Phân tích cổ phiếu tăng trưởng nhất Việt Nam

Những người giàu nhất thế giới cũng như ở Việt Nam đều là những nhà đầu tư thông minh, sở hữu nhiều cổ phiếu (CP) tăng trưởng nhất.Những người giàu nhất thế giới cũng như ở Việt Nam đều là những nhà đầu tư thông minh, sở hữu nhiều cổ phiếu (CP) tăng trưởng nhất.

Những người giàu nhất thế giới cũng như ở Việt Nam đều là những nhà đầu tư thông minh, sở hữu nhiều cổ phiếu (CP) tăng trưởng nhất. Theo CNBC nếu bạn đầu tư 1.000$ vào CP Microsoft khi IPO năm 1986 thì sau 20 năm bạn có 100.000$, tăng 100 lần, và sau 32 năm đến 2018, bạn có 1,6 triệu $, tăng hơn 1.600 lần. Nghe tăng khủng khiếp đến khó tin như vậy, nhưng giá của Microsoft có tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) chỉ 26%/năm. Trên TTCK Việt Nam, nếu bạn đầu tư 100 triệu đồng vào TV2 10 năm trước đến ngày 9/2/2011 bạn đã có 5,94 tỷ đông, tăng 59,4 lần (=1.505^10) hay CAGR giá 50,5%/năm, cao gấp 1,94 lần so với Microsoft.

Trong năm âm lịch 2020, nếu bạn đầu tư CP trên HOSE, tỷ lệ lãi bình quân là 22.14% cao gấp 3,7 lần so với gửi tiết kiệm 6%/năm. Nếu bạn đầu tư vào thời điểm đáy của thị trường ngày 24.3.2020 thì đến nay bạn có lãi 69%. Nếu bạn đầu tư vào TTCK Việt Nam 5 năm gần đây lãi trung bình là 15.5%/năm cao gấp 2,6 lần so với gửi tiết kiệm.

Công việc quan trọng nhất của nhà đầu tư khôn ngoan là tìm được các CP mà chúng có khả năng sinh lợi cao nhất trong kỳ đầu tư. CP đầu tư tốt nhất là CP đang được thị trường định giá thấp hơn so với giá trị thực hay giá trị nội tại (intrinsic value) của nó. Nếu một CP bị định giá thấp, giá của nó cuối cùng sẽ được tăng lên để phản ánh giá trị cơ bản thật của nó khi các thông tin đúng có sẵn trên thị trường. Trong thời kỳ điều chỉnh giá, nó được xem là cổ phiếu tăng trưởng (Growth Stocks, GS). GS là một cổ phiếu có tỷ lệ lãi cao hơn các cổ phiếu khác trên thị trường với cùng các đặc tính rủi ro. GS của tương lai có thể là bất cứ CP nào mà chúng đang bị thị trường định giá thấp. Để giảm thiểu rủi ro, trong bài viết này chúng tôi đi tìm và phân tích CP tăng trưởng nhất VN trong trung và dài hạn.

Giá cổ phiếu biến động từng giây, theo cung cầu, tâm lý nhà đầu tư, nhưng về cơ bản và dài hạn là xoay quanh giá trị nội tại của nó. Sự tăng giá cổ phiếu phụ thuộc chính vào tăng trưởng kép (CAGR) của (1) Lãi mỗi cổ phiếu (EPS) và 2) Rủi ro (Risk). Khi rủi ro và các yếu tố khác không đổi, CAGR giá CP phụ thuộc chính vào CAGR EPS. Bởi vậy tỷ suất P/E (Giá/Lãi mỗi cổ phiếu) là tỷ suất phổ biến nhất trên TTCK Việt Nam và thế giới.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là CP Việt Nam hiện đắt hay rẻ so với các nước khác? Chúng ta so sánh chỉ số P/E của ViệtNam và thị trường các nước trong khu vực và Mỹ (lớn nhất TG) cùng ngày cuối năm âm lịch, 9/2/2021 từ nguồn Bloomberg. CP Việt Nam đang hấp dẫn nhất so với các nước được so sánh.

Qua phân tích hàng trăm CP trên các sàn CK, chúng tôi có được 10 CP tăng trưởng nhất VN trong 10 năm qua kết thúc ngày 9/2/2021. Cả 10 GS này đều nằm trong danh sách 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2020 do tạp chí tài chính nổi tiếng thế giới Forbes đánh giá và vinh danh. Biểu đồ dưới so sánh CAGR giá (số lần tăng và %) của 10 GS trong 10 năm, so với VN-Index và với tiền gửi tiết kiệm.

TV2 là CP tăng trưởng nhất VN trong 10 năm qua và vượt trội so với các CP tăng trưởng khác, nó tăng 59,4 lần, CAGR 50,5%/năm. Tại sao các GS lại có thể tăng giá như vậy? hãy xem bảng so sánh CAGR EPS của 10 CP tăng trưởng nhất, giai đoạn 2010-2020, theo số lần và %.

EPS của 10 CP đã được điều chỉnh theo IFRS để phản ánh đúng bản chất, giúp nhà đầu tư ra quyết định tốt hơn. Nó gồm (1)Điều chỉnh EPS do phát hành ESOP (Phát hành CP cho nhân viên); (2) Phát hành CP thưởng, trả cổ tức bằng CP; (3) Trừ quỹ khen thưởng phúc lợi ước tính ngay trong năm báo cáo.

Điều chỉnh EPS khi phát hành ESOP: Chế độ kế toán Việt Nam hiện chưa ghi nhận chi phí khi công ty phát hành ESOP. Theo IFRS2 khi công ty phát hành ESOP với giá thấp hơn giá trị hợp lý, Công ty phải ghi nhận một khoản chi phí bằng chênh lệch giữa giá trị hợp lý CP tại ngày phê duyệt chương trình (ngày họp đại hội đồng cổ đông), và giá CP phát hành cho nhân viên, tất cả nhân (x) với số CP ESOP dự kiến phát hành trong năm đó. Từ năm 2015 khi MWG lên sàn đến nay, tổng chi phí phát hành ESOP của MWG theo IFRS bằng 42% tổng số lãi thuần công bố. Nghĩa là EPS thực của MWG giảm 42% so với EPS Công bố trong 6 năm đó. Năm 2020, EPS MWG giảm 36,9% so với số công bố. PNJ giảm 32% và FPT giảm 4,4%.

Điều chỉnh EPS khi phát hành cổ phiếu thưởng. Theo VAS30 và IFRS (IAS33) khi công ty phát hành CP mà không làm tăng tiền hay tài sản Công ty, hoặc khi phát hành CP với giá thấp hơn giá thị trường, nghĩa là có yếu tố thưởng, thì số CP thưởng đó sẽ phải được tính từ đầu năm và phải điểu chỉnh hồi tố tăng cho tất cả các năm trước đó để so sánh. Báo cáo một số công ty không làm điều chỉnh hồi tố đó. Ví dụ BCTC quý 4 năm 2020 của TV2. Trong năm 2020 TV2 có phát hành 12 triệu CP trả cổ tức (tỷ lệ 2:1). EPS 2019 phải điều chỉnh lại bằng 6.360 đ/CP, thay vì 10.626 đ/CP như báo cáo gốc của TV2. Do vậy EPS 2020 của TV2 là 7.280 đ so với 6.360 đ năm 2019 tăng 14,5% chứ không phải so với 10.626 đ/CP giảm 31,5%.

Trong 10 năm, EPS của TV2 tăng 28,6 lần hay CAGR là 39.8%/năm. Tiếp đến là MWG tăng 25.6 lần hay 38,3%, VCS 12.1 lần hay 28.3%, HPG 9.9 lần hay 25,8%, REE 5.7 lần hay 13.8%, VIC 1.9 lần hay 6.6%. Để thấy mối tương quan giữa CAGR giá và EPS, hãy xem biểu đồ dưới. Trong 10 năm qua, trung bình nếu EPS tăng 1%, CAGR giá tăng 1,29%. Nói một cách khác, P/E của các GS tăng trưởng qua các năm.

Để hiểu rõ tại sao giá TV2 lại tăng trưởng nhất, hãy phân tích thêm về TV2 và ngành của nó.

Tình hình tài chính TV2 rất lành mạnh thể hiện qua các chỉ số: Tỷ suất thanh toán hiện hành là 1,8; Nợ vay/Vốn CSH chỉ là 6%. Kể từ khi thay đổi chiến lược năm 2014, TV2 bắt đầu làm tổng thầu các dự án điện. Trong 6 năm qua doanh thu TV2 tăng 7,1 lần hay 39%/năm, từ 471 tỷ đ lên 3.346 tỷ đ. ROE của TV2 bình quân là 42,9%/năm. Vốn CSH tăng trưởng kép 48%/năm, tăng hơn 10 lần, từ 113 tỷ lên 1.167 tỷ. TV2 hiện đang có 698 tỷ đ tiền gửi NH, cao gần gấp đôi vốn điều lệ. TV2 có 222 tỷ đ dự phòng bảo hành công trình. Họ rất thận trọng về khoản dự phòng này. Nó có lẽ sẽ được hoàn nhập, tăng lãi trong tương lai.

Nhu cầu của ngành điện? Nhu cầu điện tăng bình quân 10,5%/năm trong giai đoạn 2011-2019, trong khi GDP chỉ tăng khoảng 6-7%. Sản lượng điện tiêu thụ dự kiến tiếp tục tăng trưởng 8-10%/năm trong 10 năm tới. Theo Quy hoạch VII Điều chỉnh, mức vốn đầu tư bình quân của ngành điện là177.000 tỷ đ/năm.

Lợi thế cạnh tranh của TV2: là công ty đầu ngành tư vấn và xây dựng điện, TV2 làm gần hết các công đoạn của ngành điện từ việc thăm dò, khảo sát, đánh giá, thiết kế, xây dựng, tổng thầu EPC, đến việc vận hành nhà máy điện, làm hệ thống truyền tải điện, trạm biến áp lớn. TV2 là đơn vị duy nhất có trung tâm điều khiển nhà máy điện từ xa tại TP HCM, đó là một lợi thế lớn để đầu thầu các dự án điện. TV2 có nhà máy cơ khí để tự sản xuất các cấu kiện làm tiết kiệm thời gian dự án và giảm giá thành. Vì tham gia ngay từ đầu vào việc khảo sát, lập dự án đầu tư các dự án điện nên TV2 có cơ hội đầu tư vào các dự án tốt.

Cơ cấu cổ đông: EVN chiếm 51,32%, Quỹ America LLC 7,96%, khác 40,72%.

Ban lãnh đạo TV2: Chủ tịch TV2 là người được EVN, các đối tác, nhà đầu tư đánh giá cao về quản trị. Ông đã tạo được một văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời để mọi người làm việc hết mình vì Công ty.

Chính sách cổ tức: Theo kế hoạch cổ tức đã công bố cho năm 2020-2025 cổ tức không thấp hơn 25% vốn điều lệ. Chính sách cổ tức bằng cổ phiếu của TV2 là tốt cho công ty và có lợi cho các cổ đông.

Các dự án (DA) tiêu biểu từ 2021-2025: như DA Nhiệt điện than Quảng trị 1 với vốn đầu tư 55.093 tỷ đ, công suất 1.320MW; EPC NMNĐ Dung quất 2 với công suất 750MW, DA Nhiệt điện khí Long Sơn với công suất 3.600 MW. DA điện gió tân thuận 2.939 tỷ đ, công suất 75MW, DA Thủy điện thác bà 575 tỷ đ.

Định giá cổ phiếu TV2 theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu (FCFE)

Từ các báo cáo tài chính dự phóng 10 năm với các giả định thận trọng là doanh thu tăng 20%/năm cho 5 năm tới và từ năm 2026 CAGR sẽ giảm 1% tăng trưởng mỗi năm cho đến 2029. Tỷ lệ này thấp hơn 2,4 lần so với CAGR của 5 năm gần nhất (48%). Trong 5 năm gần nhất, doanh thu và lãi thực tế TV2 cao hơn kế hoạch công bố tương ứng là 33% và 52%. Tỷ lệ lãi thuần sau thuế/Doanh thu được tính theo số bình quân của 5 năm gần nhất. Cuối năm 2029 giá trị TV2 tính theo P/E = 10 lần. Chi phí VCSH là 13%. Chúng ta tính ra Giá trị nội tại của TV2 là 272.000 đ/CP cao gấp 5,1 lần so với thị giá ngày 9/2/2021.

So sánh P/E và PEG: Nhìn chung CP nào có hệ số P/E và PEG thấp hơn thì nó đang được thị trường định giá rẻ hơn. PEG phản ánh tốt nhất CP nào được định giá thấp hơn vì nó liên hệ giữa P/E và tỷ lệ tăng trưởng EPS (PEG = P/E chia cho G là tỷ lệ tăng trưởng EPS). Theo các chuyên gia tài chính nếu PEG nhỏ hơn 1, cổ phiếu đó nên mua hoặc giữ lại. Nếu PEG < 0,5 tìm mua ngay.

Hệ số P/B (Giá/Giá trị sổ sách). Khi so sánh P/B giữa các CP cho ta một cái nhìn chung để tham khảo, đặc biệt với ngành ngân hàng vì các tài sản của ngân hàng chủ yếu là các giấy tờ có giá.

Bảng so sánh giá trị nội tại, P/E, PEG và P/B của 10 GS tại ngày 9/2/2021 như sau (Đơn vị:1.000 đ):

Rủi ro đầu tư vào CP tăng trưởng nhất TV2? Các dự án điện mặt trời phát triển, có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng các dự án nhiệt điện, vốn là thế mạnh của TV2. EVN nắm giữ 51% và chính sách của EVN có thể thay đổi làm ảnh hưởng đến TV2.*

* TS Trần Xuân Nam (Oxford DBA) là tác giả của nhiều sách Kế Toán Tài Chính, Phân Tích Đầu tư chứng khoán phổ biến nhất Việt Nam. Giảng viên các chương trình kế toán, tài chính & đầu tư hàng đầu thế giới như ACCA và nhiều trường đại học quốc tế khác. Với hơn 35 năm quản lý tài chính, CEO một số tập đoàn đa quốc gia và Việt Nam. Ông hiện là CEO CTCP Tư Vấn SaoNam.

TS Trần Xuân Nam (Oxford DBA) *

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/phan-tich-co-phieu-tang-truong-nhat-viet-nam-2021021522310635.htm