Pháp đánh thuế công nghệ, châu Âu sắp đón giông tố

Thượng viện Pháp thông qua Luật Thuế công nghệ, Mỹ có thể tạo sóng gió với toàn bộ châu Âu.

Thượng viện Pháp ngày 11/7 thông qua luật Thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST), cho phép đánh thuế 3% doanh thu tại Pháp của các công ty công nghệ.

Pháp sẽ đánh thuế nặng vào các công ty công nghệ có doanh thu tại Pháp.

Đối tượng của loại thuế này là những doanh nghiệp có doanh thu lớn hơn 28 triệu USD tại Pháp và 845 triệu USD trên toàn cầu.

Reuters cho biết luật thuế mới sẽ được thi hành hồi tố về thời điểm tháng 1/2019.

Sau khi thông qua thuế mới, Chính phủ Pháp tuyên bố loại thuế mới không đặc biệt nhằm vào doanh nghiệp Mỹ mà có thể ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp châu Âu và châu Á. Quy định mới này cũng sẽ được thực thi trong vòng 21 ngày nếu không có gì thay đổi.

Dẫu vậy, các ông lớn trong ngành công nghệ sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế này được cho là các công ty công nghệ Mỹ. Các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Amazon, Facebook và Apple sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng.

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết mức thuế mới sẽ nhắm vào 30 công ty, phần lớn là Mỹ, bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha và Anh.

Trong một phản ứng mới nhất, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra kế hoạch đánh thuế của Pháp nhằm vào các công ty công nghệ.

Cuộc điều tra theo "Đạo luật 301" có thể kéo dài đến 1 năm nhằm xác định xem liệu động thái của Pháp có làm tổn hại các công ty công nghệ Mỹ cũng như có bất công hay không. Cuộc điều tra này được cho là tương tự với cuộc điều tra đã khơi mào chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và mang tới lệnh cấm cho công nghệ công nghệ Huawei.

Theo ông Trump, cuộc điều tra kế hoạch đánh thuế của Pháp là nhằm "đòi lại công bằng" cho các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Apple, Google và Facebook.

Ông Lighthizer khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) để đạt được một thỏa thuận đa phương giải quyết những thách thức đối với hệ thống thuế quốc tế phát sinh do kinh tế toàn cầu kỹ thuật số đang tăng trưởng.

Mỹ cũng để ngỏ khả năng sẽ tung đòn trừng phạt nhằm vào Pháp hoặc cả Liên minh châu Âu (EU).

Mỹ và EU đã đe dọa sẽ áp dụng mức thuế hàng tỷ USD đối với máy bay, máy kéo và thực phẩm trong một cuộc tranh chấp thương mại gần 15 năm tại Tổ chức Thương mại Thế giới về trợ cấp máy bay cho nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và đối thủ ở châu Âu Airbus SE. Luật thuế mới của Pháp có nguy cơ kéo dài các căng thẳng này.

Các nước EU trước đó đã không đồng ý một khoản thuế công nghệ trên toàn khối do Ireland, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan phản đối. Do EU không đồng tình, các nước ủng hộ Thuế công nghệ như Pháp, Áo, Anh, Tây Ban Nha và Ý đã đưa ra kế hoạch đánh loại thuế này trong nội bộ quốc gia họ.

Pháp đã đáp trả lại ý định trừng phạt của Mỹ để điều tra về Thuế công nghệ mới của mình, khẳng định Paris có quyền tự quyết các áp thuế như là một quốc gia có chủ quyền.

Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire. Ảnh: Reuters

Theo lời Bộ trưởng Tài chính Pháp, Washington và Paris là đồng minh và không nên giải quyết tranh chấp bằng các mối đe dọa mà hãy tìm phương án khác.

"Đối với chúng tôi, sắc thuế này hoàn toàn tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Các quốc gia cũng có chủ quyền của mình trong việc áp thuế. Vì vậy, đối với chúng tôi, việc sử dụng một công cụ thương mại để tấn công một quốc gia có chủ quyền là không phù hợp" - Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với The Guardian.

Paris tuyên bố rằng Thuế công nghệ là cần thiết khi các công ty lớn như Facebook và Amazon né thuế bằng cách chuyển dòng doanh thu sang các nước thu thuế thấp.

Ủy ban châu Âu (EC) ước tính các doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia, có đầu tư tại EU, bị đánh thuế trung bình ít hơn 14% so với các doanh nghiệp khác.

Về điểm này, ông La Maire nói: "Chúng ta chỉ đơn thuần đang tái thiết lại công lý về mặt tài chính. Chúng ta muốn tạo ra kế hoạch đánh thuế phù hợp cho thế kỷ 21, công bằng và hiệu quả".

Paris sẽ bỏ kế hoạch áp thuế này ngay khi đạt được thỏa thuận quốc tế tại Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về việc đại tu các quy tắc thuế xuyên biên giới cho kỷ nguyên số. Thỏa thuận dự kiến sẽ được chốt vào cuối năm 2020.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phap-danh-thue-cong-nghe-chau-au-sap-don-giong-to-3383626/