Pháp đơn độc đấu...đồng minh

Pháp đang tìm cách cản trở đàm phán FTA giữa EU và Australia, hủy cuộc gặp quốc phòng với Anh, không tham dự lễ kỷ niệm lịch sử với Mỹ...

Pháp tung đòn trả đũa Australia

Truyền thông quốc tế đưa tin, Pháp đang tìm cách cản trở đàm phán thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Australia, yêu cầu các quốc gia châu Âu “xem xét lại” thỏa thuận này để trả đũa chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison hủy hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD đã ký với Paris. Đại diện chính phủ Pháp cũng đề nghị các quốc gia thành viên EU cùng với Paris rút khỏi tiến trình đàm phán FTA kéo dài 3 năm giữa Brussels và Canberra.

Trả lời phỏng vấn với tờ báo châu Âu Politico, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Bon cho biết EU khó có thể tiếp tục đàm phán FTA với Australia, vì lòng tin đã bị suy giảm sau khi Canberra rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm. Ông Clement Bon nói: “Giữ lời là một điều kiện tin cậy giữa các nền dân chủ và đồng minh. Vì vậy, không thể tưởng tượng được việc tiến tới các cuộc đàm phán thương mại như thể không có gì xảy ra với một quốc gia mà chúng ta không còn tin tưởng”.

Pháp phát tín hiệu ngăn chặn FTA giữa EU với Australia

Pháp phát tín hiệu ngăn chặn FTA giữa EU với Australia

Theo Politico, về lý thuyết, Ủy ban châu Âu có quyền đơn phương tiến hành các cuộc đàm phán thương mại thay mặt cho 27 quốc gia thành viên EU, nhưng trên thực tế khó có thể làm như vậy với "sự phản đối thẳng thừng từ Pháp".

Tờ báo cũng lưu ý rằng những lời chỉ trích từ Paris khó có thể làm hài lòng Thụy Điển, Ireland hoặc Hà Lan - các quốc gia EU có nhiều quy tắc thương mại tự do hơn. Ví dụ, Bộ trưởng Phát triển Thương mại Ireland Robert Troy nói với tờ báo rằng ông muốn thấy tiến triển trong các cuộc đàm phán với Australia, và thỏa thuận với quốc gia này sẽ "rất có lợi".

Người đứng đầu ủy ban của Nghị viện châu Âu về thương mại quốc tế Bernd Lange thừa nhận rằng hiệp định này đang ở trong một tình huống khó khăn và hành động của Australia đã ảnh hưởng đến lợi ích của Đức. Đối tác an ninh ba bên Australia - Mỹ - Anh (AUKUS) mới cũng ảnh hưởng đến công ty Atlas Elektronik của Đức, một phần của công ty đóng tàu ThyssenKrupp.

Ông Lange nói: "Sự sẵn sàng thỏa hiệp của phía châu Âu chắc chắn đã giảm đi... Ngoài việc tập trung vào chính sách an ninh của Australia, thỏa thuận của Mỹ cũng gửi tín hiệu về chính sách công nghiệp chống lại EU. Hợp tác trong lĩnh vực chính sách công nghiệp và chuyển giao công nghệ, vốn là một phần trong chiến lược của EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thậm chí còn trở nên phức tạp hơn".

Quan chức châu Âu nhấn mạnh, câu trả lời cho điều này phải là "mở rộng quyền tự chủ chiến lược rộng mở của EU và xác định lợi ích của chính mình trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh".

Australia bảo vệ quyết định hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan ngày 20/9 bày tỏ tin tưởng rằng tiến trình đàm phán FTA giữa Canberra và EU sẽ tiếp tục diễn ra, bất chấp những nỗ lực cản trở của Pháp. Phát biểu trước chuyến công du châu Âu để thảo luận về FTA vào ngày 12/10 tới, ông Tehan cho rằng “không có lý do gì” để không tiếp tục tiến trình đàm phán vì “lợi ích chung” của cả hai bên.

Bảo vệ quyết định hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với tập đoàn Naval của Pháp, Bộ trưởng Tehan tái khẳng định Thủ tướng Morrison đưa ra quyết định này vì lợi ích quốc gia của Australia.

Tình yêu...bất diệt!

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn thao tin tiết lộ Pháp đã đình chỉ cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly với người đồng cấp Anh Ben Wallace, vốn được lên kế hoạch diễn ra trong tuần này, sau khi Australia hủy bỏ hợp đồng mua sắm tàu ngầm với Paris để theo đuổi một thương vụ khác với Washington và London.

Còn theo Bloomberg News, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang tìm cách xoa dịu tình trạng căng thẳng trong quan hệ với Pháp. Bloomberg News dẫn phát biểu của Thủ tướng Johnson trên đường tới New York (Mỹ) ngày 19/9 nhấn mạnh: “Chúng tôi rất tự hào về mối quan hệ với Pháp. Tình yêu của chúng tôi dành cho nước Pháp là bất diệt”. Theo ông Johnson, Anh và Pháp đang phối hợp triển khai những hoạt động quân sự chung ở Mali và các quốc gia Baltic, cũng như hợp tác trong chương trình thử nghiệm hạt nhân mô phỏng.

Thủ tướng Anh B. Johnson có dáng ngồi "lạ" trong một cuộc gặp với Tổng thống Pháp E. Macron tại Điện Elysee

Tuy nhiên, người Pháp khó có thể sớm nguôi ngoai bởi chính Ngoại trưởng Pháp Le Drian coi việc Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để quay sang mua tàu ngầm của Mỹ là “cú đánh sau lưng”. Ông nói: “Các đồng minh không hành xử như vậy. Đây thực chất là một cú đánh sau lưng. Chúng tôi xây dựng mối quan hệ tin cậy với Australia, nhưng họ lại phản bội”.

Giận giữ trước các hành động của Mỹ, Anh và Australia, Pháp đã từ chối tham dự lễ kỷ niệm 240 năm diễn ra trận hải chiến Chesapeake, trong đó hải quân Pháp đã tham chiến chống lại Anh để ủng hộ cuộc chiến giành độc lập của Mỹ. Trận hải chiến diễn ra ngày 5/9/1781 được giới sử học đánh giá có ý nghĩa quyết định chiến lược đối với thắng lợi của Mỹ.

Cùng với Đức, Pháp là một trong hai nước có tiếng nói quan trọng của EU. Do đó, cuộc “đối đầu” lần này giữa Pháp với Austria, Mỹ và Anh có dấu hiệu leo thang lên cấp độ cao hơn. Một ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia tuyên bố thiết lập liên minh quốc phòng ba bên AUKUS, EU đã ra tuyên bố chung về chiến lược tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

"Nỗi đau" tàu ngầm giúp Pháp có thêm động lực thúc đẩy dự án tự chủ chiến lược cho EU?

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết Brussels đã không được tham vấn về kế hoạch liên minh AUKUS. Ông nói: "Chúng tôi rất tiếc vì đã không được thông báo và không tham gia vào các cuộc đàm phán này. Chúng tôi phải tự xoay sở để sống sót, vì những người khác cũng làm như vậy”. Theo ông Borrell, EU rất mong muốn làm việc với Anh về vấn đề an ninh nhưng London tỏ ra không mặn mà kể từ khi nước này rời khỏi khối. Ông cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi Australia hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với Pháp.

Trong khi đó, Chủ tịch EU Charles Michel cho rằng thỏa thuận của Mỹ với Australia và Anh “càng chứng tỏ thêm là EU cần có cách tiếp cận chung đối với một khu vực có lợi ích chiến lược”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen (cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức) cũng thúc đẩy các kế hoạch tự chủ chiến lược của châu Âu. Bà đề xuất miễn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị quốc phòng được phát triển và sản xuất ở châu Âu, điều có thể giúp khối này thoát khỏi sự phụ thuộc vào thiết bị của Mỹ. Bà Von der Leyen nói rằng bà và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từ lâu đã kêu gọi quyền tự chủ quốc phòng của EU nhiều hơn, sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng châu Âu khi Pháp tiếp quản chức chủ tịch luân phiên của khối trong nửa đầu năm 2022.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phap-don-doc-daudong-minh-3439232/