Phản ứng của chính quyền trong nhiều vụ việc bức xúc còn chậm

Sáng 4-10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức tọa đàm để chuẩn bị cho hoạt động thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019. Liên quan đến tình hình xã hội, chuyên gia Cấn Văn Lực thẳng thắn bình luận, phản ứng của chính quyền trong nhiều vụ việc bức xúc là rất chậm, điển hình là vụ cháy Rạng Đông và tác động môi trường bất lợi của sự cố này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc tọa đàm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc tọa đàm

Tại cuộc tọa đàm, Ths Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã trình bày báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2019: một số đánh giá và đề xuất chính sách”.

Trên cơ sở phân tích tình hình, đại diện CIEM đề xuất tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách; cụ thể là xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với các bất định từ bên ngoài; quản lý dòng vốn nước ngoài (không cho vào quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam), đặc biệt là ngăn chặn các dự án FDI “giữ chỗ”, có giải pháp sàng lọc để các “ông” kém chất lượng không chạy vào sớm.

Chuyên gia này cũng khuyến nghị, đồng thời với công tác điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt, cần thay đổi cách thức truyền thông và giải trình chính sách tỷ giá. “Không hành chính trong mở rộng tín dụng và hạ lãi suất, mà lưu tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng”, ông Dương nhấn mạnh.

Hai nhóm giải pháp còn lại là giải pháp cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đáng lưu ý là đề nghị “tư duy mở hơn với các vấn đề mới như cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số”. Ông Nguyễn Anh Dương cho biết: “Đo lường quy mô của khu vực kinh tế số là vô cùng khó khăn và là chủ đề gây tranh cãi, như chúng ta đã thấy khi tính toán GDP của nền kinh tế vừa qua”.

Chuyên gia này cũng lưu ý, việc vận động công nhận kinh tế thị trường vẫn còn tính thời sự. Ông nói: “Nếu trước đây vấn đề kinh tế có thể không quan trọng bằng yếu tố chính trị, thì bây giờ phủ bóng lên các cuộc đàm phán chính là vấn đề kinh tế”.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề nghị Chính phủ lưu tâm đánh giá sâu sắc hơn về tác động của tình hình thế giới. “Chất lượng tăng trưởng thông qua những chỉ số như ICOR, năng suất lao động… cũng là yếu tố còn có phần sơ sài trong báo cáo. Đặc biệt, chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là vấn đề, bởi dự án nhỏ, số dự án tăng nhưng quy mô vốn lại bé”, ông Lực cho biết.

Liên quan đến tình hình xã hội, ông Lực thẳng thắn bình luận, phản ứng của chính quyền trong nhiều vụ việc bức xúc là rất chậm, điển hình là vụ cháy Rạng Đông và tác động môi trường bất lợi của sự cố này…

Trên quan điểm thận trọng, ông Lực dự báo mức tăng trưởng GDP trong năm tới có thể không cao bằng năm nay, cụ thể là ở mức 6,5 -6,7%.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phan-ung-cua-chinh-quyen-trong-nhieu-vu-viec-buc-xuc-con-cham-620615.html