Pháp đánh thuế vào Thung lũng Silicon -nạn nhân của ông Trump

Thung lũng Silicon trở thành nạn nhân sau thương chiến Mỹ-Trung và tầm ngắm của Pháp.

Các nhà lập pháp của Pháp đang chuẩn bị phê chuẩn luật Thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) sẽ đề xuất vào ngày 11/7 (giờ địa phương).

Pháp sẽ đánh thuế vào các công ty công nghệ Mỹ.

Pháp sẽ đánh thuế vào các công ty công nghệ Mỹ.

Theo dự thảo Luật này, Pháp sẽ đánh thuế 3% bổ sung đối với tất cả các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu đạt ít nhất 750 triệu euro (khoảng 853 triệu USD) và doanh thu ở Pháp đạt trên 25 triệu euro.

Các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đặt trụ sở tại Thung lũng Silicon bao gồm: Google, Amazon, Facebook và Apple sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Luật mới của Pháp nếu được thông qua.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng nhanh chóng về dự thảo luật của Pháp bằng cách cảnh báo một lệnh trừng phạt.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay, Mỹ đang chuẩn bị điều tra các tác động của luật này để xác định xem đó có phải sự phân biệt đối xử với các công ty công nghệ Mỹ hay không.

"Tổng thống đã chỉ đạo chúng tôi tiến hành điều tra các tác động của luật này và xác định xem đó là phân biệt đối xử, sự không hợp lý hoặc hạn chế thương mại Mỹ hay không" - ông Lighthizer cho hay.

"Mỹ rất lo ngại rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số dự kiến sẽ được Thượng viện Pháp thông qua vào ngày mai, là sự cho phép Pháp được đối xử không công bằng nhắm vào các công ty Mỹ" - vị đại diện cho biết thêm.

Quan chức Mỹ cho biết, họ có thể đang tiến hành thăm dò xem có nên đáp trả Pháp bằng một lệnh trừng phạt vì các nỗ lực đánh thuế vào công ty Mỹ hay không.

RT bình luận, cuộc thăm dò mà Mỹ đề cập là bước đầu tiên nhằm biện minh cho động thái mà Washington có thể áp đặt trừng phạt vào Pháp để trả đũa vì Luật thuế mới.

Kiểu thăm dò tương tự đối với các hoạt động thương mại "không công bằng" đã được chính quyền ông Trump sử dụng để buộc tội Trung Quốc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra các bằng chứng về trợ cấp của Liên minh châu Âu với hãng sản xuất máy bay Airbus cũng viện dẫn kết quả từ cuộc điều tra, thăm dò kiểu như vậy.

Điều đáng chú ý hơn là việc Pháp đã nhằm vào các công ty công nghệ Mỹ - các đối tượng mà Washington luôn tìm cách bảo hộ bằng các cuộc thương chiến.

Mỹ vốn bị chỉ trích mạnh mẽ trên trường quốc tế vì thúc đẩy các hoạt động bảo hộ thương mại và áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương, cuối cùng cũng đã nhận lại một cú đánh mạnh hơn từ người đồng minh châu Âu.

Pháp đã chọn Thung lũng Silicon của Mỹ để tấn công vì phát hiện những nỗ lực bảo hộ của chính quyền Mỹ đối với lĩnh vực này.

Thung lũng Silicon đã tiếp tục trở thành nạn nhân của các khách hàng Mỹ và của cả chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Động thái cấm các công ty Mỹ giao dịch với Huawei đã biến những nhà cung ứng cho Huawei tại Mỹ ở Thung lũng Silicon trở thành nạn nhân.

Điểm yếu lớn nhất của Huawei nằm ở chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu: Hãng đã gần như phải từ bỏ do bị cắt nguồn cung vật liệu và linh kiện điện thoại bởi các hãng sản xuất phương Tây như Intel, Qualcomm, Google, và ARM. Rất có thể, Trung Quốc sẽ bắt đầu tiến hành xây dựng một hệ sinh thái riêng nhằm phòng tránh lặp lại thảm họa này.

Điều này có nghĩa là trong tương lai gần, rất có khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ hạn chế nhập linh kiện từ nước ngoài.

Nhờ Huawei và điện máy BBK (với các dòng điện thoại Oppo, Redmi, và Oneplus), Trung Quốc hiện đang chiếm một thị phần lớn trong thị trường smartphone. Hàng năm, nền kinh tế thứ 2 thế giới này dùng hàng tỷ đô-la cho việc đầu tư sáng chế và bản quyền công nghệ. Những sản phẩm nội địa cũng đang dần thay thế các linh kiện nước ngoài, và trong tương lai, ngành công nghiệp điện thoại nội địa sẽ chỉ ngày một phát triển.

Hậu quả là, những hãng công nghệ phương Tây sẽ mất những khách hàng lớn, làm giảm doanh thu, sau nước cờ có phần sai lầm của Donald Trump.

Tất nhiên, diễn biến trên chỉ có thể xảy ra nếu các linh kiện nội địa Trung Quốc có thể đạt tới độ tinh vi của những hãng nước ngoài. Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thể sản xuất bộ chip nguồn thay thế cho ARM, hay hệ điều hành mạnh như Android. Tuy nhiên, với sự nghiên cứu và phát triển liên tục, một tương lai với chuỗi cung ứng hoàn toàn nội địa là rất khả thi.

Nếu Trung Quốc thành công, các hãng linh kiện phương Tây sẽ gặp phải những đối thủ khó nhằn, mất đi lợi thế độc quyền, cũng như thị trường màu mỡ tỷ dân của đất nước này.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phap-danh-thue-vao-thung-lung-silicon-nan-nhan-cua-ong-trump-3383578/