Phân vùng để tạo liên kết

Tại cuộc làm việc của Thủ tướng, trong số 4 kiến nghị lớn, đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay.

Trong đề xuất phân chia lại vùng kinh tế, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, đề án sẽ định hướng phát triển thị trường, bởi đặc tính liên kết vùng đòi hỏi cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, đặc biệt tạo thuận lợi cho việc hợp tác, quản lý phát triển.

Nhiều địa phương thể hiện sự khát khao liên kết tại các Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ thường niên.

Nhiều địa phương thể hiện sự khát khao liên kết tại các Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ thường niên.

Bản chất phân vùng kinh tế

Nhiều năm sống và gắn bó tại TP HCM, luyện tới nói tiếng Việt “như gió”, một vị tùy viên kinh tế khá am hiểu phong vị ẩm thực và văn hóa của các vùng miền Việt Nam, đã không tránh khỏi ngạc nhiên khi biết rằng Tiền Giang, trong phân vùng kinh tế của Việt Nam, được gắn với 7 tỉnh thành khác thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng có vị trí địa lý và mối tương liên giao thông, hạ tầng, xã hội… nghiêng về phía Đông Nam Bộ.

Lần theo dòng chảy của dòng sông Tiền Giang, một nhánh tả ngạn hạ lưu Mê Kong chảy từ đất Campuchia qua đồng bằng sông Cửu Long, qua An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, rồi đổ ra biển Đông. Dòng sông ấy đã kết nối, uốn lượn rồi tạo thành thung thổ một đồng bằng đang hợp lưu hơi thở “đất rừng phương Nam” trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Sơn Nam. Đó cũng là dòng chảy đi qua các vùng phù sa đắp bồi, mà sau hàng trăm năm được người xứ Ngũ Quảng di cư và khơi phá, ngày nay.

Thế nên Tiền Giang khi được đặt theo quy hoạch trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nói có lý là ở một giai đoạn cơ cấu kinh tế được xác định trên định hướng và các cốt lõi khác. Tương tự, Ninh Thuận hay Bình Thuận, trong vị trí địa lý lằn ranh của cực Nam duyên hải miền Trung với phía Bắc kinh tế trọng điểm phía Nam, đặt trong khu vực nào cũng có lý.

Nhận xét về đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng, một chuyên gia đánh giá là đúng với bản chất của quy hoạch và phân vùng kinh tế. Đó được hiểu là quá trình phân chia lãnh thổ trong một hệ thống vùng kinh tế. Cũng là vạch ra ranh giới hợp lý của toàn bộ hệ thống vùng mà không đóng cứng theo một thời điểm, cơ cấu kinh tế vùng đi theo kế hoạch phát triển dài hạn, tầm nhìn khoảng 20 năm.

Rộng dài với “con đường tơ lụa” Đông Nam Bộ

Thực tế không chỉ với Đông Nam Bộ, liên kết vùng từ xa xưa xuất phát từ vị trí địa lý, con người, tự hình thành các mối dây giao thương, tương hỗ, qua đó hình thành các “con đường tơ lụa”. Điều chỉnh, vun đắp, phát huy được các “con đường tơ lụa” đó một cách chặt chẽ, không còn để tự phát, thì các lợi thế kinh tế trong một vùng kinh tế sẽ có sức bật của “bó đũa” để ảnh hưởng, lan tỏa.

Trong ba năm thực hiện Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ thường niên theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với sự phối hợp của các UBND các tỉnh trong vùng, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cũng cảm nhận được “khát khao” của đại diện các chính quyền địa phương về sự liên kết để có thể phát huy các yếu tố của từng địa phương.

Năm 2016, lần đầu thực hiện Diễn đàn, 9 tỉnh theo đúng đề xuất quy hoạch của Bộ KH&ĐT. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng từng nói: Tại sao chúng tôi nên tham gia? “Vì Lâm Đồng theo quy hoạch hiện tại là các tỉnh vùng kinh tế Tây Nguyên. Nhưng ngoài sự co cụm của một vùng cao nguyên, từ xa xưa đến nay, Lâm Đồng vẫn luôn liên kết kinh tế-xã hội, giao thương mạnh mẽ trong khối Đông Nam Bộ, khối vùng “đất đỏ miền Đông”, ông hỏi và tự trả lời.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thì bày tỏ, Bộ KH&ĐT nên làm sao để câu chuyện liên kết vùng có thể góp phần phát huy lợi thế các tỉnh, gắn các tỉnh vào chuỗi kinh tế vùng. Ví dụ chúng tôi có biển lẫn sa mạc, có nắng gió để phát triển năng lượng… Gắn những lợi thế đó vào các tỉnh thành đông dân như đầu tàu TP HCM, các nơi có sự phát triển mạnh về khu công nghiệp, là một cơ hội lớn không chỉ cho riêng tỉnh mà cả vùng, liên vùng.

ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Logistic Việt Nam: Xóa bỏ tư tưởng cục bộ địa phương

Nói chung, các nghiên cứu quy hoạch để đề xuất phân vùng kinh tế theo từng giai đoạn là rất tốt. Tuy nhiên ở góc độ cộng đồng doanh nghiệp, điều chúng tôi quan tâm phân vùng để tạo ra động lực gì, có giải pháp gì thúc đẩy vùng kinh tế phát triển? Còn nếu phân vùng xong vẫn cứ cục bộ, địa phương, mạnh tỉnh nào tỉnh đó làm, cố gắng tối đa vì lợi ích của tỉnh mình, của GDP tỉnh mình thì các phân vùng dù phù hợp và tiến bộ tới đâu cũng không mang lại giá trị lớn. Bản thân các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hay thậm chí người dân cũng khó có thể nhìn thấy lợi ích từ các vùng kinh tế được quy hoạch.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình: Đáp ứng nhu cầu liên kết kinh tế

Việc phân thành 7 vùng kinh tế theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, các doanh nghiệp quan tâm đầu tiên là hướng đến tạo sự thuận lợi cho liên kết kinh tế theo chiều sâu. Ngoài tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa phải tính đến các yếu tố thị trường hay khả năng kết hợp theo chuỗi sản phẩm...
Phương án 7 vùng kinh tế xã hội được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo quy mô, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng không quá lớn, thuận lợi cho việc hợp tác, quản lý phát triển cũng như việc liên kết kinh tế. Bởi trong xu thế phát triển hôm nay kết hợp theo nguyên tắc win - win là yếu tố cực kỳ quan trọng của kinh doanh. Đứng riêng lẻ thì rất khó trụ vững.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/phan-vung-de-tao-lien-ket-145387.html