Phanh phui đến cùng 'địa chỉ' tham nhũng

Ngày 10/11, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương (Ban Chỉ đạo) về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng- Trưởng Ban Chỉ đạo, đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Những vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo điểm mặt, chỉ tên tại cuộc họp cuối tuần qua cũng lên đến hàng chục vụ; trong đó có những vụ nổi cộm như: Vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Novaland 79; vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại các ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV; vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVTEX và các đơn vị liên quan; vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng TMCP xây dựng Việt Nam...

Ngay trong cuộc họp kể trên, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan tư pháp cần phải tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật các vụ án: “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương (theo dự kiến hôm nay sẽ tiến hành xét xử); Vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương xem xét xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm. Kết thúc điều tra, truy tố vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; tích cực thu hồi tài sản cho Nhà nước. Và, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ án “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật.”

Trong một diễn biến khác, vào chiều ngày 10/11, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố nguyên Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín liên quan đến sai phạm đất đai tại Sabeco, cụ thể ở đây là khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TPHCM. Cùng với bị can Tín, cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” đối với: Đào Anh Kiệt, 61 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM; Trương Văn Út, 48 tuổi, Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM; Lê Văn Thanh, 56 tuổi, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM; Nguyễn Thanh Chương, 44 tuổi, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM.

Trước đó, vào cuối tuần qua, vụ án nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) Lê Bạch Hồng và một số cá nhân khác liên quan đến vụ án xảy ra tại BHXH và Công ty cho thuê tài chính II (ALC II). “Đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thành thủ tục tuyên bố phá sản đối với Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII). Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đang tích cực làm rõ sai phạm, để xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu trong phát biểu kết luận.

Một loạt vụ án, vụ việc được Thường trực Ban Chỉ đạo “điểm danh” cho thấy quyết tâm đi đến cùng, phanh phui đến cùng các việc làm sai trái của nhiều cá nhân, tổ chức trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Đó là tư tưởng, là chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và của Thường trực Ban Chỉ đạo nhiều năm nay.

Nhìn lại hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian qua, cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã nỗ lực, cố gắng, huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành cơ bản đúng tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc. Kết quả là đã khởi tố mới 13 vụ án; kết thúc điều tra và điều tra bổ sung 15 vụ/209 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ/239 bị can; xét xử sơ thẩm 20 vụ/181 bị cáo, với các mức án nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa cao (tuyên phạt: 4 bị cáo (3 người) mức án tù chung thân; 1 bị cáo mức án 30 năm tù; 7 bị cáo mức án từ 20 năm đến dưới 30 năm tù; 159 bị cáo từ 12 tháng đến dưới 20 năm tù...).

Đặc biệt, kể từ sau cuộc họp hôm 27/4 đến nay “đã kết thúc điều tra 11 vụ án/151 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/193 bị can, đưa ra xét xử sơ thẩm 13 vụ án/121 bị cáo, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo hôm 10/11 cho thấy những nỗ lực không ngừng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó có việc tỷ lệ thu hồi tài sản đã tăng, chỉ từ đầu năm đến nay đã thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng tiền tham nhũng từ các đối tượng bị kết án. Có thể khẳng định, mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có những kết quả cụ thể, đáng khích lệ. Điều đó sẽ là động lực để các lực lượng, các cơ quan hữu quan vững tin chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng niềm tin và sự mong đợi của nhân dân.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/phanh-phui-den-cung-dia-chi-tham-nhung-tintuc422415