'Phan Văn Anh Vũ lợi dụng văn bản Bộ Công an để thâu tóm đất công'

'Với những việc quá khó, Vũ lợi dụng văn bản khác của Bộ Công an để thực hiện', kiểm sát viên nói về việc Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhà đất ở Đà Nẵng.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Hà Nội dành gần 4 giờ để đối đáp quan điểm bào chữa của các bị cáo và luật sư trong phiên xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng và cấp dưới giúp Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất đai.

"Phục tùng mệnh lệnh dù biết trái luật"

Ông Trần Văn Minh cho rằng bị cáo chỉ biết bán nhà công sản, giao đất dự án cho các công ty mua mà không biết Phan Văn Anh Vũ đứng đằng sau. Bị cáo cũng nói không tạo điều kiện cho Vũ hưởng lợi trong việc mua tài sản. Vấn đề này luật sư của Vũ cũng nói hồ sơ vụ án không có lời khai của các bị cáo thể hiện có bàn bạc.

Theo đại diện VKSND Hà Nội, việc có sự bàn bạc, chung ý chí tội phạm giữa các bị cáo hay không đã thể hiện qua chứng cứ, hành vi khách quan, mục đích phạm tội.

VKS cũng nhận định Đà Nẵng không "sáng tạo" trong việc bán nhà công sản và giao dự án để phát triển của thành phố như các bị cáo trình bày. Đây là chủ trương trái pháp luật, các luật sư cũng thừa nhận.

Các bị cáo từng là cán bộ thành phố có quan hệ chặt chẽ và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Việc luật sư cho rằng mỗi bị cáo chỉ thực hiện công việc riêng biệt, không liên kết với nhau nên không đồng phạm là không chính xác.

“Các bị cáo đều khai phải phục tùng mệnh lệnh, chỉ đạo của bị cáo Minh dù họ biết các chủ trương đó trái pháp luật”, đại diện VKSND luận tội.

 VKSND cho rằng ông Trần Văn Minh đã tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất đai. Ảnh: TTXVN.

VKSND cho rằng ông Trần Văn Minh đã tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất đai. Ảnh: TTXVN.

Đối với Phan Văn Anh Vũ, do bị cáo và các công ty liên quan không phải đối tượng được mua nhà công sản, giao đất không qua đấu giá nên Vũ đã lợi dụng mối liên hệ với lãnh đạo thành phố để xin mua nhà, xin giao đất là trái luật. “Thậm chí với những việc quá khó, Vũ lợi dụng văn bản khác của Bộ Công an để thực hiện việc đó”, kiểm sát viên nêu quan điểm.

Cũng theo kiểm sát viên, Phan Văn Anh Vũ chỉ đạo hoạt động của 5 công ty thành lập hoặc tham gia góp vốn. Từ đó, bị cáo ký một số văn bản, giấy tờ khi xin mua nhà công sản.

“Điều đó cho thấy Vũ và các bị cáo đã có sự thống nhất để thâu tóm nhà, đất công sản và dự án có vị trí đắc địa ở Đà Nẵng”, công tố viên lập luận. Cơ quan công tố khẳng định Phan Văn Anh Vũ cùng bị cáo Trần Văn Minh và các cán bộ dưới quyền đã câu kết thực hiện hành vi có tính hệ thống, liên tiếp trong thời gian dài.

"Đặc quyền, đặc lợi ở đây chứ ở đâu"

Tại tòa, các bị cáo và người bào chữa đều thắc mắc cách tính thiệt hại tài sản áp dụng giá đất tại thời điểm khởi tố vụ án, thay cho thời điểm vi phạm xảy ra.

Đối đáp lại, kiểm sát viên nói ngay khi khởi tố vụ án vào tháng 4/2018, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tài sản. VKSND đánh giá hành vi xuyên suốt của các bị cáo là bán nhà đất không đấu giá, có dấu hiệu đặc quyền, đặc lợi.

Tính đến khi khởi tố, giá trị nhà đất đã tăng lên nên có đủ căn cứ xác định lợi ích Nhà nước bị xâm hại. Việc giảm 10% tiền sử dụng đất chỉ là một hành vi sai phạm và gây ra thiệt hại nhỏ. VKS nhận định 22.000 tỷ thiệt hại đã nêu trong cáo trạng là đúng bản chất.

Phan Văn Anh Vũ cho rằng sai phạm trong vụ án thuộc về phía bán tài sản là UBND Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN.

Tại tòa, nhiều luật sư tranh luận 29 ha thuộc dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước là đất hay đất mặt nước và khi giao cho công ty của Vũ có phải đấu giá hay không. Cơ quan công tố cho rằng thỏa thuận giữa UBND Đà Nẵng với Công ty Daewoon đã thể hiện ý chí chuyển nhượng 29 ha nhưng công ty Hàn Quốc không có thẩm quyền giao đất. Chỉ UBND TP có quyền này nhưng ngay từ đầu, thỏa thuận đã xác định đây là đất xây biệt thự, nhà liền kề.

Sau đó, ông Minh ký quyết định quy hoạch 29 ha là khu xây dựng nhà, biệt thự. Trong cuộc họp, bị cáo cũng kết luận giữ nguyên giá giao đất như thỏa thuận giữa UBND Đà Nẵng với Daewoon dù năm đó bảng giá thể hiện đất khu vực này là hơn 5 triệu đồng/m2.

Đến năm 2010, khu đất 29 ha được san lấp. Do đó, viện kiểm sát khẳng định Đà Nẵng đã giao đất để xây biệt thự, không phải đất mặt nước. Một năm sau, bị cáo Văn Hữu Chiến ký quyết định giao 29 ha cho công ty của Phan Văn Anh Vũ theo hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng vẫn áp dụng giá 300.000 đồng/m2.

“Luật đất đai buộc phải đấu giá khi giao đất. Không thể có chuyện mập mờ giao đất cho công ty Việt Nam để xây biệt thự. Đặc quyền, đặc lợi ở đây chứ ở đâu”, cơ quan công tố đối đáp.

VKSND sau đó kiến nghị HĐXX xem xét giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo Trần Văn Minh ở 2 dự án An Cư 2 và An Cư 3 mở rộng với lý do các dự án đã được chuyển nhượng cho người dân sinh sống ổn định. Việc xem xét nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên thứ 3 ngay tình và giữ ổn định tình hình địa phương.

Đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Phó chủ tịch Đà Nẵng) và một số bị cáo là cựu lãnh đạo doanh nghiệp địa phương, đại diện VKSND kiến nghị tòa xem xét giảm một phần hình phạt. Còn Phan Văn Anh Vũ viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị tòa xử lý nghiêm khắc.

Ngoài ra, kiểm sát viên cũng kiến nghị tòa cân nhắc miễn tội cho bị cáo Nguyễn Văn Cán (cựu Phó chánh Văn phòng UBND Đà Nẵng) do phạm tội một cách bị động, chịu sự chi phối, chỉ đạo của cấp trên. Phan Minh Cương và Nguyễn Quang Thành cũng chịu sự chỉ đạo của Vũ khi thực hiện hành vi nên VKSND thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù.

Hoàng Lam - Bá Chiêm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phan-van-anh-vu-loi-dung-van-ban-bo-cong-an-de-thau-tom-dat-cong-post1034463.html