Pháp biểu quyết Nagorno-Karabakh độc lập, Crime muốn được công nhận

Theo chính khách Nga, quốc hội Pháp ủng hộ Nagorno-Karabakh độc lập thì cũng phải tôn trọng ý nguyện của người dân Crimea công nhận bán đảo này thuộc Nga.

Thượng viện Pháp công nhận nền độc lập của Nagorno-Karabakh

Hôm 25/11, Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết với đa số phiếu tuyệt đối kêu gọi Chính phủ nước này công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ ly khai [khỏi Azerbaijan] là Nagorno-Karabakh, với khẳng định rằng, họ tôn trọng ý nguyện của người dân nơi đây.

Theo đó, các thượng nghị sĩ Pháp đã thông qua văn kiện với số phiếu rất cao, khi có tới 305 thành viên của thượng viện đã bỏ phiếu ủng hộ và chỉ có một người phản đối.

Ngay sau đó, chính quyền Azerbaijan đã gọi nghị quyết này là "một tờ giấy lộn" được thông qua nhân danh những tham vọng chính trị hẹp hòi và kêu gọi trục xuất Pháp ra khỏi Nhóm OSCE Minsk. Về phần mình, Armenia đánh giá quyết định Thượng viện Pháp là "lịch sử".

Còn chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngay lập tức lên tiếng bình luận rằng, Nghị quyết của Thượng viện Pháp kêu gọi công nhận nền độc lập của Nagorno-Karabakh là thể hiện “tư duy phi lý không lành mạnh” và hạn chế khả năng của Paris tham gia giải quyết vấn đề này.

“Quyết định của Thượng viện Pháp về xung đột ở Nagorno-Karabakh là một ví dụ về sự phớt lờ những nguyên tắc cơ bản nhất của pháp lý quốc tế, tính hợp pháp và công bằng, xuất phát từ lý do chính trị nội bộ” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Jean-Baptiste Lemoyne ngày 26/11 nhấn mạnh, việc Paris công nhận nền độc lập của Nagorno-Karabakh sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. Ông nhắc lại rằng, nền độc lập của vùng lãnh thổ li khai này không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận.

Sự kiện Nagorno-Karabakh đòi sáp nhập vào Armenia cũng giống như Crimea sáp nhập vào Nga?

Sự kiện Nagorno-Karabakh đòi sáp nhập vào Armenia cũng giống như Crimea sáp nhập vào Nga?

Crimea kêu gọi Pháp công nhận bán đảo thuộc Nga

Sau khi Thượng viện Pháp công bố thông qua văn bản trên, Nghị sĩ Duma Quốc gia Nga từ khu vực Crimea là ông Mikhail Sheremet tuyên bố rằng, bước đi hợp lý tiếp theo của Thượng viện Pháp sau nghị quyết về Nagorno-Karabakh nên là công nhận quy chế của Crimea thuộc Nga.

“Nếu chính quyền Pháp thực sự quan tâm đến quyền lựa chọn và tự quyết của nhân dân, nếu quan điểm của Paris về tôn trọng các giá trị dân chủ và mong muốn của các dân tộc khác quả thực là chân thành, chứ không phải là kiểu trò chơi chính trị được suy tính, thì tiếp sau việc công nhận quyền độc lập của Nagorno-Karabakh nên là thông qua nghị quyết công nhận quy chế đối với Crimea thuộc Nga” – ông Sheremet nói.

Vị thượng nghị sĩ Nga cho rằng, nếu quốc hội Pháp tiến hành bước đi này, dù muộn màng nhưng vẫn là bước đi hợp lô-gich. Trái lại thì quyết định của các thượng nghị sĩ Pháp về Nagorno-Karabakh chỉ không hơn gì là một chiêu thức đạo đức giả” - ông Sheremet nói.

Tuy nhiên, ông cũng tự trả lời rằng, quyết định của Thượng viện Pháp về Nagorno-Karabakh không xuất phát từ nguyện vọng chân thành mà chỉ là “trò chơi chính trị có tính toán” để giải quyết nhiệm vụ địa-chính trị trong thế đối lập với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông không tin rằng các nghị sĩ Pháp đang lo lắng cho số phận của người dân ở Nagorno-Karabakh.

Còn về Crimea, Pháp lại đang tiến hành một trò chơi chính trị hoàn toàn khác. Trong suốt những năm qua, phía Pháp từ chối công nhận quy chế của Nga ở Crimea, tiến hành biện pháp trừng phạt chống Moscow, cũng như việc các nước phương Tây khăng khăng coi bán đảo này là của Ukraine, bất chấp việc người dân bán đảo đều muốn về với Nga.

Vị thượng nghị sĩ Nga khẳng định, ông không tin khả năng Thượng viện Pháp tiến tới công nhận Crimea thuộc Nga, cũng như không tin sự giả dối của họ về Nagorno-Karabakh.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phap-bieu-quyet-nagorno-karabakh-doc-lap-crime-muon-duoc-cong-nhan-3423304/