Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 23)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ23

Chương III: PHÁP LUẬT THỜI LÝ

I.Bộ máy Nhà nước.

Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết, triều đình đã đưa Lý Công Uẩn giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ là chức võ tướng cao cấp chỉ huy quân hầu cận nhà Lê lên ngôi, lập ra triều Lý (1009 - 1225). Lý Công Uẩn xưng là Lý Thái Tổ. Sang triều Lý, công việc xây dựng đất nước bắt đầu bước vào quy mô rộng lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự phát triển của dân tộc và quốc gia phong kiến độc lập.

Năm 1010, Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long (rồng bay lên) tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc. Năm 1054, đời Lý Thánh Tông, nhà Lý đổi tên nước là Đại Việt. Quốc hiệu này tồn tại lâu dài cho đến đầu thời Nguyễn. Tên nước thể hiện niềm tự tôn và ý thức bình đẳng của dân tộc ta với các dân tộc xung quanh.

Triều Lý bắt đầu xây dựng theo lối chính quy nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền. Đứng đầu bộ máy nhà nước là vua. Vua nắm quyền hành cao nhất về chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo. Vua còn có quyền phong thần cho những người có công với nước linh thiêng được nhân dân thờ cúng.

Triều đình Lý đã chia thành hai ban văn võ. Các đại thần đứng đầu ngạch văn có tam thái: (thái sư, thái bảo, thái phó) và tam thiếu: (thiếu sư, thiếu bảo, thiếu phó). Ở ngạch võ có thái úy, thiếu úy và một số chức vụ khác.

Cơ quan hành pháp là các bộ. Mỗi bộ do thượng thư đứng đầu. Hàng quan văn có: Tả và hữu gián nghị, Tả và hữu tham tri, Trung thư thị lang, Tả hữu thị lang, Tả, hữu lang trung, Tả, hữu phúc tâm, Nội thường thị, Phủ sĩ sư, Điện học sĩ, Hàn lâm học sĩ, Vệ đại phu, Chư hỏa thư gia, Thừa trực lang...

Hàng quan võ có: Đô thống, Nguyên soái, Tổng quản, Khu mật sứ, Tả, hữu kim ngô, Thượng tướng, Đại tướng, Đô tướng, Tướng quân các vệ , Chỉ huy sứ...

Quan nắm quyền bính cao nhất trong triều là tể tướng gọi là tướng công thời Lý Thái Tổ, hoặc phụ quốc thái úy dưới thời Lý Thái Tông, Bình chương quân quốc trọng sự thời Lý Nhân Tông.

Năm 1075, nhà Lý bắt đầu mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài. Trước đó, quan lại chỉ tuyển chọn trong hoàng tộc và quý tộc. Quan lại không được trả lương, chỉ được ban một số hộ trong vùng để thu thuế làm bổng lộc và sống bằng các khoản thu của dân. Chỉ riêng một số quan lại giữ ngục tù được nhà nước cấp lương bổng hàng năm tính theo tiền và thóc.

Nhà Lý xây dựng một quân đội hùng mạnh với chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi binh lính ở nhà nông), lúc hòa bình cày ruộng, lúc chiến tranh thành binh lính.

Nhà Lý chia khu vực hành chính toàn quốc thành 24 lộ, dưới lộ là phủ, huyện, hương giáp và thôn. Miền núi được chia thành châu, trại, miền xa trung tâm cũng được gọi là châu như châu Ái (Thanh Hóa), châu Hoan (Nghệ An).

II.Pháp luật

1. ”Hình thư” và nguồn luật

Cùng với việc phát triển của chế độ phong kiến trung ương tập quyền, sự phát triển của kinh tế đã làm cơ sở cho sự phát triển văn hóa nói chung và pháp luật nói riêng.

Có thể nói, dưới vương triều Lý lần đầu tiên pháp luật Đại Việt mới được viết thành văn. Năm 1042, Lý Thái Tông ban hành bộ luật “Hình thư”. “Hình thư” ra đời là một sự kiện quan trọng trong lịch sử pháp quyền Việt Nam, chứng tỏ nhà nước trung ương tập quyền đã ổn định và đã được xây dựng với thiết chế tương đối hoàn chỉnh. Như ta đã biết, trước nhà Lý, luật pháp nước ta tản mạn, cho nên xét xử tùy tiện, không có tiêu chuẩn chung, không thống nhất. Nhu cầu có một bộ luật thống nhất thành văn là yêu cầu bức thiết để góp phần xây dựng chế độ phong kiến tập quyền. Vì thế, vua sai quan trung thư là chức quan được giao về việc sửa định luật lệ của triều đình “San định luật lệ, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên rõ điều khoản, làm thành sách “Hình thư” của một triều đại. Sách làm xong, chiếu ban cho thi hành, dân đều lấy làm tiên. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng”(1).

Bộ luật gọi là “Hình thư” nhưng không phải bộ luật ấy chỉ quy định những quy phạm hình sự. Đó là kỹ thuật lập pháp cổ. Thời đó, pháp luật vua ban ra chỉ nhằm định ra các nghĩa vụ, những điều cấm đối với quan lại và nhân dân. Đi kèm theo từng điều cấm, từng nghĩa vụ là những biện pháp xử lý đối với hành vi phạm pháp. Trong cơ cấu của mỗi điều luật, nội dung nêu lên một quan hệ xã hội được nhà nước định ra và bảo vệ kèm theo đó là biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm quan hệ xã hội ấy. Quy phạm hình sự luôn gắn liền và bao trùm lên các quan hệ xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nên luật thời đó gọi là hình pháp. Bộ luật chung ấy gọi là “Hình thư”. Mục đích của pháp luật là duy trì, củng cố trật tự xã hội phù hợp với ý chí của nhà vua. Nó chứng minh nhà nước đã có một nền pháp luật áp dụng thống nhất cả nước, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Nguồn luật cơ bản của “Hình thư” chủ yếu dựa vào các phong tục tập quán lâu đời của Văn Lang, Âu Lạc, của Đại Việt được nâng lên luật thành văn. Nguồn thứ hai là tham khảo luật của Trung Quốc, chủ yếu là Đường luật. “Hình thư” là một công trình tỉ mỉ cẩn thận của các quan lại làm luật chuyên trách do quan trung thư đứng đầu. “Hình thư” đã chia thành môn loại, chép rõ đề mục”(2). Nhà Lý đã cố gắng pháp điển hóa và hệ thống hóa các luật lệ. “Hình thư” là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta cũng là bộ luật căn bản nhất của triều Lý. Khi ban hành bộ luật có kèm theo chiếu chỉ của nhà vua bảo đảm tính pháp lý cao nhất. Các chiếu chỉ pháp lệnh sau này chỉ là những vấn đề riêng lẻ, là những hình thức pháp luật dưới bộ “Hình thư”.

2. Nội dung pháp luật

“Hình thư” đến nay không còn, đã bị quân Minh cướp đi khi xâm lược nước ta (1407-1427). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên, đó là tập luật lệ có tính chất pháp điển, bao gồm 3 quyển. Đối tượng điều chỉnh của “Hình thư” rất rộng như các quy phạm pháp luật, giải quyết kiện cáo, khiếu nại của nhân dân, quy định thủ tục khiếu oan, thủ tục xét xử, quy định việc chuộc tội bằng tiền mà kiến thức luật ngày nay gọi là luật tố tụng hình sự. ”Hình thư” quy định quyền sở hữu tài sản như trâu bò, ruộng đất, việc cầm cố đoạn mại việc tranh chấp ruộng, ao thuộc phạm vi gọi là luật Dân sự. Luật cũng quy định việc lấy vợ lấy chồng của con các quan trong triều, của binh lính, của các quan và các gia nô, việc nuôi con nuôi, nghĩa vụ của vợ chồng. Những quy định này thuộc phạm vi luật hôn nhân gia đình. ”Hình thư” đã có những nguyên tắc tổng quát về hoạt động, tổ chức của nhà nước như là quy chế tuyển dụng quan lại, y phục của bá quan văn võ trong triều và của các chức dịch địa phương, quy chế về bảo vệ an ninh cung cấm, về khen thưởng kỷ luật, quy định nghĩa vụ của nhân dân, nguyên tắc xử lý những trường hợp vi phạm nghĩa vụ ấy. Các quy định này ngày nay gọi là luật hành chính. Hình luật cũng quy định thuế má và cách thức thu thuế. Sau này ta gọi là luật tài chính. Luật quy định những tội và những biện pháp trừng trị đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm bảo vệ tài sản, địa vị chính trị của giai cấp thống trị.

”Hình thư” đã đưa ra quan điểm về quyền sở hữu: Lần đầu tiên pháp luật nhà Lý công khai thừa nhận quyền sở hữu của người dân, trong đó quyền sở hữu về ruộng đất là cơ bản nhất.

Quyền sở hữu ruộng đất được thừa nhận khi ruộng đất đó có thể mua, bán. Ruộng đất cầm cố quá thời hạn mà chủ không chuộc lại hoặc được chủ thể đã canh tác trên ruộng đất bỏ hoang quá 1 năm thì có quyền sở hữu, chủ cũ không có quyền đòi lại nữa. Chiếu ban hành vào tháng 6 năm 1135, vua Lý Thần Tông quy định rõ: “Cấm những người bán ruộng ao không được trả tăng tiền để chuộc lại. Làm trái thì bị tội”.

Trong chiếu tháng 12-1142, vua Lý Anh Tông định rằng: “Ai bán đoạn ruộng đất có làm hợp đồng thì không trường hợp nào chuộc lại. Nếu đem ruộng cầm đồ trong vòng 20 năm thì được phép chuộc lại. Những người bán đoạn ruộng hay ruộng thục đã có văn khế rồi thì không được chuộc lại nữa”.

Như vậy, quan hệ dân sự thời Lý đã có sự phân biệt rõ nội dung pháp lý của hành vi cầm cố (điển mại) và bán đứt (đoạn mại). Pháp luật quy định tài sản đem cầm đợ thì sau một thời gian nhất định chủ sở hữu còn có quyền chuộc, còn bán đứt thì chuyển hẳn sở hữu cho người khác, không thể chuộc lại được.

Đó là nguyên tắc bảo đảm tính ổn định của hợp đồng ký giữa các cá nhân. Nhờ nguyên tắc đó, giao dịch mua bán mới có cơ sở vững chắc, giảm bớt các vụ kiện cáo.

Nội dung pháp lý về quyền sở hữu thời Lý được thể hiện ở cuộc tranh luận giữa ta và nhà Tống tại cuộc hội nghị Vĩnh Bình về việc đòi lại đất của ta bị nhà Tống chiếm đoạt.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược 1075-1078, dù bị đánh bại, nhà Tống vẫn không chịu trả lại một số đất của ta ở biên giới, vẫn giữ lại đất Vật Dương và đất Vật Ác tức là hai châu Quy Hóa và Thiên An với hai lý do hai châu đó đã được tù trưởng thiểu số địa phương đem nộp cho nhà Tống.

Tại hội nghị, Chánh sư phái đoàn ta là Lê Văn Thịnh đã dùng pháp lý để bảo vệ chủ quyền đất nước. Ông nói: “Đất thì có chủ. Các viên coi giữ mang nộp và trốn đi, thì đất ấy thành ra vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất trộm dâng để làm nhơ bẩn sổ sách của nhà vua”(3).

Trước sự hùng biện đanh thép, vua Tống khen sứ Đại Việt giỏi lý luận pháp lý, liền ban cho Lê Văn Thịnh 200 tấm vải vóc.

(Còn nữa)
CVL

--------------------------

(1) Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội, 1993, trang 263.

(2)Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2. Nxb. Khoa học xã hội,Hà Nội, trang 288.

(3) Hoàng Xuân Hãn,Lý Thường Kiệt, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, 1966, trang 351.

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-23-83769