Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 2)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 2

II. Chế độ Công xã nguyên thủy tan rã - Nhà nước và pháp luật ra đời

1. Nhà nước và pháp luật chiếm hữu nô lệ

Vào giai đoạn cuối của chế độ thị tộc phụ quyền ngành nghề mới xuất hiện đã đẩy năng suất lao động lên cao. Trước kia, người nguyên thủy do kinh tế thấp kém, không đủ ăn, phải sống thành từng bầy, thành các cộng đồng thị tộc bộ lạc để dựa vào nhau mà sống. Sang giai đoạn này, sản phẩm dư thừa, công cụ tiên tiến làm cho người ta thấy gia đình một vợ một chồng vẫn có thể tồn tại được. Sản phẩm của cải dư thừa đã thúc đẩy tâm lý người lao động muốn để lại tài sản cho chính con cái của mình. Điều kiện cho chế độ một vợ một chồng đã xuất hiện và những gia đình như vậy đã ra đời. Những gia đình này đã chiếm đoạt tư liệu sản xuất như ruộng đất, công cụ sản xuất, tư liệu sinh hoạt làm của riêng, chế độ tư hữu xuất hiện, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất tan rã, và chế độ cộng sản nguyên thủy dựa trên cơ sở đó cũng sụp đổ theo. Chế độ tư hữu ra đời, kèm theo đó xã hội phân hóa thành các giai cấp khác nhau.

Giai cấp giàu có phần lớn là những tù trưởng bộ lạc, thủ lĩnh liên minh bộ lạc, những thủ lĩnh quân sự thời công xã nguyên thủy. Khi xã hội này tan rã, sẵn có quyền lực trong tay họ cướp đoạt được nhiều ruộng đất, của cải. Họ có quân đội vốn xưa là những lực lượng vũ trang công xã nên tiến hành chiến tranh xâm lược các bộ lạc khác để cướp đoạt đất đai, của cải, biến những bộ lạc bại trận thành nô lệ. F.Enghen đã luận chứng rằng quyền lực bản thân nó không thể sản xuất ra của cải, nhưng nó có khả năng trong việc cướp đoạt của cải. Luận cứ này đúng trong tất cả mọi trường hợp kể cả thời kỳ tan rã của chế độ nguyên thủy. Chiến tranh cướp bóc là một động lực không thể thiếu được để hình thành xã hội có giai cấp, xã hội chiếm hữu nô lệ. Như vậy giai cấp bóc lột áp bức là chủ nô xuất hiện, cùng với nó, giai cấp bị áp bức bóc lột là nô lệ ra đời.

Bên cạnh hai giai cấp trên, còn có giai cấp nông dân công xã nghèo, họ là những gia đình nông dân, chiếm được ít ruộng đất và công cụ sản xuất, là những người dân tự do về thân thể nhưng vẫn bị nhà nước nô lệ bóc lột. Họ có thể bị phá sản và rơi xuống địa vị nô lệ.

Xã hội phân hóa thành các giai cấp đối lập nhau về quyền lợi, từ đó phát sinh mâu thuẫn giai cấp, đe dọa tới quyền lợi của giai cấp chủ nô giàu có. Giai cấp chủ nô muốn có một công cụ để giữ vững địa vị thống trị, áp bức, bóc lột các giai cấp nghèo khổ, sẵn sàng đàn áp nô lệ và dân nghèo khi họ chống lại, công cụ này có thể giúp chủ nô là thiểu số nhưng thống trị khuất phục được đại đa số nhân dân. Công cụ đó chính là bộ máy Nhà nước.

Nhà nước bao giờ cũng có các đặc trưng chính là sự thống trị dân cư theo khu vực mà không theo quan hệ huyết thống của xã hội thị tộc. Đặc trưng thứ hai của nhà nước là hình thành nên những cơ quan quyền lực công cộng. Tùy từng kiểu nhà nước khác nhau trong lịch sử mà bộ máy quyền lực được tổ chức khác nhau. Nhà nước đầu tiên xuất hiện sớm nhất là nhà nước chiếm hữu nô lệ ở các nước phương Đông khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, lần lượt các Nhà nước nô lệ Ai Cập, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Trung Quốc v.v... ra đời. Ở phương Tây khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên Nhà nước nô lệ Hy Lạp, tiếp đó thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, Nhà nước nô lệ La Mã ra đời.

Ở các nhà nước nô lệ phương Đông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp: Nhà vua nắm quyền sở hữu tối cao về ruộng đất, lại do nhu cầu trị thủy các con sông lớn, do nhu cầu xâm lược hoặc chống xâm lược nên đã thiết lập nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền. Đứng đầu bộ máy nhà nước là vua, vua nắm tất cả ba quyền lực cơ bản: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, lại thêm quyền tổng chỉ huy quân đội. Không những thế, nhà vua còn được thần thánh hóa cho thêm phần linh thiêng buộc toàn thể thần dân phải khuất phục. Như vua Ai Cập được cho là sự hóa thân của thần Goro vĩ đại, vua Babylon (Lưỡng Hà) là sứ giả của thần thánh xuống cai trị vương quốc. Ấn Độ coi vua là một bộ phận cơ thể của thần thánh mà hóa thành, vua Trung Quốc được coi là con trời (thiên tử). Ở triều đình, giúp việc cho vua có quan đại thần phụ trách các mặt hành chính, quân sự, tư pháp, kinh tế. Nhà vua chia quốc gia thành các đơn vị hành chính lớn nhỏ, cử quan lại tới cai trị. Với bộ máy đó, quyền lực của nhà vua tác động tới tận các làng xã. Nhà vua có những đạo quân hùng mạnh để sẵn sàng đàn áp nô lệ, nông dân, để chống lại hoặc để xâm lược các nước láng giềng.

Ở Hy Lạp và La Mã do điều kiện địa lý thuận lợi mà hai nước này công thương nghiệp phát đạt. Trên nền kinh tế công thương nghiệp đã xuất hiện tầng lớp chủ nô mới công thương. Họ cùng với tầng lớp bình dân đấu tranh chống lại chủ nô quý tộc thị tộc (chủ nô nông nghiệp) để thiết lập những nhà nước cộng hòa như Nhà nước cộng hòa dân chủ chủ nô Aten, Nhà nước cộng hòa quý tộc chủ nô ở Xpác (Hy Lạp) và ở La Mã. Gọi là nhà nước cộng hòa dân chủ chủ nô vì quyền lực cao nhất thuộc về Đại hội nhân dân. Cơ quan này do công dân A-ten bầu ra và có nhiệm kỳ. Thế lực của quý tộc nông nghiệp bị đánh bại hoàn toàn, bị gạt khỏi tất cả ở bộ máy nhà nước, chủ nô công, thương nghiệp nắm trọn các cơ quan quyền lực. Chính vì thế nhà nước A-ten là đỉnh cao nhất của nền dân chủ thời cổ đại. Gọi là nhà nước cộng hòa quý tộc chủ nô vì quyền lực cao nhất thuộc về cơ quan tập thể, có nhiệm kỳ, nhưng cơ quan này chỉ do tầng lớp quý tộc giàu có bầu ra. Trong bộ máy nhà nước bọn quý tộc thị tộc chiếm thế lực lớn, ví dụ như quan chấp chính là người của bọn quý tộc, đặc biệt là viện nguyên lão tiêu biểu nhất của lực lượng quý tộc thị tộc. Quyền lực của Viện nguyên lão lấn át cả cơ quan quyền lực tối cao La Mã là Đại hội Xen-tu-ri-a (Đại hội nhân dân). Dù nhiều hình thức như các nhà nước nô lệ phương Tây, song, bản chất giai cấp của nó chỉ là một: Công cụ phục vụ cho giai cấp chủ nô. Cùng với sự ra đời của nhà nước, pháp luật của chế độ chiếm hữu nô lệ cũng ra đời.

Do mâu thuẫn giữa chủ nô với nô lệ ngày càng gay gắt, nô lệ căm thù sự bóc lột tàn bạo của chủ nô đã vùng dậy đấu tranh, tàn phá chế độ. Cuối cùng chế độ này suy đổ. Chế độ phong kiến và nhà nước phong kiến xuất hiện, Ở Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đế (Tần Doanh Chính) đã đánh bại sáu nước, kết thúc cục diện Xuân Thu Chiến Quốc kéo dài 500 năm, thống nhất đất nước, kiến lập nên triều Tần vào năm 221 trước Công nguyên. Sự kiện này kết thúc chế độ nô lệ ở Trung Quốc kéo dài gần 2000 năm, mở ra một trang mới trong lịch sử của dân tộc Trung Hoa: Lịch sử chế độ phong kiến.

Các nước khác ở phương Đông cũng đều bước sang chế độ phong kiến, kiến lập nhà nước phong kiến ở các thế kỷ sau Công nguyên.

2. Nhà nước và pháp luật phong kiến

Nhà nước phong kiến phương Đông về hình thức là chế độ phong kiến tập quyền. Vua là người nắm tất cả quyền lực, chi phối đời sống của thần dân. Trong tay vua có một bộ máy hành chính đồ sộ ngày càng hoàn chỉnh, và những lực lượng quân sự hùng mạnh. Pháp luật cũng là phương tiện thống trị hữu hiệu của giai cấp phong kiến đối với nông dân. Luật pháp có vai trò rất quan trọng đối với kẻ thống trị cho nên như chế độ phong kiến Trung Quốc, triều đại nào cũng biên soạn luật, coi nó là công việc hàng đầu của nhà nước: Tần luật, Hán luật, Đường luật, Tống luật, Minh luật, Đại Thanh luật lệ. Đặc trưng nổi bật của pháp luật phong kiến Trung Quốc là sự kết hợp giữa lễ và hình, giữa nhân trị và pháp trị.

Nhà nước phong kiến phương Tây có lịch sử hơn 1.000 năm, bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, khi đế quốc nô lệ La Mã tan rã, người Giéc-manh tràn vào chiếm đất đai của họ và lập nên những vương triều phong kiến. Nhà nước phong kiến ở Tây Âu trải qua một thời cát cứ lâu dài từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 14. Thời kỳ này là thời kỳ phân quyền về chính trị, chia cắt về lãnh thổ, mỗi lãnh địa là một vương quốc độc lập mà ở đó bọn lãnh chúa phong kiến tự coi mình có quyền hành cao nhất về hành chính, tư pháp, có quân đội riêng, tòa án riêng. Hoàng đế lúc này cũng chỉ là một lãnh chúa bình thường, quyền hành không vượt khỏi phạm vi lãnh địa của mình.

Cho mãi tới thế kỷ 15, kinh tế tư bản ra đời. Thành thị phát triển. Thị dân và giai cấp tư sản ra đời. Họ mâu thuẫn với chế độ phong kiến cát cứ vì nó kìm hãm sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Thị dân và tư sản đã ủng hộ tiền bạc và lực lượng giúp Hoàng đế đánh bại lãnh chúa cát cứ, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đó, nước Anh và Pháp đã thống nhất vào thế kỷ 15, xây dựng được chế độ phong kiến tập quyền. Nhà nước tập quyền phong kiến Pháp: đứng đầu nhà nước là vua nắm tất cả quyền lực. Giúp việc cho vua có Hội đồng nhà vua đứng đầu là một viên bộ trưởng và có 4 viên quốc vụ khanh. Tòa án nhà vua giành lấy quyền lực, xử tất cả những kẻ lãnh chúa nào dám vi phạm quyền lực nhà vua. Ri-sơ-li-ơ, nhà cải cách vĩ đại của Pháp đầu thế kỷ 17 đã lập ra cơ quan mật vụ theo dõi hành động của thần dân trong nước. Ông cũng đã cải cách quân đội nên nước Pháp thế kỷ 17 đã có một lực lượng lục quân và hải quân hùng mạnh.

(Còn nữa)

CVL

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-2-83346