Pháp luật và cuộc sống: Phạm tội vì giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa vừa xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo của bị cáo P.V.T, giữ nguyên các nội dung của bản án sơ thẩm mà TAND huyện Yên Định đã áp dụng đối với bị cáo này.

Trước đó, tháng 9-2023, TAND huyện Yên Định xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Q.M.T (sinh năm 1993, trú tại thôn Thanh Tâm, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) 46 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”; bị cáo P.V.T 21 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, buộc bị cáo P.V.T bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại số tiền 200 triệu đồng. Theo bản án sơ thẩm, ngày 29-4-2023, Q.M.T điều khiển xe ô tô của P.V.T lưu thông trên tỉnh lộ 518 và gây tai nạn, hậu quả làm bà P.T.T (sinh năm 1944, ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định) tử vong. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do Q.M.T không có giấy phép lái xe theo quy định, điều khiển ô tô sau khi sử dụng rượu, bia, không làm chủ được tốc độ. P.V.T biết rõ Q.M.T đã sử dụng rượu, bia, không có giấy phép lái xe theo quy định nhưng vẫn đồng ý giao xe cho Q.M.T điều khiển...

Ảnh minh họa: nhandan.vn

Không ít người vẫn nghĩ rằng, chỉ ai trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn chết người mới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn chủ phương tiện-người cho mượn, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, như trường hợp bị cáo P.V.T nói trên thì “vô can”. Tuy nhiên, pháp luật đã quy định rõ vấn đề này. Khoản 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định “Nghiêm cấm giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ”. Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển, đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng (với cá nhân), từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng (đối với tổ chức); với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức. Trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông chết người thì người cho mượn, giao phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Các quy định về cấm và xử phạt đối với hành vi cho mượn, giao xe cho người không đủ điều kiện (chưa có giấy phép lái xe; uống rượu, bia; chưa đủ tuổi...) điều khiển là rất cần thiết nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ phương tiện, góp phần giảm tai nạn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thế nhưng trên thực tế, do nhận thức chưa đúng về trách nhiệm, hành vi phạm tội nên nhiều chủ sở hữu phương tiện vẫn giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển; không ít cha mẹ vẫn mua xe máy có dung tích xi lanh lớn hơn 50cm3 cho con em mình sử dụng, mặc dù các con chưa đủ tuổi theo quy định (18 tuổi)... Để hạn chế, chấm dứt tình trạng này, các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về giao thông nói riêng; mỗi người cũng cần nêu cao ý thức, không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển để vừa ngăn ngừa vi phạm, vừa không làm liên lụy đến bản thân.

TRUNG HIẾU

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/tin-tuc/phap-luat-va-cuoc-song-pham-toi-vi-giao-xe-cho-nguoi-khong-du-dieu-kien-dieu-khien-760978