Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 35)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Ky35

Năm 1815, bộ luật Gia Long được công bố gọi là “Hoàng Việt luật lệ”. Bộ luật có 398 điều, chia thành 22 quyển. Các điều khoản của luật được chia thành 6 loại mà nội dung của nó tương ứng với công việc của nhà nước do 6 bộ phụ trách đê áp dụng. Có lẽ đó là tư duy, ý thức về ngành luật như kiểu luật ngày nay. Sáu loại đó là:

1. Danh lệ: quy định những nguyên tắc chung về tội phạm và hình phạt: 45 điều.

2. Lại luật: 27 điều

3. Hộ luật: 66 điều

4. Lễ luật: 26 điều

5. Binh luật: 58 điều

6. Công luật: 10 điều.

Phần “Tỷ dẫn luật điều” quy định việc sử dụng tiền lệ pháp(1).

Như vậy “Hoàng Việt luật lệ” là bộ luật phức tạp điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc các lĩnh vực khác nhau. Giống như Hình thư đời Lý, Trần; Luật Hồng Đức đời Lê, tất cả các điều khoản của bộ luật Gia Long đều xây dựng dưới hình thức quy phạm hình sự và áp dụng các chế tài hình sự. Có thể nói đây là bộ luật cơ bản nhất của triều đình nhà Nguyễn, qua các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Các triều vua sau chỉ lấy đó làm gốc ban hành các đạo dụ để bổ sung, thêm bớt một số điểm.

2. Nội dung pháp luật

a. Về luật hôn nhân gia đình

Các điều về hôn nhân gia đình của luật Gia Long dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Nho giáo. Hôn nhân theo luật này không được tự do và bất bình đẳng. Luật đề cao vai trò của người cha, người chồng, của con trưởng và vợ cả.

Việc kết hôn và ly hôn, luật Gia Long tương tự như luật Hồng Đức, nhưng có một số khác biệt như quy định không được vi phạm trật tự thê (vợ chính), thiếp (vợ lẽ). Cấm nô tỳ kết hôn với dân tự do. Trong ba trường hợp sau được ly hôn: Thất xuất nghĩa tuyệt (vợ mưu sát chồng), chồng bán vợ làm nô lệ, cho thuê hay cầm vợ, tuyệt tình (hai vợ chồng không hòa hợp nhau).

Luật quy định việc đánh tráo cô dâu (võng mạc) hoặc anh đi hỏi vợ mà em cưới sẽ bị phạt đánh trượng.

Về nuôi con nuôi: Luật quy định nuôi con nuôi để lập tự phải là con trai, nếu nuôi để dưỡng tuổi già có thể nuôi con trai hoặc gái.

Luật này không đề cập đến quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, không đề cập đến quyền thừa kế tài sản của con gái.

Về hôn nhân gia đình, luật Gia Long là một bước thụt lùi so với luật Hồng Đức. Các chế định tiến bộ ở luật Hồng Đức đều bị Gia Long gạt bỏ.

b. Chế định về dân sự

Số lượng điều khoản dân luật của luật Gia Long ít hơn luật Hồng Đức. Hầu hết các quy phạm tập trung bảo vệ chế độ tư hữu, tư nhân về ruộng đất, tài sản. Luật Gia Long thừa nhận hai hình thức kế thừa tài sản theo di chúc và kế thừa theo luật. Khác với luật Hồng Đức, Hoàng Việt luật lệ chỉ cho phép con trai, cháu và họ hàng kế thừa. Con gái bị gạt khỏi quan hệ này.

Nội dung của luật chỉ bảo đảm cho việc phục dịch đóng thuế, củng cố phát triển chế độ tư hữu về ruộng đất của địa chủ phong kiến và bảo vệ kho tàng tài chính của Nhà nước.

c. Luật tố tụng

Luật Gia Long quy định xét xử qua nhiều cấp, quy định quyền tư pháp cao nhất của nhà nước và của Bộ Hình.

d. Luật hình

Luật hình Gia Long cũng dùng những hình như: xuy, trượng, đồ, lưu, tử (ngũ hình) để trừng phạt kẻ phạm tội. Các quy định về các loại tội phạm, hệ thống hình phạt cũng như các nguyên tắc trừng trị về cơ bản tương tự như luật Hồng Đức. Tuy nhiên cách chia khung hình phạt của bộ luật Gia Long có khác với luật Hồng Đức.

- Xuy hình: Đánh bằng roi mây. Luật Gia Long cũng được chia thành 5 bậc từ nhẹ đến nặng: 10 roi, 20 roi, 30 roi, 40 roi, 50 roi (đánh vào mông của phạm nhân).

- Trượng hình: Đánh bằng gậy tre hoặc gậy gỗ, cũng chia thành 5 bậc từ nhẹ đến nặng: 60 trượng, 70 trượng, 80 trượng, 90 trượng, 100 trượng.

Với hình phạt này, luật Gia Long có quy định khác với luật Hồng Đức rằng đối với phụ nữ can tội thông gian, tội bất hiếu, trộm cắp thì vẫn áp dụng phạt như luật định. Với các tội khác đàn bà nếu có tài sản cũng cho chuộc tội theo quy định cho vợ các quan.

- Hình phạt đồ: Bắt đi làm việc khó nhọc mô phỏng theo bộ “Đại Thanh luật lệ”, chia hình thức phạt đồ thành 5 bậc theo thời gian thụ hình và mỗi bậc có thêm hình phạt bổ sung đánh trượng từ 60 đến 100 trượng. Cụ thể luật Gia Long quy định như sau:

1 năm và đánh 60 trượng.

1 năm rưỡi và 70 trượng.

2 năm và đánh 80 trượng.

2 năm rưỡi và đánh 90 trượng.

3 năm và đánh 100 trượng.

Đến đời Thành Thái (1889-1907) hình phạt đồ 5 bậc đổi làm khổ sai từ 1 đến 5 năm.

- Hình phạt lưu: Lưu là buộc kẻ phạm tội phải đi đày nơi xa. Đây là hình phạt nặng thứ hai sau tử hình. Nếu được giảm án tử hình là phải thụ lưu đày. Dựa vào luật nhà Thanh, luật nhà Gia Long cũng quy định chia lưu hình thành 3 bậc: đày đi 2.000 lý, 2.500 lý và 3.000 lý. Lưu đày là hình phạt chung thân nên điều 14 luật Gia Long cho phép gia đình đi theo phạm nhân. Các nơi đi đày thường là nơi chưa được khai phá. Các tội nhân đến đó sẽ khai khẩn cùng với gia đình.

- Hình phạt tử hình: Tử hình là hình phạt nặng nhất, tước đoạt mạng sống của phạm nhân.

Tử hình dưới thời Nguyễn cũng dựa theo luật nhà Thanh, được thực hiện dưới 2 hình thức: thắt cổ (giảo) và chém đầu (trảm). Ngoài ra luật Gia Long còn quy định thêm ba hình thức tử hình khác gọi chung là nhuận tử: thứ nhất là lăng trì: xẻo từng miếng thịt, mổ moi ruột, phanh thây, muối xương, làm mọi cách cho phạm nhân đau đớn. Hình thức này dùng cho những trọng tội như phản nghịch chống vua, bất hiếu (giết ông bà, cha mẹ). Nhuận tử thứ hai là trảm khiêu (chém bêu đầu). Nhuận tử thứ ba là lục thi (chém, băm xác). Hình phạt này dùng đối với tội nhân đã chết bằng cách băm xác người chết. Hình phạt chém bêu đầu và băm xác chỉ áp dụng đối với kẻ có hành vi bất đạo như giết chết 3 người trong một nhà.

- Chuộc tội bằng tiền: Luật Gia Long cho phép dùng tiền để chuộc tất cả các hình phạt ghi trong ngũ hình: xuy, trượng, đồ, lưu tử. Nhưng luật này chỉ cho phép các tội: “tạp phạm” tức là tội do vô ý hay bất hạnh xảy ra, hoặc phạm nhân già cả, trẻ em, người phế tật, những người xem thiên văn, đàn bà có tài sản hay vợ quan chức gây nên.

Với tội thập ác thì không được chuộc tội, các tội can danh phạm nghĩa, tham tang, uổng pháp, hối lộ, thông gian, trộm cắp giết người đều không được chuộc.

Trong chuộc tội, người có chức tước chuộc thấp hơn thường dân, lỗi do việc công được đánh giá nhẹ hơn lỗi do việc riêng tư.

- Bát nghị: Bát nghị là 8 trường hợp người phạm tội được quan xử án phải xét riêng để khoan hồng giảm nhẹ hình phạt cho họ.

Tóm lại, pháp luật nhà Nguyễn được soạn thảo để bảo vệ nhà nước chuyên chế, bảo vệ sở hữu phong kiến, củng cố bảo vệ chế độ đẳng cấp, bảo vệ sự bất bình đẳng trong xã hội. Chính vì thế các chế định luật cũng nhằm bảo vệ đời sống vật chất, tính mạng sức khỏe của nhà vua, người đứng đầu nhà nước nắm quyền lực, tài sản vô biên. Tội xâm phạm đến địa vị cai trị, đến tài sản của vua đều bị trừng trị rất nặng. Sự vi phạm trật tự xã hội phong kiến cũng bị trừng trị không kém phần tàn khốc.

Trong “Hoàng Việt luật lệ” tư tưởng Nho giáo thống trị tuyệt đối, phân biệt đẳng cấp trong xã hội khắt khe. Luật đã tước bỏ vai trò phụ nữ. Xuyên suốt bộ luật và tư tưởng trấn áp. Do vậy, luật Gia Long ít chú ý đến phong tục tập quán và những vấn đề dân luật. Trong luật gia đình, chỉ quan tâm bảo vệ trật tự lễ giáo phong kiến. Chính các học giả Pháp đều thừa nhận: đây là bộ luật tàn nhẫn, rập khuôn theo luật nhà Mãn Thanh, một thứ luật lệ của kẻ thống trị ngoại tộc xâm lược. Đó là thái độ của nhà Nguyễn đối với nhân dân, một thái độ rõ ràng là đàn áp trừng trị đối lập. Một số giáo sĩ Pháp viết: “Triều đình (Nguyễn) đã trở nên tính toán chuyên chế và mang tính chất bạo chúa không thương tiếc”(2).

KẾT LUẬN

Pháp luật Việt Nam ra đời sớm, cùng với sự ra đời của nhà nước, nghĩa là khi xã hội xuất hiện chế độ tư hữu và phân hóa thành các giai cấp có địa vị kinh tế, chính trị khác nhau. Trong giai đoạn đầu cũng giống như sự ra đời của pháp luật các nước trên thế giới, pháp luật Việt Nam thời Văn Lang - Âu Lạc chưa có luật thành văn mà chỉ là những phong tục tập quán được coi như pháp luật, vừa được nhà nước cưỡng chế, vừa được dư luận xã hội cộng đồng buộc các thành viên thực hiện.

Cuộc xâm lược và cai trị hơn 1000 năm của phong kiến Trung Quốc là một thử thách toàn diện đối với dân tộc ta, nhất là về phương diện văn hóa. Nhưng đây cũng là thời điểm giao lưu văn hóa, dân tộc ta một mặt đấu tranh bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa bên ngoài để phát triển văn hóa dân tộc. Pháp luật thuộc lĩnh vực thành tựu văn hóa nên cũng nằm trong thử thách và giao lưu. Kết quả của một thời kỳ kiên nhẫn, kiên cường là vào thế kỷ thứ 10 nước ta giành được độc lập chính trị, xây dựng nhà nước và pháp quyền độc lập.

Tuy nhiên từ triều Ngô, Đinh,Tiền Lê đất nước vừa độc lập, còn phải xây dựng, còn phải đấu tranh chống những thế lực chia cắt đất nước cho nên hoạt động lập pháp thời kỳ này chủ yếu dựa vào phán quyết và ý chí của các đời vua, mang nặng tính đàn áp khốc liệt và tùy tiện.

Nếu tính từ chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán đến bộ “Hình thư” nhà Lý ra đời năm 1042 thì hơn 100 năm độc lập, nước ta mới có luật thành văn. Nhưng sự ra đời của “Hình thư” thời Lý là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài hàng nghìn năm của toàn dân tộc về mọi phương diện kinh tế, chính trị, xã hội. Sự ra đời của luật thành văn phản ánh sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của dân tộc ta trên con đường độc lập tự chủ. Mặt khác luật thành văn ra đời cũng là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội, thúc đẩy kinh tế, xã hội, chính trị Việt Nam phát triển. “Hình thư” đời Lý đặt nền tảng cho “Hình thư” đời Trần và “Quốc triều hình luật” đời Lê, đó cũng là một chặng đường 5 thế kỷ phát triển rực rỡ của nền pháp lý Việt Nam thời kỳ trung đại.

Pháp luật phản ánh tình hình chính trị, kinh tế và xã hội đã sinh ra nó. Nước Đại Việt thời Lý - Trần - Lê sơ là giai đoạn hình thành và phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Khi đó nhà nước và giai cấp phong kiến còn đóng vai trò tiến bộ của lịch sử nên pháp luật thời kỳ này cũng đóng vai trò tiến bộ thể hiện ở nội dung pháp luật. Đặc biệt ở bộ “Quốc triều hình luật”, dù là công cụ của giai cấp thống trị nhưng bộ luật này thấm đượm tinh thần khoan dung, nhân đạo cố gắng tạo nên một xã hội thái bình, an ninh và công bằng. Những tiến bộ trong “Quốc triều hình luật” có một không hai so với các bộ luật cổ - trung đại của các quốc gia châu Á. Là một tấm gương phản ánh và công cụ của Nhà nước, của giai cấp, khi giai cấp phong kiến phản động, thì luật pháp cũng theo đó mà trở nên hà khắc và phản động. Như “Hoàng Việt luật lệ” của vương triều Nguyễn sao chép lại “Đại Thanh luật lệ” hoàn toàn không phù hợp với xã hội, truyền thống của Việt Nam, đặc biệt vào lúc mà ở phương Tây, chủ nghĩa tư bản đang chiến thắng chế độ phong kiến. Do đó nó có tác hại, giam cầm nhân dân trong vòng nghèo nàn và thù hận. Kết cục bi thảm là Việt Nam bị Pháp xâm lược và cai trị. “Ôn cố tri tân” nghiên cứu, hiểu pháp luật và cách dùng luật cai trị của đời xưa và tác động to lớn của nó đối với đất nước con người để rút kinh nghiệm làm luật và áp dụng pháp luật ngày nay sao cho nghiêm minh, công bằng lại nhân ái, không những hoàn thiện bao trùm mọi lĩnh vực mà phải phù hợp xu thế trong ngoài và luôn phát triển để luật hiện đại của ta đáp ứng nhu cầu đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh và kiến tạo xu thế hội nhập với thế giới bên ngoài.

CVL

(HẾT)

---------------------------

(1) Vũ Thị Phụng: Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Hà Nội 1993, trang 139

(2) Dẫn theo Vũ Huy Phúc trong Tìm hiểu chế độ ruộng đất Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19.Nxb Khoa học xã hội.HN. 1979, trang 53.

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-35-83996