Phan Thị Bích Hằng 20 năm công tội

Gần cuối tháng 10.2013, VTV1 tung ra đoạn băng nói về sự giả dối của một số nhà ngoại cảm. Trong đoạn băng theo thể loại điều tra với giọng đọc, dẫn chương trình, có mặt tại một số cuộc điều tra của Thu Uyên đã nhắc đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.

Dường như một câu trong này đã “đánh đổ” hình ảnh nhà ngoại cảm bậc nhất này. Cùng báo điện tử Một Thế Giới nhìn lại 20 năm công tội của “nhà ngoại cảm trứ danh” này.

Công lớn

Theo báo điện tử Infonet của Bộ TTTT ngày 24.10, báo đầu tiên nêu tên Phan Thị Bích Hằng là tờ CAND; vào mùa hè năm 1990, Bích Hằng và một người bạn cùng bị một con chó dại cắn, bạn gái của cô sau đó đã chết. Hằng được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, song tất cả đều bất lực. Một thầy lang đã chữa cho cô bằng bài thuốc của ông, sau một đợt lên cơn dại Hằng tỉnh lại và khỏi bệnh. Sau đó, khi đã khỏe mạnh hẳn, Phan Thị Bích Hằng đã dần dần phát hiện năng lực được cho là kỳ lạ của mình.

Một trong những trường hợp được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất là việc Bích Hằng đã tìm mộ cô em gái của giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Loạt bài dài kỳ này được giới thiệu trên báo Công an nhân dân vào năm 2007. Em gái của giáo sư Phương tên là Vũ Thị Kính (SN 1929), chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân nổi tiếng một thời. Tháng 6/.950, trong trận càn quét, địch đã bắt được bà. Sau khi tra tấn dã man, chúng đã ra tay giết hại nữ du kích quả cảm này.

Nhờ năng lực ngoại cảm của mình, Phan Thị Bích Hằng đã thông qua một tấm ảnh của bà Kính để “trò chuyện” từ đó hỏi thông tin về phần mộ của bà. Phan Thị Bích Hằng đã giúp gia đình giáo sư Phương tìm lại phần mộ của cô em gái sau hàng chục năm trời gia đình đi tìm mà không có kết quả. Ngoài ra, Phan Thị Bích Hằng cũng được biết đến qua việc tìm mộ tướng công Hoàng Công Chất. Tháng 3.2007, trên tờ An ninh thế giới đăng bài “Tìm những linh hồn ở K’Nác” nhắc đến thành công của Bích Hằng trong việc ngoại cảm tìm thấy 400 thi thể liệt sĩ ở cánh rừng K”Nác, huyện K”Bang, tỉnh Gia Lai.

20 năm với thần giao cách cảm của mình, Phan Thị Bích Hằng được nói là tìm ra mộ của hàng ngàn liệt sĩ. Các gia đình xúc động, thờ tự chu đáo với vong linh nhập vào nói chuyện qua Phan Thị Bích Hằng.

Ngày 25.10 tờ Đời sống pháp luật online dẫn trích đoạn trên BBC: “Giám đốc Trung tâm thuộc Hội khoa học thông tin và viễn thông ứng dụng (Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA)), ông Vũ Thế Khanh cho hay: Đây là những người có khả năng thần giao cách cảm. Một số nghe được tiếng nói từ cõi khác, một số ngửi được mùi người chết. Theo ông”có người sinh ra đã có khả năng thần bí, có người lại có sau khi gặp một tai nạn gây chấn động tâm lý mạnh.” Cũng theo ý kiến của vị giám đốc này thì cả Việt Nam có tới chừng 100 người tự nhận là có khả năng thần giao cách cảm nhưng con số nổi tiếng nhất là khoảng 10 người. Bà Phan Thị Bích Hằng ở miền Bắc được coi là một người như thế. Và theo báo Công an Nhân dân thì cô Hằng được cán bộ nhà nước cao cấp mời để tìm xác những người lính Việt Nam hy sinh từ trong kháng chiến chống Pháp…”.

20 năm qua, có khoảng 2000 bài báo, tin ảnh viết về sự tìm kiếm không mệt mỏi của Phan Thị Bích Hằng. Và bà được đánh giá là người rất đặc biệt. Niềm tin của nhiều gia đình liệt sĩ tin thần giao cách cảm của bà là rất lớn.

Theo cách của VTV

Theo quan điểm của VTV trên chương trình “Trở về ký ức” số 22 do nhà báo Thu Uyên dẫn chương trình thì: “rất nhiều thân nhân, gia đình của các liệt sĩ đã nhận nhầm xương động vật thành xương của người đã khuất.

Theo cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) thì trong một vụ giả mạo xương các liệt sĩ thì gần như 100% các mẫu xương tìm theo lời của nhà ngoại cảm mang đến giám định đều cho kết quả sai. 2-5% số xương mang đến không phải xương người. Với các trường hợp do thân nhân tự mang đến xét nghiệm cũng cho các kết quả sai khá cao. Đáng chú ý là vụ giám định phát hiện xương động vật được coi là xương liệt sĩ đau xót nhất diễn ra vào tháng 9 năm 2009. Liệt sĩ Phùng Chí Kiên, một bậc tiền bối, Ủy viên trung ương đảng năm 1935, người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm tướng. Đồng chí hy sinh năm 1941, bị Pháp tra tấn và chặt đầu treo để thị uy. Năm 1990, phần thân thể của tướng Kiên đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ, còn phần thủ cấp, Bộ Quốc phòng và gia đình đã nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chỉ giúp. Sau giám định, thứ mà bà Hằng nói là hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên là mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật”.

Những chú giải của VTV cho biết, các điều tra để cho ra số 22 này được thực hiện trong 2 năm trời.

Từ điển mở Wikipedia cho biết, Phan Thị Bích Hằng sinh ngày 15/2/1972, ở Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình. Bích Hằng đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Từ năm 1999 đến nay Bích Hằng công tác tại Trường ĐH Quản trị Kinh doanh Hà Nội. Phan Thị Bích Hằng cũng là một trong những cán bộ của bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Có nền tảng là một gia đình gia giáo, cuộc đời của cô thiếu nữ Phan Thị Bích Hằng sẽ êm ả trôi đi nếu như không có một biến cố lớn khiến người phụ nữ này đã trở nên nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.

Dư luận nói cần khách quan hơn

Gần đây nhất, trong một lần chia sẻ với báo giới về “hiện tượng nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, Thiếu tướng – Tiến sĩ – nhà văn Nguyễn Chu Phác – Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý, thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) có chia sẻ: “Tôi từng có thời gian cộng tác với cô Hằng khi còn làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người và biết cô ấy khi cô còn là học sinh lớp 9. Cô Hằng là người tốt, trải qua quá trình khảo cứu của tôi, nhận thấy cũng có khả năng ngoại cảm. Những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi cũng đã có nhiều lần hợp tác đi tìm hài cốt liệt sĩ và có một số kết quả”. (Tri Thức Trẻ ngày 25.10.2010).

Trên báo điện từ Đời sống pháp luật ngày 25.10 dẫn lời tạp chí Đông Nam Á cho rằng: “Trong suốt 20 năm qua, việc bà Hằng “hành nghề”, “nổi như cồn” như vậy, nếu có làm sai chẳng lẽ cơ quan chức năng không biết. Cả nghìn mộ liệt sĩ được bà tìm ra đều không chính xác? Rất nhiều người lên tiếng bênh vực bà Hằng, trong đó không ít là những người từng được bà tìm giúp phần mộ người thân bị thất lạc. Ngược lại, nhiều người lại bất ngờ và hoang mang trước thông tin này. Một chương trình của VTV chẳng lẽ đưa tin sai? Họ còn lên tiếng cảnh tỉnh những người “ngu muội” khi tin vào những chuyện “thiếu khoa học”.

Tri Thức Trẻ cũng có bài ngày 25.10 trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam). “Thông tin đưa ra như vậy chưa thể kết luận ai sai ai đúng, đúng sai đến đâu và như thế nào. Không nên vội vàng đánh giá mà phủ nhận toàn bộ khả năng của người khác, ảnh hưởng đến cả quá trình của người ta. Có đúng có sai, chỉ mang tính tương đối”.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, việc VTV đưa tin như vậy sẽ làm mất uy tín đến trung tâm, uy tín của các nhà ngoại cảm và đánh mất niềm tin của người dân đối với khả năng các nhà ngoại cảm, các trường hợp đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.

“Từ quan sát thực tế, người thật việc thật, có rất nhiều trường hợp chính xác, được gia đình công nhận, có giám định, công nhận bên Pháp y quân đội. Thậm chí có nhiều trường hợp không cần xác nhận gen ADN nhưng gia đình thấy rất đúng”, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người khẳng định.

Cũng theo bà Tuyết Mai, bên trung tâm đăng ký đề tài với hiệp hội và khi làm xong đều có nghiệm thu kết quả thành công bao nhiêu, như thế nào…Đây là phương pháp khoa học, làm được thì nhận, không làm được thì nói đúng sự thực chứ không nên tự nhận. Còn về con số tỷ lệ đánh giá các nhà ngoại cảm ở trung tâm về khả năng thành công tìm được hài cốt liệt sỹ, bà Tuyết Mai cho hay, trung tâm chưa tiến hành đánh giá chính xác bao nhiêu phần trăm.

“Chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức hội thảo để đánh giá khách quan, có giấy trắng mực đen rõ ràng, được bao nhiêu, không được bao nhiêu… chứ không tự nhận là đúng hết. Phải có đề tài nghiên cứu để đánh giá, chứ hiện nay có rất nhiều người tự nhận mình là nhà ngoại cảm làm việc không chính đáng, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Vấn đề đang phức tạp, nhiều năm gần đây có nhiều nhà ngoại cảm “dởm” thiếu trung thực, “thả nổi”. Rất khó khăn để quản lý, hơn 20 năm nay chúng tôi muốn làm việc đó nhưng chưa được. Mình phải có biện pháp để giúp các nhà khoa học thẩm định”

Cũng Tri Thức Trẻ ngày 25.10 dẫn lời Tổng giám đốc UIA Vũ Thế Khanh cho rằng, những phát ngôn trên VTV nói về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng như vậy là vội vàng, thể hiện sự vô trách nhiệm…

Cùng ngày, tờ Tiền Phong online dẫn lời bà Phan Thị Bích Hằng rằng: “Trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ” do Trung tâm trắc nghiệm tư vấn và bồi dưỡng, thuộc Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người tổ chức hồi giữa tháng 7 vừa qua, bà Hằng cùng các học giả, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, ngoại cảm đã có dịp để thảo luận những trăn trở trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, cũng như giải đáp những thắc mắc của người dân về thế giới tâm linh.

Dưới đây là những chia sẻ sâu sắc của bà Hằng tại buổi sinh hoạt: “Có một trường hợp khiến tôi rất ngạc nhiên là của liệt sĩ Nguyễn Hoài Nam, quê ở Vĩnh Phúc. Khi tôi đi cùng với con gái của liệt sĩ tìm mộ, dưới sự chỉ dẫn của liệt sĩ Nguyễn Văn Lãm, chúng tôi bới lên từ một bãi rác khổng lồ, tìm thấy rất nhiều hài cốt liệt sĩ.

Khi vào đến nơi, chúng tôi vô cùng vui mừng đánh dấu phần mộ và đợi ngày đẹp mang về quê hương. Tuy nhiên, khi mang về, mở tiểu ra thì con gái của liệt sĩ vô cùng thất vọng thấy trong tiểu chỉ có một mảnh vải trắng, một ít đất”.

Đến năm 2010, tôi đã tìm được câu trả lời. Tôi vào lại Buôn Mê Thuột trong một lễ cầu siêu tìm mộ liệt sĩ. Tình cờ trong đoàn quân liệt sĩ trở về ở lễ cầu siêu, tôi đã gặp lại liệt sĩ Lãm. Bác nói với tôi rằng: “Bác không giải thích với cháu, không giải thích với con gái bác, lý do bởi bác phải ở đây, với binh đoàn Tây Nguyên.

“Quân không có tướng như hổ không có đầu”, bác mà về quê hương thì đoàn quân này ai sẽ lãnh đạo đây? Và, bây giờ bác là Nguyễn Ngọc Lam chứ không phải là Nguyễn Văn Lãm nữa, hãy nhắn tin cho gia đình bác như vậy!”.

Quả thực, khi tôi quay ngược trở về hỏi lại người thân của liệt sĩ, họ trả lời đúng là ngày xưa bác ấy mang tên Lãm, khi đi bộ đội bác ấy làm hồ sơ, giấy tờ là Nguyễn Ngọc Lam. Có nghĩa rằng, bác giờ là người con của Tổ quốc chứ không phải là cậu bé Lãm ngày xưa nữa.

Trên VOV ngày 5.12.2012 đã kể câu chuyện xúc động việc tìm kiếm hơn 4000 hài cốt liệt sĩ có sự tham gia của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng rất nhiều người ủng hộ.

Quốc Nam (tổng hợp). Ảnh TL

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/xa-hoi/phan-thi-bich-hang-20-nam-cong-toi/