Pháp bị khuấy đảo vì phong trào 'Áo vàng'

Làn sóng biểu tình lần thứ 3 của lực lượng 'Áo vàng' ở Pháp tiếp tục biến thành bạo lực khiến hàng trăm người bị bắt giữ trong khi nhiều ô-tô bị đốt và các cửa hàng bị đập phá.

Làn sóng biểu tình lần thứ 3 của lực lượng “Áo vàng” ở Pháp tiếp tục biến thành bạo lực khiến hàng trăm người bị bắt giữ trong khi nhiều ô-tô bị đốt và các cửa hàng bị đập phá.

Người biểu tình “Áo vàng” đốt ô-tô, đập phá các cửa hàng trên đường phố nước Pháp. Ảnh: Dailymail

Người biểu tình “Áo vàng” đốt ô-tô, đập phá các cửa hàng trên đường phố nước Pháp. Ảnh: Dailymail

Cho đến cuối ngày 1-12 (giờ địa phương), cảnh sát chống bạo động của Pháp vẫn phải tiếp tục chiến đấu với những người biểu tình “Áo vàng” trên đường phố Paris.

Biểu tình bùng nổ theo lời kêu gọi của lực lượng “Áo vàng” nhằm phản đối chính phủ Pháp tăng thuế khiến chi phí sinh hoạt tăng cao trên toàn quốc. “Cuộc nổi dậy” bắt đầu từ ngày 17-11 và đã được “kích nổ” thông qua phương tiện truyền thông xã hội, với lời kêu gọi những người biểu tình chặn đường trên khắp nước Pháp và cản trở các tuyến đường đến các trung tâm mua sắm, nhà máy và một số kho nhiên liệu.

Paris như một “chiến trường”

Tại Paris, làn sóng biểu tình lần thứ 3 của lực lượng “Áo vàng” ở Pháp tiếp tục biến thành bạo lực khiến hơn 200 người bị bắt giữ. Cảnh sát cho biết gần 100 người bị thương vì những người biểu tình ném đạn vào các sĩ quan chống bạo loạn, đốt xe và đập vỡ các cửa hàng.

Các quận trung tâm và những khu dân cư giàu ở Paris luôn trong tình trạng căng thẳng từ sáng 1-12 bởi những người biểu tình quá khích. Cho dù giờ biểu tình chính thức tuần thứ 3 theo lời kêu gọi của phong trào “Áo vàng” là 14 giờ (giờ Paris), từ sáng sớm, khoảng hơn 5.500 người có mặt đông đảo tại đại lộ Champs-Elysees và các khu phố tại trung tâm Paris. Các nhóm quá khích đối đầu với lực lượng cảnh sát và không có ý định giải tán bất chấp việc cảnh sát dùng vòi rồng phun nước và lựu đạn hơi cay. Đến 16 giờ 30, gần 200 người bị bắt, 65 người bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Theo một nguồn tin cảnh sát, phần lớn những kẻ quá khích theo đường lối cực hữu.

Tình hình bạo lực tăng gấp nhiều lần so với cuộc biểu tình tuần trước. Sự căng thẳng không chỉ giới hạn trên đại lộ Champs-Elysees đã lan ra các quận xung quanh. Bầu trời trung tâm Paris kín đặc khói đen từ lựu đạn cay của cảnh sát và các đám cháy do người biểu tình đốt ô-tô và hàng rào công trường trên đường phố. Các trụ sở ngân hàng và các cửa hàng, mặc dù đóng cửa không hoạt động, vẫn bị đốt phá. Một số nhóm biểu tình vượt qua hàng rào cảnh sát để trèo lên đỉnh Khải Hoàn Môn, biểu tượng chiến thắng của nước Pháp, hành động khiến Thủ tướng Edouart Philippe “bị sốc”. “Tôi bị sốc khi họ tấn công vào các biểu tượng của Pháp”, Thủ tướng Edouard Philippe nói với các phóng viên và nhấn mạnh: “Họ muốn chính phủ đối thoại, nhưng cũng cần tôn trọng pháp luật”.

Thách thức cho Tổng thống Macron

Những diễn biến này đặt ra thách thức chính trị lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi lên nắm quyền. Dọc theo đại lộ Champs-Elysees, những người biểu tình ôn hòa liên tục hô to: “Macron, hãy ngừng đối xử với chúng tôi như những kẻ ngốc!”.

Thủ tướng Pháp, Edouard Philippe đã hủy bỏ chuyến công du đến Ba Lan dự Hội nghị COP 24 về khí hậu để ở lại kiểm soát tình hình. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập cuộc họp khẩn cấp với 7 Bộ trưởng trong sáng 2-12, ngay sau khi trở về nước từ Hội nghị G20 tại Argentine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, ông sẽ không thể để bị “những hành động côn đồ” gây ảnh hưởng đến các chính sách của mình.

Phản ứng không khoan nhượng này đã khiến ông chủ Điện Elysees bị buộc tội không thỏa hiệp với người dân. Một số người biểu tình cũng lo ngại về làn sóng bạo lực. “Thông điệp nào khiến chiếc áo vét màu vàng muốn vượt qua ngày hôm nay? Chúng ta đang đặt Pháp vào “chảo lửa”, hay tìm giải pháp? Tôi thấy bạo lực là quá vô lý”, Jacline Mouraud, một nhà hoạt động nổi bật trong phong trào “Áo vàng” nói với truyền hình BFM. Nhưng trợ lý giáo viên Sandrine Lemoussu, 45 tuổi, người đến từ Burgundy phản đối quan điểm này, nói với Reuters rằng mọi người đã quá chán chính phủ. “Mọi người muốn nổi dậy. Cơn giận ngày càng tăng lên. Tổng thống khinh thường người Pháp”, bà Lemoussu nói.

Các chính trị gia Pháp cũng có những phản ứng gay gắt về tình trạng bạo loạn tại Paris. Trên Twitter, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo bày tỏ sự “phẫn nộ sâu sắc và nỗi buồn to lớn về bạo lực tại trung tâm Paris”. Cựu Tổng thống Francois Hollande cũng lên án trên Twitter. Bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, tỏ thái độ phản đối “sự nổi loạn” khi chia sẻ trên Twitter hình ảnh những người áo vàng “dùng thân mình làm thành lũy để bảo vệ ngọn lửa người lính vô danh” dưới chân Khải Hoàn Môn khỏi sự đập phá của những kẻ quá khích. Bà kêu gọi những người áo vàng rời khỏi các địa điểm nhạy cảm để cảnh sát can thiệp trấn áp bạo lực.

Tuy vậy, một số chính trị gia đối lập cáo buộc chính phủ dàn dựng bạo lực làm mất uy tín của phong trào “Áo vàng”.

Xem xét áp đặt tình trạng khẩn cấp

Cùng lúc với cuộc biểu tình bạo lực tại Paris, tình hình căng thẳng cũng diễn ra trên nhiều thành phố khác trên toàn lãnh thổ Pháp, bao gồm Nantes, Toulouse, Tarbes, Puy-en-Velay, Charleville Mezieres và Avignon ở phía đông nam. Cả vùng lãnh thổ hải ngoại là đảo Reunion cũng bị ảnh hưởng. Trước tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng, nhiều công đoàn cảnh sát Pháp bắt đầu kêu gọi chính phủ Pháp áp dụng tình trạng khẩn cấp để lập lại trật tự.

Người phát ngôn chính phủ Pháp Benjamin Griveaux ngày 2-12 cho biết, Pháp sẽ xem xét áp đặt tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn việc tái diễn tình trạng bất ổn dân sự tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua và kêu gọi những người biểu tình hòa bình cùng ngồi vào bàn đàm phán.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_199049_.aspx