Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 22)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 22

Chương II: PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ

Đấu tranh giành độc lập thống nhất xây dựng đất nước.

Như trong phần sử Trung Quốc đã trình bày, năm 221 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và lập ra nhà Tần. Năm 209 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng băng hà, nhà Tần suy yếu. Năm 207 trước Công nguyên, Triệu Đà là một viên quan của nhà Tần đã chiếm 3 quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận lập ra nước Nam Việt đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu). Triệu Đà đã nhiều lần tấn công xâm lược nước Âu Lạc nhưng bị quân ta đánh bại. Về sau Triệu Đà phải dùng mưu kế quỷ quyệt kết hợp với hành động quân sự mới chiến thắng được Âu Lạc vào năm 179 trước Công nguyên. Từ đó Âu Lạc bị sáp nhập vào nước Nam Việt của Triệu Đà.

Nhà Tần bị lật đổ, nhà Hán được kiến lập. Năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán đem hàng chục vạn quân tiêu diệt Nam Việt. Nước Âu Lạc bị nhà Hán cai trị.

Tiếp theo nhà Hán, trong cục diện Tam Quốc Ngụy - Thục - Ngô (220 - 280), năm 264, nước ta bị nước Ngô thống trị. Thế kỷ thứ 5 trong cục diện Nam- Bắc triều, nước ta thuộc nhà Lương thống trị. Năm 603, nước ta bị nhà Tùy, năm 662 lại thuộc nhà Đường cai trị. Năm 907, nhà Đường sụp đổ, Trung Quốc bước vào cục diện 5 đời 10 nước, trong đó nước Nam Hán, một nước cát cứ nhỏ ở miền Quảng Đông, âm mưu xâm lược nước ta. Quân Nam Hán bị Ngô Quyền đánh bại vào năm 938 trên sông Bạch Đằng, chấm dứt thời kỳ thống trị hơn 1000 năm của phong kiến Trung Quốc đối với nước ta.

Giai cấp phong kiến Trung Quốc đã du nhập quan hệ sản xuất vào Việt Nam. Đồng thời đạo Khổng, đạo Phật, đạo Giáo cũng theo đó mà xâm nhập vào. Đó là những phương tiện để phong kiến phương Bắc bóc lột, áp bức, đồng hóa dân tộc ta. Nhưng khách quan dưới tác động của những yếu tố bên ngoài, kinh tế phong kiến và giai cấp phong kiến Việt Nam ra đời ngày càng lớn mạnh. Đó là giai cấp tiên tiến nhất của xã hội Việt Nam khi đó, nên họ sẽ gánh vác sứ mệnh lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Nhân dân ta, một mặt nhờ sự vững bền của làng xã, bảo vệ nền văn hóa của mình, mặt khác tiếp nhận những tinh hoa tốt đẹp của văn hóa Trung Quốc làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc là linh hồn, cội nguồn của tinh thần bất khuất. Giai cấp phong kiến Việt Nam cùng toàn dân đã liên tục đứng dậy chiến đấu kiên quyết giành độc lập dân tộc.

Tháng 3 năm 40, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị con của lạc tướng huyện Mê Linh (nay là thuộc Hà Nội) đã lãnh đạo nhân dân đồng loạt nổi dậy lật đổ nền cai trị của nhà Hán, giải phóng 65 huyện thành. Hai Bà được tôn làm vua (Trưng Vương) đóng đô ở Mê Linh. Nhà nước của hai nữ vương tồn tại được 2 năm. Đến tháng 5 năm 43, quân đội của Hai Bà bị Mã Viện đánh bại. Hai Bà gieo mình xuống dòng Hát Giang tự vẫn.

Năm 156-160 khởi nghĩa Chu Đạt.

Năm 178-181 khởi nghĩa Lương Long ở Giao Chỉ, Cửu Chân.

Năm 248 khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh ở Cửu Chân (nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chống lại giặc Ngô.

Trong giai đoạn thống trị của nhà Tấn, Tống, Tề, nhân dân ta liên tục đấu tranh. Khởi nghĩa Lương Thạc (317-323), Lý Thường Nhân, Lý Thúc Hiến (468-485).

Mùa Xuân năm 542 đại khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo, chỉ 3 tháng đã quét sạch giặc Lương, khôi phục đất nước lập nên nhà nước Vạn Xuân. Nhà nước Vạn Xuân tồn tại đến năm 603 thì bị nhà Tùy tiêu diệt.

Chống lại nhà Đường (618-907) có các cuộc khởi nghĩa của Đinh Kiến và Lý Tự Tiên năm 687, của Mai Thúc Loan năm722, của Phùng Hưng năm 766-791 và của Dương Thanh năm 819-820

Vào thế kỷ thứ 10 nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ ở Hồng Châu (Hải Dương) nhân cơ hội đó giành quyền tự trị năm 905. Năm 907, Khúc Hạo tiếp tục nối nghiệp tự chủ. Năm 917, Khúc Thừa Mỹ, con Khúc Hạo vẫn giữ nghiệp cha.

Năm 930, Dương Đình Nghệ ở Ái Châu (Thanh Hóa) đánh bại quân Nam Hán, khôi phục nền tự chủ, Dương Đình Nghệ vẫn xưng là Tiết độ Sứ.

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ và cầu cứu quân Nam Hán đem quân vào xâm lược để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của mình.

Năm 938, Ngô Quyền (Đường Lâm - Hà Nội) là con rể của Dương Đình Nghệ đã đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Trận Bạch Đằng đã kết thúc 1000 năm mất nước, mở ra một kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc.

Sau khi đánh bại quân Nam Hán, Ngô Quyền xưng Vương, đóng đô ở Cổ Loa, bắt đầu xây dựng một Nhà nước phong kiến độc lập. Theo Ngô Sĩ Liên tác giả bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” thì triều đình của Ngô Quyền có “quy mô của đế vương”.

Sau khi Ngô Quyền mất năm 944, các thế lực phong kiến nổi dậy cát cứ tranh giành quyền lực, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Yêu cầu thống nhất quốc gia để có sức mạnh tồn tại là bức thiết. Đáp ứng nhu cầu đó, Đinh Bộ Lĩnh đã đánh bại các thế lực phong kiến, thống nhất đất nước năm 968 lập ra nhà Đinh.

Thắng lợi quân sự đó làm cho Đinh Bộ Lĩnh có sức mạnh củng cố hơn nữa nền độc lập mà Ngô Vương là người đặt nên móng. Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế đặt tên nước là Đại Cồ Việt, tự đặt niên hiệu riêng là Thái Bình, dời đô từ Cổ Loa về Hoa Lư. Hoàng đế đã định ra tước vị cho các quan văn võ và tăng đạo (Ngô Sĩ Liên, “Đại Việt sử ký toàn thư”) như Nguyễn Bặc được phong làm Định Quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân. Các hoàng tử được phong vương: con cả là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương, Đinh Toàn được phong Vệ Vương.

Nhà nước lấy Phật giáo làm quốc giáo. Một số sư được làm quan gọi là tăng quan. Quan Đại sư đứng đầu tăng quan, quyền hành to lớn, như sư Ngô Chân Lưu được ban hiệu Khuông Việt đại sư, làm cố vấn cho vua, được tham dự triều chính. Công cụ của nhà nước là 10 đạo quân do Lê Hoàn thống lĩnh nên ông được gọi là thập đạo tướng quân. Nhà Đinh cũng chia nước ra thành 10 đạo làm đơn vị hành chính để cai trị.

Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Đinh Liễn bị Đỗ Thích, một tên nội gian giết hại để hòng cướp ngôi, trong nước thì xung đột, bên ngoài nhà Tống lăm le phát động chiến tranh xâm lược. Triều thần, trong đó có Hoàng hậu Dương Vân Nga đã tán thành việc tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi để cứu nền độc lập non trẻ của đất nước. Nhà Tiền Lê được kiến lập.

Lê Đại Hành vẫn đóng đô tại Hoa Lư. Ở triều đình trung ương đặt các chức thái sư, chức tổng quản coi việc hành chính, quân sự, chức thái úy chỉ huy quân lữ. Chia đất nước thành các cấp hành chính: lộ, phủ, châu, giáp và xã. Năm 1008, Lê Long Đĩnh định ra quan chế, triều phục, các hoàng tử được nhận tước vương. Phật giáo là quốc giáo, sư tăng được trọng dụng.

II.Pháp luật

Suốt giai đoạn Ngô - Đinh – Tiền Lê (939-1009) do các triều đại còn phải nỗ lực bảo vệ chính quyền, bảo vệ sự thống nhất và độc lập của đất nước cho nên việc biên soạn luật pháp chưa có gì.

Dưới triều nhà Đinh, hoàng đế muốn dùng uy lực để răn dạy và chế ngự nên đặt vạc lớn ở sân đình, nuôi hổ dữ trong cũi và hạ lệnh “Khi nào trái phép thì bị bỏ vạc dầu sôi hoặc cho hổ xé xác ăn thịt”. Những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đó của vua Đinh nhằm lập lại trật tự kỷ cương xã hội, củng cố quyền lực trung ương. Đó chưa phải là luật chính thức của nhà nước, phổ biến nhất thời kỳ này vẫn là những phong tục, tập quán đã trường tồn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Dưới triều Tiền Lê, năm 1002, Lê Đại Hành (Lê Hoàn) đưa luật đánh roi hoặc tử hình để xử phạt các quan. Quan chức giúp việc phạm lỗi nhỏ bị đánh từ 100 đến 200 roi, thậm chí có thể bị tử hình. Nếu quan lại giúp việc làm quan trên phật ý cũng bị đánh từ 30 đến 50 roi, truất xuống làm gác cổng, khi quan trên hết giận có thể được gọi về chức cũ làm việc.

Lê Long Đĩnh, người nối ngôi Lê Hoàn tỏ ra là một ông vua hung bạo, sa đọa, hoang dâm trụy lạc. Nhà vua chơi bời vô độ mắc bệnh không ngồi được do đó khi thiết triều với bá quan văn võ phải nằm nên mới có biệt hiệu là “Lê Ngọa Triều”. Theo “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu thì Lê Ngọa Triều tính thích giết chóc, sai người có tội quấn cỏ gianh vào người rồi châm lửa đốt cháy cho chết, hoặc bắt người trèo cây, sai chặt cây đổ rơi chết. Nhà vua lấy thế làm vui. Vua còn sai tên hề người Hoa là Lưu Thủ Tâm lấy dao ngắn, tùng xẻo từng miếng thịt để cho chết dần dần. Người bị xẻo đau đớn kêu gào, Lê Ngọa Triều cười thích chí. Lê Ngọa Triều còn có lần róc mía trên đầu nhà sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu nhà sư chảy máu rồi cười. Đi đánh dẹp bắt được tù binh sai làm lao dưới nước gọi là thủy lao, nhốt tù binh vào đó, khi nước triều lên chìm chết tất cả. Nhà vua còn sai trói người vào mạn thuyền rồi cho thuyền đi trên sông Ninh là sông có nhiều rắn cho rắn cắn chết. Có lần nhà vua giết mèo lấy thịt cho các vương công ăn tiệc. Tiệc xong, nhà vua giơ đầu mèo cho xem làm cho các vương công sợ hãi. Nhà vua lấy đó làm khoái. Vua còn lấy thạch sùng làm gỏi bắt bọn hề tranh nhau ăn cho vua xem.

Những việc làm của Lê Long Đĩnh không phải là pháp luật thành văn của nhà nước. Đó chỉ là những hành động bất nhân, hình phạt tùy tiện của một ông vua vô đạo. Đã là kẻ cầm quyền vô đạo thì không bao giờ đặt ra luật lệ ràng buộc mình. Cho dù có đặt ra luật thì họ cũng không bao giờ tuân theo luật pháp vốn dĩ do chúng đặt ra.

Chỉ 4 năm cầm quyền, Lê Long Đĩnh để lại những dấu ấn khủng khiếp về sự tàn bạo, chà đạp con người.

(Còn nữa)
CVL

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-22-83754