'Phần thưởng' bất ngờ cho ông Biden sau chuyến công du châu Á

Thành tích vượt ngoài mong đợi của đảng Dân chủ trong bầu cử giữa kỳ đã tạo đà cho ông Biden, biến chuyến công du nước ngoài nhiều ngày của ông thành 'bữa tiệc' mừng chiến thắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.

Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, chuyến công du quốc tế diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử giữa kỳ từng được coi là một "lối thoát", cho phép ông tạm lánh khỏi kết quả được dự đoán là thất bại nặng nề.

Nhưng sau khi kết quả đã ngã ngũ, chuyến công du nước ngoài nhiều ngày lại trở thành "tiệc mừng chiến thắng" của vị tổng thống. Ông Biden đã dành cả chuyến công du từ Ai Cập, Campuchia đến Indonesia để gọi điện chúc mừng các thành viên đảng Dân chủ đạt kết quả tốt hơn mong đợi.

AP nhận định điều này giúp ông tự tin khi tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, nơi ông thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn trước biến đổi khí hậu, thắt chặt quan hệ kinh tế với châu Á và lên tiếng về chiến sự Ukraine.

Sau khi đối mặt với những ngờ vực cả trong và ngoài nước, lập luận của ông Biden về việc “Nước Mỹ đã trở lại” dường như vững chắc hơn bao giờ hết.

“Vào thời điểm quan trọng này, không có quốc gia nào có vị thế tốt hơn Mỹ trong việc hỗ trợ xây dựng tương lai mà chúng ta mong muốn”, ông nói.

Bước đi đúng đắn của Nhà Trắng

Giữa lúc ông Donald Trump tuyên bố chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống vào tối 15/11, ông Biden đang có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của tổng thống.

Ông Biden bị phân tâm bởi việc một tên lửa rơi xuống Ba Lan khi G20 đang diễn ra. Tổng thống đã bị các trợ lý đánh thức vào lúc nửa đêm, họp khẩn với các đồng minh trong phòng tiệc của khách sạn nơi ông đang ở.

Tổng thống Mỹ nói ít khả năng tên lửa rơi xuống Ba Lan được bắn từ Nga và cam kết tìm chính xác điều gì đã xảy ra, theo Reuters.

Các quan chức Ba Lan và NATO sau đó cho rằng vụ việc dường như là sự cố và có thể do lực lượng phòng không Ukraine bắn tên lửa đánh chặn tên lửa của Nga. Mỹ đồng tình với quan điểm này.

Daniel Fried - cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan - cho biết ông Biden đã có bước đi đúng đắn khi đối mặt với tình huống nguy hiểm: Thể hiện tình đoàn kết với Ba Lan, nhưng không vội vàng đưa ra kết luận.

Ông Biden nâng cuốc trong sự kiện trồng cây tại Bali hôm 16/11, bên cạnh là thủ tướng Australia (trái) và thủ tướng Ấn Độ. Ảnh: AP.

Đối với Nhà Trắng, đây là cơ hội để ông Biden thể hiện tâm thế vững vàng trên trường quốc tế trong chuyến đi này.

“Ông Joe Biden không chỉ nói về việc nước Mỹ dẫn đầu thế giới, mà còn xây dựng lại vai trò lãnh đạo của nước Mỹ. Trong tuần qua, người dân Mỹ đã chứng kiến điều này”, Anita Dunn - cố vấn cấp cao của tổng thống - cho biết.

Tuy nhiên, tâm điểm trong chuyến thăm Indonesia của ông Biden không phải hội nghị thượng đỉnh, mà là cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi tổng thống Mỹ nhậm chức.

Mặc dù không có bước đột phá mang tính bước ngoặt nào, vẫn có những dấu hiệu cho thấy hai cường quốc hàng đầu có thể làm việc cùng nhau vì lợi ích chung của thế giới. Trong đó, theo New York Times, ông Tập và ông Biden đã nhất trí tái khởi động quá trình đàm phán về chống biến đổi khí hậu giữa 2 quốc gia.

Andrew Yeo - nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Viện Brookings - cho biết khi đến Indonesia, ông Biden được trao quyền nhiều hơn và thể hiện năng lực chính trị.

Đầu năm nay, có nhiều đồn đoán về chính sách chính trị của Mỹ khi ông Trump để ngỏ khả năng tái tranh cử Nhà Trắng. Ông Yeo cho rằng điều này khiến các nước châu Á thắc mắc về sự ổn định trong quan hệ với Mỹ.

Tuy nhiên hiện tại, mối lo đã giảm bớt. “Đảng Dân chủ nằm trong thế mạnh hơn và họ có thể tự tin hơn một chút”, ông nhận định.

"Nếu muốn, ông ấy sẽ làm"

Trước khi đến Indonesia, ông Biden đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Campuchia như một cách thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực. Ông cũng gặp các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Điểm dừng chân ngắn nhất trong chuyến đi của ông Biden là ở Ai Cập. Tổng thống chỉ dành 3 giờ đồng hồ tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có lẽ đây là nơi thể hiện vị thế của tổng thống Mỹ nhiều nhất.

Tại COP26 ở Scotland năm ngoái, chương trình nghị sự về môi trường của ông Biden bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ. Lần này, ông nhắc tới đạo luật mới mà ông vừa ký, trong đó đầu tư vào các sáng kiến năng lượng sạch.

Chuyến công du nước ngoài thành cơ hội cho ông Biden thể hiện vị thế của nước Mỹ và chính bản thân ông. Ảnh: AP.

Sau đợt bầu cử giữa kỳ, Nhà Trắng đã chuẩn bị cho thời điểm chính phủ bị chia rẽ. Ông Dunn cho biết ông Biden sẵn sàng làm việc với đảng Cộng hòa, nhưng “câu hỏi chính là liệu họ có sẵn sàng làm việc với tổng thống vì người dân, hay chỉ sử dụng 2 năm tới nhằm trả đũa chính trị”.

Giờ đây, vị tổng thống chuẩn bị bước sang tuổi 80 cần quyết định có nên tranh cử nhiệm kỳ 2 hay không. Ông Biden nói mình có ý định làm vậy, nhưng vẫn sẽ bàn bạc với gia đình và đưa ra quyết định vào đầu năm tới.

Theo thăm dò do AP-NORC thực hiện trước bầu cử giữa kỳ, cứ 10 thành viên đảng Dân chủ thì chỉ 5 người muốn ông Biden tái tranh cử.

Cedric Richmond, cố vấn cấp cao của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, cho biết bầu cử giữa kỳ đã thể hiện sức mạnh chính trị của ông Biden, đồng thời xác nhận thành tích giúp tổng thống có nền tảng vững cho nhiệm kỳ tới.

Jeffrey Engel - Giám đốc sáng lập Trung tâm Lịch sử Tổng thống tại Đại học Southern Methodist - cho biết nếu ông Biden muốn tái tranh cử, sẽ rất khó để đưa ra lý do từ chối ý định này.

“Cuối cùng thì việc tổng thống nhận được lời khuyên nào không quan trọng. Nếu ông ấy muốn, ông ấy sẽ làm”, vị chuyên gia nhận định.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phan-thuong-bat-ngo-cho-ong-biden-sau-chuyen-cong-du-chau-a-post1376516.html