Pháp chứng minh khách hàng nên chọn Rafale

Trong khuôn khổ Chiến dịch PEGASE, phi đội tiêm kích Rafale vừa có màn phô diễn những tính năng tuyệt vời tại Australia trước khi đến Việt Nam.

Tham gia Chiến dịch PEGASE, Pháp triển khai phi đội gồm ba chiến đấu cơ Rafale, một máy bay vận tải A400M, một máy bay tiếp vận C-135FR và một máy bay chở khách A310. Những máy bay này sẽ thăm Việt Nam từ ngày 26 đến 29/8.

Tại Australia, cả tiêm kích Rafale cùng những máy bay khác đã có những bài bay phô diễn được sức mạnh và sự cơ động của những máy bay đỉnh cao, trong đó có những bài bay phô diễn được sự nhanh nhẹn và linh hoạt.

Theo nhận định của trang The Aviationist, với những gì Rafale thể hiện cho thấy vì sao phương Tây luôn xếp tiêm kích này của Pháp bên trên Su-35 của Nga trong các bảng xếp hạng chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới.

Để chứng minh nhận định của mình, The Aviationist đã đưa ra những chỉ số để so sánh. Đầu tiên, Rafale có tín hiệu radar nhỏ hơn nhiều so với Su-35, cũng như có các tính năng bay tốt hơn. Nhờ có cánh ngang phía trước ở sát cánh, Rafale có thể vào góc tấn lớn nhanh hơn cũng như liệng nhanh hơn.

Thế mạnh tiếp theo là tốc độ leo cao của Rafale là 305 m/s, cho thấy các tham số gia tốc cực cao, tải lên cánh chỉ là 275 kg/m2, tạo ra lực nâng đáng kể ở góc tấn lớn và cho phép Rafale thực hiện chớp nhoáng vòng ngoặt về bất cứ hướng nào. Trong khi đó, tốc độ leo cao của Su-35 chỉ là 280 m/s, tức là kém Su-30, cũng như Typhoon, J-11 và J-10. Tải lên cánh là 377 kg/m2, cho thấy tốc độ vòng ngoặt khá thấp.

Cùng với sự khác biệt Rafale tạo nên trong sự cơ động và linh hoạt là những tính năng đỉnh cao khác của tiêm kích Pháp. Cụ thể, có khả năng tấn công đồng thời hệ thống phòng không, mục tiêu trên mặt đất và làm nhiệm vụ do thám.

Để hoàn thành được những nhiệm vụ này, Rafale có thể mang tới 9,5 tấn (Su-35 mang được 8 tấn) vũ khí gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, chống radar, không đối hạm, bom hàng không có điều khiển. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Pháp có bán vũ khí kèm theo máy bay hay không.

Ngoài hệ thống vũ khí cực khủng, Rafale được trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nhà sản xuất tuyên bố hệ thống chiến tranh điện tử Spectra sẽ giúp Rafale hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.

Với thiết kế khí động học khá ưu việt, lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp. Khả năng linh hoạt, đối kháng điện tử mạnh cùng với kho vũ khí hủy diệt được trang bị, rõ ràng tiêm kích đa năng Rafale thực sự là đối thủ đáng sợ cho bất kỳ tiêm kích nào khi phải đối đầu với nó.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất để khách hàng có thể mua Rafale chính là giá thành. Theo mức giá được Pháp công bố hồi năm 2017, để sở hữu 1 chiếc Rafale khách hàng phải bỏ ra số tiền lên tới trên 125 triệu USD, hơn gấp đôi Su-30MK2. Và có thể đây là nguyên nhân khiến Ấn Độ hướng sang máy may Su của Nga sau nhiều năm đàm phán với Pháp về thương vụ Rafale. (Hòa Bình)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/phap-chung-minh-khach-hang-nen-chon-rafale-3364324/