Pháp luật các nước về thương mại điện tử:Chợ ảo lợi nhuận thật

Các cửa hàng, siêu thị truyền thống đang phải chia sẻ khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm bằng việc lướt web. Thực vậy, thời của thương mại điện tử đã tới và đang phát triển mạnh mẽ. Song hành với nó là những nỗ lực của các cơ quan lập pháp nhằm bảo đảm cho lĩnh vực quan trọng này vận hành lành mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Con gà đẻ trứng vàng

Theo đánh giá của Euromonitor International, thương mại điện tử dự kiến sẽ trở thành kênh bán lẻ lớn nhất thế giới vào năm 2021, vượt xa doanh số bán hàng thông qua hệ thống bán lẻ như siêu thị, quầy tạp hóa, cửa hàng quần áo và giày dép... Ước tính, lĩnh vực trên sẽ chiếm 14% tổng doanh số bán lẻ.

Thực ra, thương mại điện tử đã trở thành kênh bán lẻ hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 40% tổng doanh thu thương mại điện tử trên toàn cầu trong quý I/2017. Kết quả ấy một phần nhờ sự tăng tưởng mạnh ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Xứ sở kim chi từng là quốc gia đầu tiên trong khu vực mà thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng số 1 vào năm 2013 với tỷ lệ 11% trong tổng doanh số bán lẻ. Chính cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt nhất thế giới kết hợp với khả năng nắm bắt công nghệ mới nhất đã giúp nước này dẫn đầu cuộc cách mạnh kỹ thuật số.

Mặc dù thương mại điện tử vươn lên dẫn đầu ở Hàn Quốc sớm hơn Trung Quốc ba năm, nhưng đất nước gấu trúc mới đang là cường quốc kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Doanh số thương mại điện tử đã đạt 354 tỷ USD vào năm 2016 để trở thành kênh bán hàng lớn nhất cả nước, chiếm 17% tổng doanh số bán lẻ. Cũng trong năm này, thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới.

Nhìn sang châu Âu, thương mại điện tử sẽ là kênh lớn nhất trong năm 2019 của Vương quốc Anh với 18% tổng doanh số bán lẻ. Ước tính sau năm 2020, tỷ lệ này ở Đan Mạch là 17%. Tương tự, tỷ lệ của Phần Lan sau năm 2021 là 14%. Các quốc gia còn lại sẽ không chứng kiến thương mại điện tử chiếm vị trí hàng đầu trong vòng 5 năm tới.

Bất chấp là thị trường bán lẻ lớn thứ ba ở Tây Âu (sau Đức và Pháp), Vương quốc Anh là thị trường lớn nhất cho doanh số thương mại điện tử trong năm 2017, lớn hơn 50% so với vị trí thứ hai của Đức, nhờ việc áp dụng nhanh chóng các cửa hàng tạp hóa trực tuyến. Theo đánh giá về tình hình tiêu dùng năm 2017 của Consumer Conditions Scoreboard, tỷ lệ mua sắm trực tuyến tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp 2 lần trong 10 năm qua, từ mức 29,7% năm 2007 lên 55% hiện nay.

Còn tại Đông Nam Á, 2018 đã trở thành năm thương mại điện tử của khu vực. Theo báo cáo của Google và Temasek, nền kinh tế kỹ thuật số ở đây đang trên đà đạt 240 tỷ USD vào năm 2025, cao hơn 40 tỷ USD so với ước tính trước đó.

Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử khiến cho lĩnh vực này được ví như con gà đẻ trứng vàng với những khoản lợi nhuận kếch xù.

Xây dựng luật từ rất sớm

Tuy nhiên, bất cứ xu hướng phát triển nào cũng cần phải nằm dưới sự điều chỉnh của luật pháp. Do đó, xây dựng khung pháp lý cho thương mại điện tử là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã xây dựng các luật riêng dựa trên những khái niệm và nguyên tắc cơ bản từ bộ luật mẫu về thương mại điện tử của Ủy ban Pháp luật thương mại quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc (UNCITRAL). Bộ luật mẫu được soạn thảo năm 1996 đã cung cấp các nguyên tắc có tính quốc tế, giải quyết một số trở ngại, nhằm tạo ra môi trường an toàn về pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử.

Nói chung, các nhà lập pháp thế giới khi xây dựng luật liên quan đến thương mại điện tử đều chú trọng vào những nội dung chính như các giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, bảo vệ người tiêu dùng, tội phạm máy tính, quyền sở hữu trí tuệ, khả năng cạnh tranh, thuế và an ninh thông tin.

Chẳng hạn như ở Australia có Luật Giao dịch điện tử năm 1999 quy định các nghĩa vụ pháp lý với việc phát hành đối với phương tiện điện tử. Trong khi đó, xứ sở Phù Tang đang có kế hoạch sửa đổi một số luật quan trọng liên quan đến thương mại điện tử như Luật Dân sự, Luật Hợp đồng cho người tiêu dùng và Luật Thương mại đặc thù.

Thực ra, ngay từ năm 2000, Nhật Bản đã ban hành hàng loạt luật liên quan đến công nghệ thông tin công nhận tính hiệu lực của việc chuyển các văn bản bằng phương tiện điện tử. Luật về chữ ký điện tử và tổ chức chứng thực điện tử của đất nước mặt trời mọc đã có hiệu lực ngày 25.5.2000. Tương tự, trong khoảng thời gian này, chữ ký điện tử được đưa vào luật rất nhiều nước như Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Singapore, Ấn Độ… Còn tại Trung Quốc, Luật Hợp đồng thừa nhận tính hiệu lực của các hợp đồng điện tử. Mới đây nhất, ngay đầu năm 2019 này, luật thương mại điện tử đầu tiên của đất nước Vạn Lý Trường Thành đã chính thức đi vào cuộc sống.

Ở New Zealand, Luật Giao dịch điện tử năm 1998 xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào một giao dịch điện tử. Luật cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp điện tử qua internet. Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành hướng dẫn để giúp các cơ quan giám sát thị trường của các quốc gia thành viên có thể kiểm soát tốt hơn những sản phẩm được bán trực tuyến.

Hướng dẫn của EC nêu rõ, bất kỳ sản phẩm nào được bán trực tuyến tại thị trường EU đều phải tuân thủ các quy định pháp luật của khối, ngay cả khi nhà sản xuất có trụ sở bên ngoài EU. Ngoài ra, luật về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại các nước EU yêu cầu các cơ quan thuế quốc gia tập trung xác định đối tượng chịu thuế, giá trị giao dịch để xác định giá trị số thuế phải đóng cho ngân sách nhà nước.

Theo Linh Anh/daibieunhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/phap-luat-cac-nuoc-ve-thuong-mai-dien-tucho-ao-loi-nhuan-that-302701.html