-2016), Nam khai, Nguyễn Văn Dương có trao đổi, CNC là công ty bình phong của C50 nên phát hành game đánh bạc hơi nhạy cảm và không dùng pháp nhân của CNC để phát hành hành game đánh bạc nữa. Do đó, Dương đã sử dụng một số công ty khác tiếp tục phát hành game bài Tib.Club. Trong đó, mọi công việc vẫn thực hiện theo hợp đồng số 010 ngày 15-4-2015. Trong giai đoạn thực hiện game Tib.Club, doanh thu đạt khoảng 9.500 tỷ đồng.

Trong cả hai giai đoạn này, Phan Sào Nam được hưởng lợi hơn 1.475 tỷ đồng. Số tiền này Nam thành lập một số công ty phát triển phần mềm, đầu tư vào bất động sản và chuyển cho người thân, bạn bè cất giữ. Sau khi đầu thú, Nam đã nộp lại cho cơ quan điều tra hơn 1.337 tỷ đồng.

* Cách ly Nguyễn Văn Dương, thẩm vấn Lưu Thị Hồng

NGỌC LONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/38276102-phan-sao-nam-tin-tuong-khi-la-doi-tac-cua-cnc.html