Phân vùng hoạt động cho các ngân hàng

(baodautu.vn) Trả lời phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, việc phân vùng hoạt động của các ngân hàng là cần thiết, song không nên quy định cứng nhắc theo vùng địa lý.

Trong Đề án Tái cơ cấu ngân hàng sắp tới, theo ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nên phân vùng địa lý hoặc phân nhóm đối tượng phục vụ cho từng ngân hàng như mô hình ngân hàng nông thôn – thành thị trước đây không, thưa ông?

Đề án Tái cơ cấu ngân hàng cần phải hình dung được thiết kế, cấu trúc hệ thống ngân hàng tương lai sẽ như thế nào. Theo tôi, nên có nhiều loại ngân hàng hoạt động ở từng ngành, lĩnh vực khác nhau. Về phân vùng hoạt động của ngân hàng, theo tôi là hợp lý, song cần nghiên cứu kỹ lưỡng về cách thức, có thể không cứng nhắc về địa lý. Tuy nhiên, khi hoạt động theo ngành, theo lĩnh vực, bản chất của nó đã mang khía cạnh địa lý. Ví dụ, ngân hàng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì tự thân đã phải tìm đến đúng địa chỉ nông thôn.

Ở nông thôn, chúng ta đã có mô hình quỹ tín dụng nhân dân. Dù vậy, lượng ngân hàng ở nông thôn hiện nay còn ít. Do đó, theo tôi, trong tương lai, cần khuyến khích các ngân hàng hoạt động ở khu vực này để phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Vậy theo ông, trước mắt, tái cơ cấu nên buộc các ngân hàng quốc doanh phải làm gương hay ưu tiên tái cơ cấu ngân hàng nhỏ, yếu kém?

Tất cả ngân hàng cần phải nhìn nhận lại mình, nâng cao năng lực để đổi mới, không phân biệt ngân hàng lớn, nhỏ, quốc doanh hay cổ phần...

Ông có bình luận gì về việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng ra hỗ trợ thanh khoản cho hai ngân hàng nhỏ. Theo ông, đây có phải là bước đầu của sự sáp nhập?

Việc ngân hàng lớn đứng ra hỗ trợ cho ngân hàng nhỏ là cần thiết, tạo lòng tin cho công chúng. Đây chỉ là hỗ trợ thanh khoản tạm thời, chứ không phải hỗ trợ do ngân hàng mất khả năng chi trả. Còn nếu coi đây là bước để hình thành các ngân hàng lớn thì bước đầu có sự môi giới là tốt, còn các ngân hàng này nếu “kết duyên” được với nhau thì càng tốt.

Có ý kiến cho rằng, ngân hàng quốc doanh nên đứng ra đảm nhận vai trò tương tự như BIDV. Về vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét có thực sự cần thiết không, nếu cần thiết thì cũng nên làm.

NHNN vừa ban hành Thông tư số 35/2011/TT-NHNN quy định việc công bố và cung cấp thông tin của NHNN. Theo đó, từ ngày 1/4/2012, sẽ công khai nợ xấu của các ngân hàng. Chủ trương công khai nợ xấu có khả thi không, khi ta chưa thể phân loại nợ xấu theo chuẩn quốc tế, bản thân ngân hàng cũng không muốn công khai nợ xấu của mình?

Đúng vậy. Có ý kiến cho rằng, thời điểm 1/4/2012 là hơi gấp để đồng nhất chuẩn áp dụng nợ xấu, tránh tình trạng mỗi ngân hàng áp dụng một kiểu như hiện nay. Nhiệm vụ của NHNN là từ nay đến ngày 1/4/2012 phải đồng nhất chuẩn phân loại nợ xấu của các ngân hàng và trích lập dự phòng rủi ro.

Tôi cho rằng, đây là lộ trình tốt. Hệ thống ngân hàng trong tương lai phải nâng cao tính minh bạch, đó là thể chế kinh tế thị trường. Người dân phải biết, ngân hàng nào tốt, ngân hàng nào xấu, nên gửi tiền ở ngân hàng nào. Lãi suất cũng phải được điều chỉnh tùy theo mức độ rủi ro và nợ xấu của từng ngân hàng.

NHNN đã tuyên bố không để ngân hàng nào đổ vỡ. Điều này liệu có hàm ý rằng, NHNN đang nuông chiều các ngân hàng yếu?

Chủ trương không để ngân hàng nào phá sản trong bối cảnh hiện nay bao gồm 2 ý. Thứ nhất, NHNN đã cân nhắc trên cơ sở đánh giá thực trạng và thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có khả năng xử lý.

Thứ hai, trong hoàn cảnh hiện nay, không nên gây tâm lý không tốt cho người dân. Còn nếu có trường hợp ngân hàng nào quá yếu kém thì giữa các ngân hàng có thể mua bán, sáp nhập với nhau. Tôi thấy, nhiều ngân hàng đã sẵn sàng làm việc này.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baiviettaichinhnganhang/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/taichinhnganhang/nganhanglaisuat/ab9f32067f0000010024a9286231f0bb