Phân tích góc độ pháp lý khi chủ phương tiện cho người không đủ điều kiện lái xe gây tai nạn

Bạn đọc hỏi: Xin hỏi luật sư, khi nào thì chủ xe phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại? Mới đây, tôi cho bạn mượn ô tô và anh ấy đã gây tai nạn, khiến 2 người thương vong, đồng thời gây thiệt hại khá lớn về tài sản. Nguyễn Ngọc Hưng (Vĩnh Phúc)

Chủ xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe dẫn đến tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)

Chủ xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe dẫn đến tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Ảnh minh họa)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:

Hiện nay, nhu cầu đi lại của mọi người ngày càng nhiều và với nhiều loại phương tiện giao thông khác nhau, trong đó chủ yếu là xe gắn máy, mô tô và ô tô. Nhu cầu đi lại nhiều nhưng không phải ai cũng có các loại phương tiện để sử dụng khi tham gia giao thông. Do vậy, việc mượn, thuê mướn các phương tiện khi tham gia giao thông là tương đối phổ biến.

Pháp luật về dân sự, hình sự và Luật Giao thông đường bộ đều có quy định liên quan đến trách nhiệm của chủ xe khi cho người khác mượn phương tiện. Theo đó, khi cho người khác mượn xe, chủ phương tiện cần đảm bảo người mượn xe đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định pháp luật. Nếu cho người không đủ tuổi, không đủ sức khỏe, không có giấy phép lái xe mượn xe hoặc cho người khác mượn xe mà phương tiện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mà gây tai nạn thì chủ xe phải chịu trách nhiệm.

Trước hết là về dân sự, khoản 1, Điều 601 - Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, khi cho người khác mượn xe ô tô mà gây tai nạn thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về người lái xe (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).

Về hình sự, trong trường hợp, chủ xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện mượn xe và gây tai nạn thì tùy theo mức độ chủ xe có thể bị truy cứu tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, theo Điều 264 - Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Cụ thể, điều luật này quy định: “Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Đó là các trường hợp: Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31 đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đến dưới 500.000.000 đồng.

Nghiêm trọng hơn, chủ phương tiện có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Và mức án phạt tù cao nhất mà chủ phương tiện có thể phải lĩnh khi cho người không đủ điều kiện mượn ô tô dẫn đến tai nạn giao thông lên đến 7 năm.

Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31 đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

P.V

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phan-tich-goc-do-phap-ly-khi-chu-phuong-tien-cho-nguoi-khong-du-dieu-kien-lai-xe-gay-tai-nan-post483395.antd